8 bài học để sống tử tế hơn với bản thân: 2020 khởi đầu của một thập kỷ, hãy sống cho mình trước tiên
Nếu không thể tử tế với chính bản thân mình, bạn làm sao có thể sống tử tế hơn với những người xung quanh. Hãy bắt đầu một thập kỷ sắp tới bằng việc yêu thương bản thân nhiều hơn trước khi quan tâm tới người khác.
- 03-01-2020Câu chuyện "Chặt thông hay bạch dương trước" hé lộ nguyên nhân thất bại của không ít dân công sở
- 02-01-2020Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng: Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng tối
- 02-01-2020Shark Hưng nói 'Thành công không có công thức' nhưng triệu phú Adam Khoo lại chỉ ra cách bạn có thể sao chép được thành công của người thành đạt
Ai đó đôi lúc quên đi sự tử tế dành cho chính mình. Cũng dễ hiểu, sao mà có thể tập trung vào bản thân khi xung quanh còn quá nhiều vướng bận? Tất nhiên, sẽ luôn có cách nếu bạn muốn cư xử tử tế với chính mình. Một bài đăng khá ý nghĩa trên MXH Lotus sẽ mang đến cho các bạn một góc nhìn khác về những cách để đối xử tốt với bản thân.
2020 đã bắt đầu; những vận hội và những thay đổi cũng theo cùng năm mới. Dù bạn là ai, xung quanh bạn như thế nào, hãy để năm bản lề của thập kỷ là dịp để quan tâm và yêu thương bản thân mình hơn trước khi có cả 10 năm để tử tế với cuộc sống này hơn.
1. Dành nhiều thời gian một mình không phải điều quá tệ
Theo các chuyên gia, việc bạn có những khoảng thời gian một mình cũng sẽ giúp cải thiện các mối quan hệ xã hội, tăng khả năng sáng tạo và sự tự tin cũng như giúp bạn điều tiết cảm xúc để vượt qua những tình huống khó khăn.
"Nỗi cô đơn không phải lúc nào cũng tốt nhưng nó cũng có tác dụng tích cực", Thuy-vy Nguyen, một nhà nghiên cứu từ khoa tâm lý học, đại học Durham phát biểu. Chính yếu tố điều tiết cảm xúc sẽ giúp chúng ta có thể đối diện tốt hơn trong hoàn cảnh thực tế.
Đừng quá gượng ép bản thân phải liên tục lao vào các mối quan hệ, bữa tiệc hay sự kiện xã hội; dành thời gian cho bản thân nhiều hơn là cách để bạn có thể phục hồi năng lượng và nghiền ngẫm những điều đã qua.
2. Cho bản thân những phút giây không làm gì
Chúng ta đã quá quen với cuộc sống bận rộn và sự bận rộn gắn liền với suy nghĩ về địa vị xã hội: Tôi bận rộn vì thế tôi quan trọng.
Có lẽ đã tới lúc cần hạn chế sự bận rộn đó lại. Rõ ràng, bận rộn không phải là yếu tố để chứng tỏ bản thân nhưng nó lại đem đến những hậu quả tiêu cực cho mỗi người: Áp lực, kiệt quệ, mệt mỏi và kéo theo nhiều hội chứng trầm cảm, căng thẳng.
Cho bản thân những phút giây không làm gì chính là cách để tử tế hơn với chính mình.
3. Phát triển những tình bạn giản đơn hơn
Đó là ai? Có thể là những bậc phụ huynh bạn tình cờ gặp khi đi đón con, bartender yêu thích trong quán rượu hay một người thường dắt chó dạo vào buổi sáng cùng bạn.
Nhà xã hội học Mark Granovetter coi những mối quan hệ này có "liên kết yếu". Tuy nhiên, nó sẽ giúp bạn có được sự gắn kết hơn với các nhóm xã hội khác và phần nào ảnh hưởng tới đường hướng công việc tương lai. Những liên kết yếu sẽ giúp chúng ta cảm thấy có được sự cảm thông và bớt cô đơn trong cuộc sống.
Theo một nghiên cứu vào năm 2014 chỉ ra, chúng ta càng có nhiều liên kết yếu thì càng hạnh phúc. Duy trì những mối quan hệ như vậy cũng truyền cho mỗi người cảm giác thuộc về một cộng đồng, địa phương hay nơi mình đang sống.
4. Học cách trân quý mọi điều khi còn tốt đẹp
Trong một báo cáo phân tích giá trị và lợi ích của những kỳ vọng tiêu cực trong tạp chí Emotion, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những học sinh nghĩ rằng họ có điểm số không tốt sẽ cảm thấy tiêu cực vài ngày trước khi nhận kết quả. Tồi tệ hơn, áp lực đó cũng không biến mất hay làm giảm nỗi thất vọng khi họ nhận được điểm số.
Lý do là gì? Ai cũng nghĩ lo lắng sẽ giúp họ thấy tốt hơn. Tuy nhiên, cần chấp nhận rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể chuẩn bị một cách hoàn hảo cho những thử thách đang tới.
"Có hàng tỷ thứ tồi tệ có thể xảy ra và chẳng ai có thể phán đoán được trước tất cả", giáo sư Michell Dugas từ đại học Quebec nhận định. Con người giỏi nhiều điều nhưng rất tệ trong việc dự đoán cảm xúc và kết quả của mình trong tương lai. Chính vì vậy, thay vì lo sợ điều tồi tệ sẽ xảy đến, hãy cứ tận hưởng sự hiện diện của niềm vui ở hiện tại nếu không muốn cuộc đời bạn là chuỗi ngày căng thẳng và dự liệu tiêu cực.
5. Học cách yêu cả những thú vui "không lành mạnh"
Chúng ta thích xem nhiều bộ phim và TV show dù nó không có giá trị gì, tốn thời gian. Có những cuốn sách dở ẹc và vô bổ nhưng ta vẫn muốn đọc cho hết. Đó được coi là những thú vui "không lành mạnh" - giống như kiểu bạn đang ăn đồ ăn nhanh của một nhà hàng truyền thông đương thời. Nhưng nếu chúng ta thích điều đó thì có tội tình gì không? Trên thực tế, những niềm vui không lành mạnh đó thực sự có lợi với chúng ta.
"Khi nghỉ ngơi, chúng ta thường nghĩ rằng nên để khoảng thời gian đó làm gì hữu ích hơn, như bản năng của con người vẫn luôn có", tiến sĩ Kristin Neff từ đại học Texas phân tích. Cách suy nghĩ cần làm gì "tốt cho việc tồn tại và sinh tồn" như vậy sẽ không tốt cho việc duy trì hạnh phúc.
Hãy để cho tâm trí nghỉ ngơi, làm điều gì cần "ít não" hơn, đôi khi bạn cần những điều như vậy để cân bằng cuộc sống đầy phức tạp.
6. Học cách chấp nhận lời khen - dù từ chính mình
Chấp nhận lời khen cũng không phải điều dễ dàng, đôi khi khiến mọi người ngại ngùng. Bạn muốn làm tốt nhưng không muốn tỏ ra ngạo mạn. Điều đó không dễ dàng chút nào.
Khi bạn chấp nhận lời khen từ người khác, hay kể cả bản thân, dành cho mình, não bộ sẽ cảm thấy tích cực và tâm trí sẽ "khen" bạn nhiều hơn. Điều này sẽ giúp bạn thấy có động lực để làm việc tốt hơn, cải thiện những thói quen tốt và giảm áp lực.
7. Đón nhận những niềm vui bất ngờ từ trải nghiệm không mới
Sự mới mẻ dường như bị đánh giá quá cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chúng ta vẫn có thể thấy được niềm vui từ những điều lặp đi lặp lại.
"Khi một trải nghiệm có nhiều lớp thông tin để hé lộ, việc lặp đi lặp lại sẽ cho bạn những trải nghiệm khác biệt", Ed O’Brien, giáo sư khoa học hành vi của đại học Chicago cho hay. "Chúng ta thường quá vội vàng cho rằng mình đã nhìn thấy hết tầng nghĩa của một trải nghiệm dù thực tế bạn chưa nắm bắt được hết chúng".
8. Biến những điều tiếc nuối thành động lực
Nhiều người thường cố gắng giũ bỏ nỗi đau của bản thân. Số khác lại dằn vặt quá lâu về những sai lầm. Tuy nhiên, dù bạn có cố gắng giũ bỏ hay tìm cách giải quyết, bạn cũng không thể thoát được những cảm xúc tiêu cực đi kèm với nỗ lực đó. Đáng buồn hơn, việc nghĩ tới quá nhiều hay cố gắng thoát khỏi vấn đề chỉ khiến cảm xúc tiêu cực hiện hữu hơn, làm mất đi những niềm vui khác trong thực tại.
Thay vì ngó lơ những điều tiếc nuối, hãy học cách chấp nhận trải nghiệm. Những điều nuối tiếc có thể là một vấn đề nhưng nó đem lại lợi ích cho chúng ta khi bạn nhận ra rằng, mình có thể khắc phục vấn đề đó. Thay vì quá ám ảnh bởi thất bại và cảm xúc tiêu cực, hãy cho bản thân một cơ hội để rút ra bài học từ sai lầm. Đừng để bản thân chết chìm trong những cảm xúc tiêu cực không đáng có vì như vậy bạn chỉ làm bản thân đau khổ và mệt mỏi hơn thôi.
Helino