Ăn mặn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe mà bạn chưa biết: Bác sĩ chỉ cách từ bỏ thói quen xấu
Hiện nay các nghiên cứu về thói quen ăn muối của người Việt cho thấy người Việt ăn quá mặn dẫn tới nhiều hệ luỵ cho sức khoẻ.
- 24-03-2021Một địa chỉ ở Hà Nội lọt top 100 nhà hàng xuất sắc nhất châu Á, là đại diện duy nhất của Việt Nam
- 24-03-2021Lạ lùng ngôi chùa nghìn năm tuổi treo leo trên vách đá ở Trung Quốc: Cả công trình được nâng đỡ bởi vỏn vẹn vài thân gỗ nhưng vững chãi không ngờ
- 24-03-2021Thích đến mấy nhóm người này cũng phải hết sức chú ý khi ăn thịt lợn kẻo ảnh hưởng sức khỏe, hại cơ thể
6 nguy cơ từ ăn mặn
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay lượng natri ăn vào trong chế độ ăn của người trưởng thành trung bình là 3,7g/ngày, tương đương với lượng muối ăn vào là 9,4g/ngày, gần gấp đôi mức ăn vào khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là 2g natri/ngày hay 5g muối/ngày.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ăn mặn ảnh hưởng tới hầu hết các bộ phận trên cơ thể trong đó có 6 bệnh hay gặp khi ăn mặn.
Thứ nhất, cao huyết áp
Bản chất, khi ăn mặn, lượng muối tăng, cơ thể phải phản ứng trung hoà dịch nên giữ lại nước nhiều hơn, làm tăng khối lượng tuần hoàn, gia tăng áp lực lưu thông máu tạo gánh nặng cho tim mạch. Vì để có máu tuần hoàn, tim phải co bóp nhiều dẫn tới nguy cơ suy tim và tăng huyết áp.
Trẻ nhỏ ăn mặn cũng có ảnh hưởng tới huyết áp và làm tăng khả năng mắc tăng huyết áp. Và tăng huyết áp ở trẻ em còn để lại hậu quả kéo dài hơn người trưởng thành và khi trưởng thành đối diện với nhiều nguy cơ hơn.
Thứ hai, đột quỵ
Theo các nghiên cứu trên thế giới, ăn mặn làm tăng thêm 50% nguy cơ đột quỵ não. Mỗi ngày giảm 1 thìa cafe muối sẽ giảm nguy cơ đột quỵ.
Thứ ba, tăng nguy cơ suy tim
Ăn mặn sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này như suy tim.
Thứ tư, tổn thương thận
Ăn mặn làm trầm trọng thêm bệnh lý thận. Cũng giống cơ quan tim, khi ăn mặn, thận phải đào thải natri nhiều dẫn tới suy thận.
Thứ năm, trầm trọng thêm bệnh viêm loét dạ dày
Muối natri làm tăng tổn thương viêm loét dạ dày. Muối làm phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori. Người ăn quá mặn sẽ có nguy cơ mắc các chứng bệnh về dạ dày cao hơn người ăn uống bình thường.
Còn với những ai đã từng bị loét dạ dày, hàm lượng muối cao sẽ làm tăng độc tính của vi khuẩn H.pylori càng gây loét dạ dày và tá tràng. Nguy cơ này càng cao nếu bạn có thói quen ăn mặn kết hợp với chua cay.
Tại Nhật Bản đã nghiên cứu người ăn mặn có nguy cơ viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày gấp hai lần người ăn nhạt.
Thứ sáu, tăng nguy cơ loãng xương
Thừa muối khiến thận phải loại bỏ natriclorua và tăng loại trừ canxi qua nước tiểu. Canxi từ xương cũng bị đào thải dẫn tới nguy cơ loãng xương nhất là đối với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.
Ăn mặn là thói quen phá huỷ nhiều cơ quan trong cơ thể.
Hãy tập thói quen ăn nhạt
Thạc sĩ Khánh cho biết, để giảm các nguy cơ từ thói quen ăn mặn tốt nhất nên hạn chế ăn mặn, nên ăn 1 ngày đúng 5 gram muối - tương đương 1,5 thìa bột canh hoặc 2,5 thìa nước mắm hoặc 3 thìa nước tương.
Ngoài ra, có nhiều đồ ăn đóng hộp đã có muối nên phải điều chỉnh lại thói quen ăn uống. Thạc sĩ Khánh cho rằng thà ăn nhạt còn hơn ăn mặn.
Trong bữa ăn hàng ngày, người Việt có thói quen chấm đồ ăn vào bát nước chấm, gia vị trước khi ăn, dù món ăn đó nhiều khi đã được chế biến khá mặn (như dưa muối, cà muối hay các món rán). Thậm chí có người còn lật đi, lật lại nhiều lần trong bát nước chấm trước khi cho vào miệng thưởng thức.
Chính những thói quen này đã góp phần khiến chúng ta vô tình làm gia tăng đáng kể lượng muối mà chúng ta ăn vào hàng ngày. Kết quả là làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh. Vì thế khi ăn nên chấm nhẹ, không nên ăn hoa quả chấm muối. Tìm mọi cách giảm lượng muối đưa vào cơ thể để giảm bệnh cho cơ thể.
Thạc sĩ Khánh cho biết người nội trợ trong gia đình đóng vai trò quan trọng trong bữa ăn gia đình nên tốt nhất hãy tạo thói quen ăn nhạt cho cả nhà. Hãy pha loãng bát nước mắm trước khi ăn. Hạn chế thói quen chan nước mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn vì các loại nước này cũng chứa một lượng muối đáng kể.
Doanh nghiệp và tiếp thị