MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Aspirin có thể giảm 20% nguy cơ ung thư ruột nhưng các chuyên gia không biết chính xác "phương thức hoạt động"

08-11-2016 - 21:00 PM | Sống

Mới đây, các nhà khoa học Harvard phát hiện, những người trung niên thường xuyên sử dụng aspirin liều thấp ít có khả năng bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Những người tham gia nghiên cứu thường dùng aspirin vì đau đầu, viêm khớp hoặc gặp các vấn đề về cơ và do bác sĩ khuyên dùng thuốc để tránh khỏi các nguy cơ của bệnh tim mạch. Ít ai ngờ tới, viên thuốc nhỏ bé này có thể giảm nguy cơ ung thư ruột lên đến 20%. Đặc biệt, các nhà khoa học Harvard phát hiện, những người trung niên thường xuyên sử dụng aspirin liều thấp (81mg tại Mỹ) ít có khả năng bị chẩn đoán ung thư.

Nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi 136.000 người trong 32 năm; và nếu phát hiện của họ được áp dụng trước đó ở Anh, có thể 6.000 trường hợp ung thư ruột, dạ dày, tuyến tụy, ung thư đường ruột và thực quản có thể được ngăn ngừa mỗi năm.

Tác giả nghiên cứu, giáo sư Andrew Chan, một chuyên gia về ung thư tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ), cho biết: “Sẽ rất hợp lý nếu mỗi cá nhân thảo luận với bác sĩ riêng về việc dùng aspirin để ngăn ngừa ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt nếu trong gia đình họ từng có người mắc ung thư. Mặc dù, còn nhiều yếu tố khác gây ung thư như tuổi tác, béo phì, hút thuốc và ăn nhiều thịt đỏ”.

Kết quả ấn tượng nhất của aspirin chính là giảm 20% ung thư ruột, nguyên nhân ảnh hưởng tới 41.000 người ở Anh mỗi năm. Nó cũng có thể dùng để làm chậm sự lây lan của bệnh ung thư ruột. Uống aspirin liều thấp ít nhất sáu năm còn giúp giảm nguy cơ của tất cả các bệnh ung thư.

Các chuyên gia thú nhận, họ không biết chính xác “phương thức hoạt động” của aspirin, nhưng phần lớn có thể do nó làm giảm nồng độ của một loại enzyme có tên cyclooxygenase – nguyên nhân thúc đẩy sự hình thành khối u.

Mark Flannagan - giám đốc điều hành Beating Bowel Cancer - khẳng định: “Kết quả này và nghiên cứu trước đây đã cho thấy, uống thuốc aspirin có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư ruột. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ quy trình điều trị nào để tránh tác dụng phụ nếu có”.

Nicola Smith thuộc Cancer Research UK cho biết thêm: “Nghiên cứu bổ sung thêm những gì chúng ta đã biết về tiềm năng sử dụng aspirin dài hạn để giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư ruột. Nhưng chúng ta cần tìm hiểu thêm chính xác những đối tượng cần dùng, nguy cơ về tác dụng phụ, liều dùng và thời gian dùng là bao lâu”.

Tuy nhiên, trước đó, aspirin có một số phản ứng phụ được ghi nhận.

Thuốc chống chỉ định dùng trong những trường hợp có thể có nguy cơ bị dị ứng chéo như người đã có triệu chứng hen suyễn, viêm mũi hoặc nổi mề đay khi dùng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid trước đây.

Nên nhớ rằng, những người có tiền sử bệnh hen suyễn không được dùng aspirin vì sẽ có nguy cơ gây nên cơn hen; những người bị mắc bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu, loét dạ dày và tá tràng đang diễn tiến; suy tim vừa và nặng, suy gan, suy thận; đặc biệt là người có tốc độ lọc cầu thận thấp và xơ gan phải chống chỉ định dùng.

Vì vậy, thuốc cần thận trọng khi điều trị đồng thời với thuốc chống đông máu hoặc khi có nguy cơ chảy máu khác; không được kết hợp với các thuốc kháng viêm không steroid và các thuốc glucocorticoid.

Khi điều trị cho người bị suy tim nhẹ, có bệnh thận hoặc bệnh gan; đặc biệt khi dùng đồng thời với các thuốc lợi tiểu cần quan tâm xem xét cẩn thận nguy cơ giữ nước và nguy cơ giảm chức năng thận.

Ở trẻ em, khi dùng aspirin để điều trị đã gây ra một số trường hợp bị hội chứng Reye; vì vậy các nhà khoa học khuyến cáo hạn chế chỉ định sử dụng thuốc này cho trẻ em. Người cao tuổi có thể dễ bị nhiễm độc bởi aspirin do chức năng thận suy giảm; trong những trường hợp cần phải dùng thì nên sử dụng liều thấp hơn so với liều thông thường.

Nguyễn Linh

Mirror

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên