Bà Phạm Chi Lan: Tour du lịch Formosa "không hợp lý, rất phản cảm"
"Cách tiếp cận với chuyện thép - cá như ý tưởng tour du lịch Formosa này, tôi thấy không hợp lý chút nào cả và nó có phần rất phản cảm đối với vấn đề Formosa ở Việt Nam hiện nay".
- 28-09-2016"Tour du lịch Formosa": PGĐ sở VHTTDL nói "việc này phải rất tế nhị"
- 28-09-2016“Du lịch Formosa”: Ý tưởng “đánh thức” du lịch miền Trung
-
Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...
Không hợp lý và rất phản cảm
Ý tưởng sản phẩm " Tour du lịch Formosa " - Huyền thoại cá thép hóa rồng mà các nhà khoa học của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) đưa ra đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Để có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn về ý tưởng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan .
PV: Vừa qua, Liên hiệp Khoa học Phát triển bền vững (STDe) đã đưa ra ý tưởng lập một "Tour du lịch Formosa" với 4 điểm tham quan tại 4 tỉnh miền Trung, nơi gánh chịu thảm họa nước thải của Formosa thời gian qua. Bà có nhìn nhận gì về ý tưởng này?
Bà Phạm Chi Lan: Hôm qua, một bạn phóng viên có gửi cho tôi thông tin về ý tưởng này và tôi đã theo dõi.
Cá nhân tôi thấy rằng, việc sáng tạo ra những tour du lịch xanh, du lịch lạ... là việc tốt, rất nên làm để tạo ra sự phong phú cho du lịch Việt Nam .
Nhưng riêng cách tiếp cận với chuyện cá - thép như ý tưởng Tour du lịch Formosa này thì tôi thấy không hợp lý chút nào và có phần rất phản cảm đối với vấn đề Formosa ở Việt Nam hiện nay, cũng như với đời sống người dân ở 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng từ thảm họa môi trường.
Bởi vì, theo cách tiếp cận này, thông điệp lại đưa tên Formosa lên như một hình ảnh gì đẹp, một tour du lịch khuyến khích người ta đi vào vì Formosa.
Trong khi đó, cái tên Formosa vẫn phải nên khắc ghi nó là bài học đau đớn cho Việt Nam chứ không phải là tên tuổi gì hay để đáng biểu dương.
Mặt khác, là các vấn đề do Formosa gây ra về thảm họa môi trường hoàn toàn chưa khắc phục được một cách cơ bản.
Về khía cạnh khắc phục môi trường chưa có gì đảm bảo họ sẽ trả lại môi trường sạch sẽ cho Việt Nam cũng như chưa đảm bảo hoạt động sau này sẽ bảo tồn môi trường.
Ngay sau vấn đề nước thải của Formosa thì vấn đề chất thải rắn đang có quá nhiều điều phải bàn. Thứ nữa là hậu quả gây ra đối với người dân hoàn toàn chưa khắc phục được, lối thoát cho người dân ở 4 tỉnh miền Trung vẫn chưa có.
Lối thoát đó không phải là việc bảo người dân dùng Formosa để quảng bá cho du lịch rồi từ du lịch này mà lên, không có chuyện đó đâu.
Ở đây, đưa ra ngộ nhận hóa ra từ Formosa, cá - thép gắn nhau giúp cho vùng đó hóa rồng? Tôi không biết là hóa rồng hay hóa gì đây khi mà câu chuyện thảm họa như vậy. Dẫn dắt từ câu chuyện cá gỗ rồi sang cá - thép hóa rồng, tôi nghĩ là không được, rất sai lệch, vô lý.
Tôi mong những người đưa ra sáng kiến nên xem lại, sáng kiến của họ có thể là sáng tạo theo kiểu của họ, có thể đưa một số người theo tour du lịch đấy, cái đó có thể đưa lại lợi nhuận cho họ nhưng thông điệp đưa ra là sai lệch hoàn toàn.
Đừng để thông điệp đó trở thành thông điệp chính là qua vụ Formosa này có thể biến cơ hội đó để hóa rồng.
Hình ảnh cá chết ở biển miền Trung do thảm họa môi trường mà Formosa gây ra. Ảnh: Tuổi trẻ
PV: Khi trao đổi với chúng tôi, đại diện STDe có cho rằng, ý tưởng này nhằm cứu người dân, tạo cơ hội việc làm, nguồn thu du lịch sau sự kiện Formosa xảy ra. Bà có nhìn nhận gì về ý kiến này?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi không tin là nó sẽ mang lại kết quả như vậy. Bây giờ, chính Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo 154 loại cá không thể ăn được vì độc hại và cá ở tầng đáy là nguy hiểm, cá phải đánh bắt xa bờ.
Nhưng bây giờ ai biết được là cá đánh bắt xa bờ đến bao nhiêu, con cá nào là từ xa bờ, con cá nào ở tầng đáy đưa lên... người dân ở đó còn không dám ăn cá, cộng thêm còn tồn đọng hàng ngàn tấn cá đông lạnh, đó là bế tắc rất lớn. Du lịch cũng vậy, đang giảm rất mạnh.
Muốn khắc phục vấn đề để làm cho du lịch phát triển lại được thì điều kiện quan trọng nhất phải khắc phục hậu quả môi trường, phải làm sạch môi trường ở đấy.
Còn giờ đưa ý tưởng đó thì người dân Hà Tĩnh cũng như các tỉnh có thể lôi cuốn lại du lịch trở lại? mọi người có thể tin là đi theo tour du lịch này tất cả sẽ lành mạnh, người dân có thể phát triển lại, sống lại được bằng du lịch hay không? Tôi không tin điều này.
Bản thân cô Hạnh (Bà Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch STDe - PV) và những người của cô ấy có dám ăn cá, tắm biển hay không?
Nước ngoài cũng không làm như vậy
PV: Bà Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe cho rằng, ở nước ngoài cũng đã có các tour du lịch như thế này và STDe đưa ra ý tưởng này cũng là học tập lại. Cá nhân bà có bình luận gì về điều này?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi cho học tập nước ngoài là rất cần và người ta cũng thường đưa ra phương châm cho người dân là biết biến nguy thành cơ, biến những thảm họa, thách thức trở thành cơ hội.
Nhưng nước ngoài họ làm được là khi đã khắc phục được rất cơ bản vấn đề môi trường để đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân nơi đó.
Từ đó, người ta đưa ra những tour để khuyến khích những người khác còn nghi ngại là hãy đến đây đi, ở nơi đây đã an toàn, người dân đã sống được bình thường và nó giúp phát triển du lịch, cuộc sống của người dân lên.
Điều kiện tiên quyết ở đây là cuộc sống ở đó phải an toàn cho chính người dân đã còn bây giờ, cuộc sống người dân còn chưa an toàn mà đã đưa người khác vào thì có an toàn cho những người khách đến hay không? có giúp cho người dân tin là cuộc sống của họ bây giờ an toàn không?
Tôi nghĩ không được. Làm như vậy còn đưa ra sự tắc trách cho các cơ quan, là thôi mọi thứ đã an toàn, có thể yên tâm đến đó rồi.
Chưa gì Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã ủng hộ, hưởng ứng, muốn khuyến khích thì như vậy phải chăng muốn dùng cái mới để che đi thảm họa vẫn còn đó. Đừng nghĩ bắt chước nước ngoài cái gì cũng đúng.
Ở đây, phải hiểu tiền đề của họ là như thế nào. Tôi nghĩ, những người có trách nhiệm như Nhật Bản hoặc các nước khác, họ không làm tour như thế này, tức là đưa người ta đến các vùng không an toàn.
Nếu đưa đến là chỉ cho xem thảm họa của nó như thế này đây và phải khắc phục chứ không phải chứng minh nơi này an toàn rồi. Nhìn xem người Nhật ứng xử với trận động đất, sóng thần cách đây mấy năm như thế nào và giờ cuộc sống ra sao, khai thác vùng đó bằng cách gì?
Họ vẫn đang tập trung làm sạch, đầu tư công nghệ làm sao cho nó sạch sẽ lại, cuộc sống người dân an toàn chứ họ không làm theo kiểu quảng bá đây là nơi sống được rồi, có thể phát triển du lịch rồi. Đây có thể là sự nhầm lẫn rất tệ hại.
PV: Bà Nguyễn Thu Hạnh cũng có cho biết, đây là ý tưởng do các nhà khoa học của STDe tự nghiên cứu, tự bỏ tiền ra và đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người, trong đó có cả một số lãnh đạo Sở của địa phương chịu ảnh hưởng từ thảm họa do Formosa gây ra. Bà có nhìn nhận gì về điều này?
Bà Phạm Chi Lan: Ở đây, tự họ nghiên cứu, tự họ muốn làm là việc của họ nhưng tôi mong các cơ quan Nhà nước như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đừng có đồng tình, vào cuộc với doanh nghiệp, tổ chức theo kiểu này.
Các cơ quan hãy vào cuộc tiếp với người dân, theo dõi tiếp, yêu cầu Formosa thực hiện các cam kết về môi trường, giám sát họ về lâu dài.
Việc các cơ quan Nhà nước vào cuộc, cùng tổ chức thực hiện ý tưởng du lịch này có thể sẽ là thông điệp cho Formosa hiểu sai rằng, các cơ quan Nhà nước đã công nhận vùng này là tốt rồi, chúng tôi có công trong việc cá - thép chứ không phải như ông Chu Xuân Phàm từng nói trước đây chọn cá hay chọn thép...
Chính quyền phải thực hiện các công việc chung chứ không thể hưởng ứng cho tổ chức với thông điệp lệch lạc như vậy.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Trí thức trẻ/Sohanews