Báo cáo tài chính DATC hé lộ khoản nợ phải thu 20.500 tỷ tại SBIC
SBIC - đối tượng nợ lớn nhất của DATC đạt 20.500 tỷ đồng...
Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018. Theo đó, năm 2018 công ty đạt doanh thu thuần 1.468 tỷ đồng, giảm 34,6% so với năm trước.
Đáng chú ý, giá vốn kỳ này chiếm tới 1.453 tỷ đồng dẫn tới lợi nhuận gộp mang về chỉ còn hơn 14,3 tỷ, giảm tới 95% so với năm trước. Như vậy biên lợi nhuận gộp kỳ này chưa đến 1% (năm trước là 14,6%).
Kỳ này, chi phí quản lý doanh nghiệp được công ty tiết giảm 27% xuống 82 tỷ đồng trong khi doanh thu tài chính tăng nhẹ lên 205 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính kỳ này được hoàn nhập hơn 38,4 tỷ và hoạt động khác cũng đưa về thêm 22 tỷ đồng lợi nhuận. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế 2018 còn 158,4 tỷ đồng, giảm 50% so với năm trước.
Tính đến 31/3/2018, DATC có tổng tài sản 27.165 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 6.655 tỷ, tài sản dài hạn đạt 20.510 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty vượt 21.406 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ so với đầu năm, chủ yếu là các phải trả dài hạn và ngắn hạn khác.
DATC có khoản đầu tư dài hạn 710 tỷ vào các đơn vị khác tuy nhiên phải trích lập dự phòng 238 tỷ đồng. Nhiều khoản phải thu khách hàng cũng phải trích lập dự phòng, thậm chí có đơn vị phải trích lập toàn bộ giá trị khoản phải thu như Công ty cổ phần Cầu Đuống, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trần Thanh.
Công ty còn có khoản phải thu đối với Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ (SBIC) do phát hành hối phiếu lên tới 844 tỷ đồng.
Đặc biệt, DATC có khoản phải thu dài hạn khác khá lớn lên tới 20.614 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là phải thu đối với SBIC liên quan tới phát hành trái phiếu dài hạn trong nước và quốc tế (15.406 tỷ đồng) và phải thu do phát hành hối phiếu (4.281 tỷ đồng).
Như vậy, tổng các khoản nợ của SBIC vượt 20.500 tỷ đồng.
Theo thuyết minh của báo cáo tài chính, khoản phải thu SBIC do phát hành hối phiếu để mua lại số lượng trái phiếu quốc tế đã phát hành để tái cơ cấu nợ cho SBIC theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khoản phải thu dài hạn SBIC bao gồm gốc và lãi phát sinh đến 31/12/2018 của trái phiếu để tái cơ cấu nợ cho SBIC.
Khoản nợ phải thu theo thỏa thuận và theo chỉ định của công ty cũng lên tới 2.572 tỷ đồng, trong đó công ty phải trích lập dự phòng gần 570 tỷ đồng.
Theo báo cáo tình hình xử lý nợ và tài sản tồn đọng, năm 2018, nợ và tài sản mua theo thoả thuận đạt 2.630 tỷ đồng, tăng 27% trong năm. Nợ và tài sản nhận bàn giao đạt 3.550 tỷ đồng, tăng 19%.
Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) - khách hàng nợ lớn nhất của DATC trong những năm qua tiếp tục lún sâu vào thua lỗ. Năm 2018, công ty mẹ SBIC đặt mục tiêu cả năm đạt 2.320 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế ở mức 2.885 tỷ đồng.
SBIC tiền thân là Vinashin, được thành lập từ năm 1996. Sau thời gian hoạt động thua lỗ nghiêm trọng, ngày 18/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin nhằm "sớm ổn định sản xuất kinh doanh của tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển".
Ngày 26/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc phê duyệt Đề án tiếp tục tái cơ cấu Vinashin. Tới tháng 10/2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin.