MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bẫy nợ vay trực tuyến

24-09-2018 - 09:54 AM | Tài chính - ngân hàng

Gần đây, mô hình cho vay tiền qua ứng dụng có xu hướng nở rộ. Người vay chỉ cần tải phần mềm ứng dụng về điện thoại di động, đăng ký thông tin và gửi yêu cầu vay sẽ được giải quyết trong vài giờ.

Các ứng dụng này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, đã có không ít người tham gia và “sập bẫy” lãi suất cao. Nếu không được kiểm soát bằng một hành lang pháp lý, hình thức này có thể tạo thêm kênh tín dụng đen công khai trên thị trường.

Bùng nổ vay qua ứng dụng

Với sự phát triển của công nghệ, các dịch vụ tài chính ngân hàng (NH) đã dịch chuyển sang hình thức số hóa, thu hẹp khoảng cách giữa tổ chức tín dụng (TCTD) và người dùng, đặc biệt là dịch vụ tài chính tiêu dùng cá nhân. Làn sóng này cũng kéo theo hàng loạt công ty cho vay trực tuyến đua nhau ra mắt ứng dụng cho vay trên điện thoại.

Chỉ cần gõ từ khóa “vay tiền” trong phần tìm kiếm ứng dụng để cài đặt cho điện thoại, hàng chục ứng dụng cho vay trực tuyến ngay lập tức hiện ra. Nổi bật trong số đó là Doctor Dong thuộc Công ty TNHH MTV Tư vấn tài chính LGC. Đơn vị này hoạt động với chức năng tư vấn tài chính cho các khoản vay cầm cố ngắn hạn 1-10 triệu đồng, kỳ hạn vay 10, 20 hoặc 30 ngày. Đối tác chiến lược của Doctor Dong là Công ty TNHH MTV TMDV Vạn An Phát.


Những người có nhu cầu vay tiền cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của đơn vị cho vay trực tuyến để tránh rủi ro. Đồng thời, các công ty này áp dụng lãi suất cao, nếu không trả nợ đúng hạn sẽ chịu sức ép lớn khi bị đòi nợ.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC,

Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico

Một ứng dụng vay tiền nhanh phổ biến nữa là iDong thuộc công ty TNHH Thương mại 360 Việt Nam, cung cấp khoản vay tối đa đến 10 triệu đồng. Theo giới thiệu, công ty hoạt động trong lĩnh vực fintech, chuyên cung cấp dịch vụ kết nối tài chính cho người tiêu dùng có nhu cầu vay vốn nhanh chóng, với thủ tục đơn giản thông qua ứng dụng trên di động.

Những khách hàng có chi phí phát sinh ngoài kế hoạch, chỉ cần có chứng minh nhân dân, iDong sẽ cung cấp giải pháp vay tiền nhanh, giải ngân trong 1-3 giờ. Trong khi đó, CTCP SHA Toàn Cầu giới thiệu chỉ cần tải ứng dụng SHA đăng ký 1 lần được vay trọn đời. Theo đó, khách hàng dùng điện thoại thông minh chụp ảnh chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe, chuyển cho Toàn Cầu, có thể vay tiền với lãi suất 220đồng/1 triệu đồng/1 ngày (tương đương 8%/năm).

Bẫy nợ vay trực tuyến - Ảnh 2.

Bảng tín nhiệm để áp dụng lãi suất vay và phí của công ty cho vay trực tuyến SHA toàn cầu.

Không để lỡ thời cơ, ứng dụng Cashwagon đã giới thiệu lãi suất 0% với kỳ hạn 10 ngày cho khoản vay đầu tiên, tập trung vào những khoản vay không cần chứng minh mục đích, thu nhập, không đòi hỏi quy trình phê duyệt phức tạp. Bên cạnh đó, hàng loạt ứng dụng cho vay như Olava, Đồng, My Đồng, Tiền trực tuyến, Alo Đồng, surveyon, Việt Tiền, Avay, Sdong, Vay tiền có liền, Cashwagon, Tu tien… cũng đang quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, công khai mời gọi cá nhân vay tiền với lãi suất hấp dẫn.

Điều đáng nói, có những ứng dụng cho vay chỉ tồn tại dưới dạng ứng dụng điện thoại di động, không có thêm bất kỳ thông tin về đơn vị quản lý. Chẳng hạn ứng dụng Spark, triển khai cho vay trên điện thoại nhưng không thể tìm được công ty chủ quản, chỉ được một số website quảng cáo là ứng dụng vay tiền nhanh trực tuyến, vay tiền tín chấp nhanh, an toàn và bảo mật.

Khách hàng ở khắp 63 tỉnh thành có thể vay tín chấp qua điện thoại, bên cho vay sẽ chuyển thẳng vào tài khoản NH của người vay sau 4 giờ làm việc, với thời hạn vay 60-120 ngày.

Giăng bẫy lãi suất người vay

Hiện tại Việt Nam có 53% dân số sử dụng internet, tương ứng với hơn 50 triệu người, với hơn 124 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 41 triệu thuê bao hoạt động thường xuyên. Cả nước hiện cũng có khoảng 70% người vay tiền chưa tiếp cận được các kênh đầu tư chính thống như NH. Dựa vào đó, các dịch vụ vay trực tuyến ngày càng bùng nổ, cách tiếp cận giữa bên có nhu cầu vay và cho vay càng trở nên thuận tiện. Tuy nhiên, loại hình vay này đang có xu hướng “bẫy” lãi suất người vay.

Để thực hiện các nghiệp vụ NH như huy động và cho vay, bao gồm cả các hình thức huy động và cho vay trực tuyến, đơn vị đó phải được NHNN cấp phép. Những doanh nghiệp thực hiện huy động và cho vay khi chưa được NHNN cấp phép, đều là hoạt động không hợp pháp.

Ông NGUYỄN HOÀNG MINH,

Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM

Chị Minh Tuyết, ngụ quận 8 TPHCM, cho biết tải ứng dụng MyDong nộp hồ sơ vay, được yêu cầu điền đầy đủ thông tin cá nhân, chụp hình nhận dạng khuôn mặt… Khi nhận số tiền vay 2 triệu đồng với thời hạn 7 ngày, chị được thông báo số tiền phải tất toán 2.280.000 đồng (60%/tháng). Theo đó, cứ mỗi 1 triệu đồng, người vay phải trả lãi 140.000 đồng.

Một khách hàng khác vay trên ứng dụng Olava cũng cho biết, khi đăng ký vay 3 triệu đồng trong vòng 15 ngày, bên cho vay thu hồi lãi ngay bằng cách chỉ chuyển vào tài khoản người vay 2,4 triệu đồng và khi đến hạn tất toán phải trả đủ 3 triệu đồng. Như vậy, mức lãi suất cho vay của ứng dụng này lên đến 40%/tháng.

Theo khảo sát, đa số các ứng dụng cho vay đều có chiêu bài giới thiệu lãi suất thấp để thu hút người vay. Nhưng khi được duyệt vay, khách vay ngoài chịu lãi phải chịu thêm nhiều loại phí. Trên ứng dụng Spark, thời hạn vay 60-120 ngày, lãi suất 60 ngày là 0,1%/ngày và 120 ngày 0,12%/ngày; phí dịch vụ quá hạn 10%; lãi quá hạn 0,2%/ngày.

Thí dụ, khách hàng vay 1 triệu đồng trong 60 ngày, số tiền thực nhận được 900.000 đồng và số tiền phải trả khi hết hạn vay 1.060.000 đồng. Trường hợp khách hàng được công ty gia hạn trong vòng 3 ngày cho khoản vay sẽ phải trả thêm phí dịch vụ 100.000 đồng và lãi suất quá hạn 0,2%/ngày, tương đương 2.000 đồng/ngày.

Hay ứng dụng SHA nêu khẩu hiệu “chung tay tiêu diệt tín dụng đen”, với lãi suất 220-440 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương 8-16%/ năm). Tuy nhiên, người vay phải chịu phí hồ sơ theo mức tín nhiệm. Những người vay tiền lần đầu tiền ở mức tín nhiệm D, ngoài mức lãi suất 16%/năm phải trả phí hồ sơ 8%/tổng số tiền vay.

Từ lần vay thứ 2, khoản vay mới được duyệt vay trong thời hạn 30 phút đến 1 giờ. Khách hàng đạt mức tín nhiệm cao mới được hưởng lãi suất thấp. Với mức tín nhiệm cao nhất A+, người vay mới được vay với lãi suất 8%/năm và phí hồ sơ 4%. Trong khi đó, Cashwagon giới thiệu lãi suất 0%, nhưng khi vay 1 triệu phải chịu phí dịch vụ 400.000 đồng/tháng, số tiền phải nộp để tất toán khoản vay 1,4 triệu đồng, nếu vay 10 triệu trong 1 tháng, số tiền phải trả 14 triệu đồng.

Lỗ hổng quản lý

Theo quy định của NHNN, những đơn vị được NHNN cấp phép mới thực hiện nghiệp vụ huy động và cho vay. Nhưng thực tế, đa số công ty đang triển khai ứng dụng cho vay đều hoạt động dưới giấy phép đăng ký tại Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), với mã ngành tư vấn tài chính, lập trình máy tính…

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, cho biết những công ty được Sở KH-ĐT cấp phép không được thực hiện chức năng cho vay. Trường hợp các công ty này cho vay có nghĩa họ đang kinh doanh sai giấy phép.

Theo quy định hiện nay, các TCTD cho vay theo Luật Các TCTD. Luật này không quy định trần lãi suất cho vay đối với TCTD, mà do thỏa thuận của bên vay và bên cho vay. Còn để điều chỉnh quan hệ vay dân sự, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, các bên thỏa thuận về lãi suất không được vượt quá 20%/năm khoản tiền vay. Trong khi đó, các ứng dụng cho vay trực tuyến ghi lãi suất trên hợp đồng khoảng 18-20%/năm nhưng phí rất cao, quy ra lãi suất thấp nhất có thể lên đến 70-80%/năm.

Trước sự nở rộ của các công ty cho vay trực tuyến, yêu cầu kiểm soát là điều cần thiết. Theo đó, phải kiểm soát và quản lý bên cung cấp nền tảng công nghệ, cũng như bên cho vay phải làm đúng quy định pháp luật mới được phép cho vay. Giải pháp để kiểm soát là thanh tra, kiểm tra xem họ có làm đúng chức năng nhiệm vụ theo đúng giấy phép được cấp phép, lãi suất thật là bao nhiêu.

Điều này đòi hỏi phải có sự kết hợp của các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ KH-ĐT và chính quyền địa phương. Kiểm soát vấn đề này càng sớm càng tốt, để tránh tình trạng các ứng dụng thu thập thông tin của người vay tiền, sau đó kết nối với cò tín dụng, từ đó dùng thông tin của người vay đứng tên vay vốn tại NH. Khi các bên mạo danh vay vốn không trả nợ, trách nhiệm trả nợ thuộc về người đứng tên trên hồ sơ vay.

Lãi suất thật vay trực tuyến rất cao, nếu không trả được nợ đúng hạn phải chịu thêm mức lãi suất phạt, đẩy người vay vào bẫy nợ nần. Bên cho vay có nhiều chiêu bài đe dọa, cách thức đòi nợ khiến người vay khủng hoảng tinh thần. Đây cũng là lời cảnh báo người dân nên thận trọng khi cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân cho các ứng dụng vay trực tuyến.

Theo Đỗ Linh

Sài Gòn Đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên