MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Biên chế cứ phình ra thì không tài nào cơ cấu lại ngân sách”

Nói về ngân sách nhưng thực ra liên quan đến các bộ ngành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng các lĩnh vực phải tập trung, phải cùng thực hiện đồng bộ mới được.

Giảm chi là trách nhiệm chung

Sáng 12/06/2017, phát biểu giải trình trước Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, thực trạng mấy năm qua GDP không đạt kế hoạch nên con số tương đối về bội chi và số tương đối về nợ công tăng nhanh.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần đi vào biện pháp căn cơ hơn, đó là phải tiết kiệm chi. Cần đẩy mạnh việc khoán chi, cùng với đó là sắp xếp lại bộ máy tổ chức và tinh giản biên chế mới giải quyết được vấn đề tiền lương; cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công.

“Nói về ngân sách nhưng thực ra liên quan từng bộ và liên quan đến các ngành, các lĩnh vực phải tập trung, phải cùng thực hiện đồng bộ mới được,” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. “Bây giờ cắt cái gì thì cắt, nhưng biên chế cứ phình ra thì không tài nào cơ cấu lại ngân sách, không tài nào giảm chi thường xuyên được”.

ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cũng nêu lên những băn khoăn về bội chi ngân sách và nợ công khi cho rằng bài học năm 2015 cần phải được nghiêm túc tiếp thu để năm 2017 và những năm tiếp theo Chính phủ điều hành ngân sách tốt nhất.

“Tôi nghĩ, hàng tháng Chính phủ đều có họp Chính phủ, nếu mà tập trung quan tâm đến vấn đề nợ công, quan tâm đến bội chi ngân sách thì trong quá trình điều hành hàng tháng, chúng ta có thể có những báo cáo để điều chỉnh, đảm bảo Nghị quyết của QH được thực hiện nghiêm. Trong điều kiện hiện nay, bội chi ngân sách, nợ công lên tới hơn 63% thì tôi nghĩ rằng việc điều hành ngân sách đảm bảo đúng Nghị quyết của QH là rất quan trọng”, ĐB Nguyễn Văn Thể phát biểu.

"Sờ đâu cũng thấy sai phạm về thuế"

Về thu NSNN, thời gian qua điều kiện kinh tế khó khăn, Chính phủ đã sử dụng chính sách tài khóa linh hoạt. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận thời gian qua các chính sách thuế được lồng ghép vào nhiều luật chuyên ngành cũng như trong các chính sách an sinh xã hội. Đây là thực trạng khi thuế TNDN giảm từ 25% xuống còn 22%, trong khi yêu cầu đến năm 2020 phải giảm xuống còn 20%. Bộ trưởng Dũng cũng cho biết mức thuế TNDN ở Việt Nam hiện thấp hơn mức bình quân 23% của khu vực ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Thuế thu nhập DN ở VN thấp hơn mức bình quân 23% của khu vực.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: "Thuế thu nhập DN ở VN thấp hơn mức bình quân 23% của khu vực".

Cũng theo Bộ trưởng, còn tồn tại nhiều DN trốn, khai man thuế. Gần như sờ vào DN nào cũng có sai phạm về thuế, DN lớn vi phạm lớn, DN bé vi phạm bé. Năm 2015 Bộ Tài chính thanh tra 79.297 DN với số kiến nghị xử lý thu về NSNN là hơn 12.351 tỷ đồng, giảm khấu trừ 1.239 tỷ đồng, hơn 23.000 tỷ đồng phải thu về NSNN do chuyển giá.

Bộ Tài chính đang phấn đấu 1 năm kiểm tra về thuế khoảng 20% số lượng DN, cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu về thuế để theo dõi, nắm bắt tình hình DN.

“Chúng ta ưu đãi chính sách về thuế như thế nhưng sờ đâu cũng thấy sai, cho nên cần tăng cường thanh kiểm tra về thuế đối với DN, trong đó có cả thanh tra về chuyển giá. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định chống chuyển giá, phải mất 7 năm mới ra được Nghị định này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Năm 2016, Bộ Tài chính kiểm tra, thanh tra 91.479 DN, tổng số kiến nghị thu về NSNN là 17.800 tỷ đồng, phạt và truy hoàn 1.400 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập từ thuế hơn 3.100 tỷ đồng.

Về nợ thuế, số thu nợ thuế hàng năm rất cao, năm 2016 thu về nợ đọng thuế 42 nghìn tỷ đồng, năm 2015 là 37 nghìn tỷ đồng, năm 2014 là 31 nghìn tỷ đồng. Các giải pháp quản lý thuế rất quyết liệt, Bộ Tài chính trong 2-3 năm gần đây đã công khai tên DN nợ đọng thuế. Trong giới hạn 90 ngày, nợ có khả năng thu hồi hiện đang giảm sâu, còn khoảng trên dưới 3%; số còn lại là nợ không có khả năng thu hồi khoảng 25-26 nghìn tỷ đồng.

Theo Ngân Giang

Infonet

Trở lên trên