MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công thương: Việt Nam không thể so với Indonesia, Philippines về nhân lực, kém Singapore, Thái Lan về dịch vụ

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) đã đưa ra nhiều nhận định khi nhìn vào bức tranh tổng thể của ASEAN trong hơn 50 năm qua.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, sau khi Cộng đồng ASEAN (AEC) được hình thành vào cuối năm 2015, ASEAN cơ bản trở thành một thị trường chung, bao gồm khoảng 600 triệu dân, với tổng GDP gần 2.800 tỷ USD, tạo nên một không gian sản xuất tương đối đồng bộ, giúp phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN.

Tham gia vào tiến trình xây dựng cộng đồng này, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực, qua đó mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào nhập khẩu…

Sau 24 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, khu vực này đã trở thành một trong những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực ASEAN đã tăng hơn 9,5 lần, từ 5,9 tỷ USD lên gần 56,3 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 24,5 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 31,8 tỷ USD trong năm 2018.

Bên cạnh lợi ích về tăng trưởng kinh tế, việc hội nhập vào ASEAN còn đem lại những tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tăng cường thu hút FDI, mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN…

Không chỉ tham gia sâu rộng và toàn diện vào hợp tác nội khối, ASEAN còn là hạt nhân để giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác quan trọng khác như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… thông qua ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác này.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, phía Bộ Công thương cho biết, Việt Nam cũng gặp nhiều vấn đề thách thức.

Thứ nhất, về mặt khách quan, một số khó khăn có thể kể đến như: làn sóng bảo hộ trên thế giới chưa có dấu hiệu suy giảm, làm ảnh hưởng tới hợp tác đa phương và khu vực.

Ngoài ra, tuy ASEAN là một thị trường lớn, về cơ bản đã xóa bỏ hàng rào thuế quan, nhưng nhìn chung, Việt Nam chưa có nhiều các sản phẩm mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh so với các nước ASEAN khác.

"Về thị trường nhân lực, ta không thể so với Indonesia, Philippines, về dịch vụ, ta kém Singapore, Thái Lan…", Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.

Thứ hai, về mặt chủ quan, môi trường cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn, trong khi đó, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam cần được cải thiện đáng kể.

Do đó, phía Bộ Công thương cho rằng để đạt được những thành tựu này một cách bền vững, công cuộc hội nhập kinh tế ASEAN trong thời gian tới cần có những định hướng, chính sách phù hợp.

Mặt khác, Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp , thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng v.v... trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên