MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ công việc làm thuê để khởi nghiệp, cặp vợ chồng xây dựng đế chế triệu đô khi theo đuổi đam mê nhưng họ đã mất tới 18 năm để thành công

23-02-2017 - 10:47 AM | Sống

Một cặp vợ chồng người Úc đã biến ý tưởng kinh doanh nhỏ bé của mình được khởi đầu từ việc dùng gara làm văn phòng thành một đế chế trị giá 35 triệu đô.

Bà Zina Richter và chồng mình - ông Pynith Char - đã khởi nghiệp tại chính ngôi nhà xoàng xĩnh của mình tại Bella Vista, Đông Bắc Sydney. Ý tưởng kinh doanh của họ là phát chế ra một loại kem bôi tay không chỉ dùng để làm đẹp mà dành cho những người có vấn đề về sức khoẻ, bác sĩ và những người làm công việc chân tay...

Trước đó, ông Char là kế toán còn bà Richer làm việc ở ban dinh dưỡng của một bệnh viện, song họ đã quyết định từ bỏ công việc của mình để chấp nhận một rủi ro lớn khi đứng ra mở công ty.

Bà Richer lần đầu có ý nghĩ làm các sản phẩm chăm sóc da sau khi chứng kiến một số bệnh nhân tiểu đường xuất hiện các vấn đề về da mà không tìm được sản phẩm địa phương nào thích hợp dành cho họ.

Vợ chồng bà Richter có một người bạn lâu năm làm nghề điều chế và là người có thể giúp họ sản xuất ra loại kem này ngay ở nhà xưởng của họ. Ông bà đưa cho người bạn của mình danh sách các nguyên liệu để pha chế ra sản phẩm. Bà Richer chia sẻ: "Đó là một sự khởi đầu đầy gian nan".

Sau khi các sản phẩm chăm sóc da DU'IT ra đời vào năm 2001, cặp vợ chồng này bắt đầu chặng đường kéo dài 5 năm để tìm kiếm khách hàng.

Bố mẹ cùng con cái của ông bà đã giúp họ gọi điện đến các cửa hàng bán lẻ và bệnh viện cho đến khi họ nắm bắt được thời cơ phất lên. Sản phẩm họ được công nhận và những hiệu thuốc như Priceline và Chemist Warehouse bắt đầu nhập hàng để bán thử. Và nhờ sản phẩm bán chạy, nên các tiệm thuốc này duy trì bán sản phẩm của họ.

Ngoài ra, các siêu thị lớn như Woolworths cũng bắt đầu nhập nhãn hàng này song khi đó cặp đôi này chưa bao giờ kỳ vọng công việc kinh doanh của mình phát đạt hơn nữa. Chia sẻ với trang tin news.com.au, bà Richer cho biết doanh nghiệp của họ đã lớn mạnh đủ để thành lập một công ty lớn hơn có tên gọi Orbis Australasia nhằm xúc tiến thương hiệu của mình ra thị trường thế giới. Công ty của ông bà hiện có trị giá khoảng 35 triệu đô.

Orbis Australasia chú trọng đến chiến lược của mình và tìm cách để khai thác nhu cầu về các sản phẩm chăm sóc da gia tăng ở Trung Quốc.

Bà Richer nói: "Chúng tôi bắt đầu triển khai tại thị trường Trung Quốc một vài năm về trước thông qua Daigou, một hệ thống các đại lý mua bán đóng tại Australia thường nhập hàng để phục vụ người tiêu dùng ở Trung Quốc. Một vài năm trước, ở Trung Quốc có một đợt giá rét và nhiều người bắt đầu sử dụng kem bôi tay Tough Hands của chúng tôi và thấy hiệu quả. Sau đó sản phẩm được truyền bá qua WeChat, một mạng xã hội tại Trung Quốc tương tự Facebook. Đó chính là cách chúng tôi trở nên nổi tiếng".

Cùng với đối tác của mình, bà Richer đã mở một cửa hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Tmall của Alibaba. Kể từ đó, vợ chồng bà Richter chuyển công việc kinh doanh ra khỏi gara và xây dựng một cửa hàng, văn phòng nằm gần đường cái.

Bà Richter tâm sự: "Kể từ thời điểm xâm nhập vào thị trường Trung Quốc, thị phần của chúng tôi đã tăng từ 300 đến 500%".

Điều đáng chú ý, công việc kinh doanh của họ không chỉ giới hạn ở sàn Alibaba. Sau khi được biết đến trên thị trường online, các cửa hàng có thực bắt đầu nhập sản phẩm của Orbis Australasia và hiện nay kinh doanh trực tuyến chỉ chiếm 12 đến 15% hoạt động kinh doanh của hãng này ở Trung Quốc.

Bà Richer chia sẻ: "Chúng tôi luôn muốn gia nhập thị trường Trung Quốc vì chúng tôi thấy rõ tiềm năng của nó. Chúng tôi muốn khẳng định chúng tôi là một tên tuổi về sản phẩm gia đình đáng tin cậy tại đây".

Bình luận về cơ hội từ thị trường Trung Quốc, bà Richter cho hay: "Về cơ bản, người Trung Quốc thích mọi thứ nhập khẩu từ Australia và New Zealand vì yếu tố chất lượng. Ở Australia, chúng tôi có những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt và vì tất cả những vấn đề nhiễm khuẩn ở Trung Quốc từ sữa công thức dành cho trẻ em khuẩn đến vỏ trứng, người dân Trung Quốc không tin tưởng bất cứ thứ gì có xuất xứ từ Trung Quốc và tìm mua sản phẩm nhập từ Australia và New Zealand".

Bà Richter cho biết thêm rằng cuộc đời của vợ chồng bà đã hoàn toàn đổi thay kể từ khi họ từ bỏ nghiệp làm thuê để theo đuổi niềm đam mê của mình gần 20 năm về trước. "Mọi người nói rằng đó là một thành công nhanh chóng, song thực tế chúng tôi đã mất 18 năm. Có nhiều lúc chúng tôi nghĩ sẽ bỏ cuộc nhưng chúng tôi có đam mê và khi bạn đam mê về một sản phẩm, bạn sẽ muốn nhìn thấy nó thành công".

Xuân Hương

NzHerald

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên