MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ KH&ĐT nói gì về tiến độ giải ngân dự án đầu tư công chỉ đạt 36%: Covid-19, tăng giá nguyên liệu, thiếu nhân lực...?

Nguồn ảnh: MPI

Nguồn ảnh: MPI

Năm 2021, đầu tư công vẫn thể hiện vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các lĩnh vực về sản xuất kinh doanh và dịch vụ bị ảnh rất nhiều bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, năm 2021 có những yếu tố mới cả về thuận lợi lẫn khó khăn tác động lên tiến độ giải ngân.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương, đầu tư công vẫn đang thể hiện vai trò hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các lĩnh vực về sản xuất kinh doanh và dịch vụ bị ảnh rất nhiều bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, năm 2021 có những yếu tố mới cả về thuận lợi lẫn khó khăn nên khi so sách với một năm rất cao như năm 2020 thì nhận thấy tốc độ giải ngân những tháng đầu năm 2021 còn thấp. Cụ thể, 7 tháng đầu năm nay mới giải ngân đạt hơn 36%, thấp hơn con số 40% của cùng kỳ năm ngoái.

Thứ trưởng khẳng định, với các giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ cũng như với sự quan tâm, ý thức về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KHĐT hy vọng các bộ, ngành ý thức được việc này, quyết liệt hơn nữa đối với các dự án đầu tư và giải ngân, đặc biệt với mốc thời gian ngày 30/9/2021 để đánh giá toàn diện, toàn bộ tốc độ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu đặt ra là phải đạt tối thiểu đạt 60% kế hoạch đề ra.

Đầu tiên, về vấn đề tiến độ giải ngân, Thứ trưởng cho biết, năm 2021 có yếu tố mới tác động lên tiến độ giải ngân. Trong các hoạt động của nền kinh tế thì đầu tư công cũng là hoạt động của kinh tế, cho nên so với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thì đầu tư công cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19.

Theo đó, đầu tư công cũng phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển các nguyên vật liệu, thiết bị để triển khai thi công. Do vậy tiến độ trong bối cảnh giãn cách cũng bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt ở những địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện rõ nhất.

Thứ hai là đối tượng làm việc trong các dự án đầu tư công, điển hình là các công nhân, chuyên gia, tư vấn. Những đối tượng này cũng phải thực hiện các chính sách giãn cách của địa phương tương ứng với tình hình dịch bệnh, tỷ lệ các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều hơn so với năm 2020, phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn. Do vậy, việc triển khai thi công các công trình, nhất là ở các địa bàn có dịch gặp rất khó khăn. Công nhân phải về nhà, một số công trình triển khai được 3 tại chỗ nhưng nguyên liệu đầu vào để thi công gặp khó khăn.

Bộ KH&ĐT nói gì về tiến độ giải ngân dự án đầu tư công chỉ đạt 36%: Covid-19, tăng giá nguyên liệu, thiếu nhân lực...? - Ảnh 1.

Theo Thứ trường, sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của các dự án đầu tư công.

Một yếu tố khác biệt nữa của năm nay so với năm 2020 là sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào cho thi công. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, đặc biệt là tâm lý của nhà thầu khi các hợp đồng đã ký và việc tăng giá khiến họ khó tìm nguồn cung về nguyên liệu hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi thực hiện dự án.

Ngoài ra, sự phân tán về lực lượng cũng như thời gian vật chất của công tác chỉ đạo điều hành cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất chia sẻ với lãnh đạo các địa phương, nhất là các địa phương có dịch, gần như việc ưu tiên cả về thời gian và nguồn lực con người, nguồn lực vật chất dành cho công tác chống dịch. Cho nên phần nào đó ảnh hưởng đến đầu tư công. Bộ mong muốn trong bối cảnh khó khăn nhưng các địa phương cũng không quá sao nhãng, vẫn cần có phương án phù hợp đểcó sự quan tâm nhất định đối với công tác thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Về thời điểm cũng có sự khác biệt là quý III/2021 là quý bị ảnh hưởng nhất, trong khi quý III/2020 lại là quý phục hồi sau quý II/2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do vậy khi so sánh như vậy thì các số liệu cũng như các kết quả cũng có sự chênh lệch khá lớn về thời điểm.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin thêm, năm 2021 là năm đầu tiên của một chu trình kế hoạch, đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới. Do vậy những tháng đầu năm 2021 chủ yếu là thực hiện các bước chuyển tiếp của giai đoạn trước. Hầu hết các dự án mới của giai đoạn 2021-2025 thì những tháng đầu năm chưa thực hiện được mà phải chờ Quốc hội phê duyệt kế hoạch trung hạn 2021-2025. Bộ KHĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch kế hoạch trung hạn theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều dự án dự kiến sắp tới khởi công, đấu thầu tạo điều kiện để giải phóng lượng vốn hơn 70 nghìn tỷ đồng.

Về những đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong bối cảnh thời gian quá ít, khối lượng quá nhiều như thế, Thứ trưởng cho biết, đây là một vấn đề thách thức, rất khó. Bộ là cơ quan tham mưu mang tính vĩ mô, do vậy, Bộ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ những vấn đề về vĩ mô như việc khó khăn về giải phóng mặt bằng thì đã thành lập Tổ nghiên cứu để tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Điều này năm nay là rất khó và phải nghiên cứu điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật.


Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên