MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính nói gì về việc tính chi phí lãi vay, giá nước “gánh” hơn 2.000 đồng/m3?

Với chi phí lãi vay ước tính khoảng hơn 2.000 đồng/m3 nước, Bộ Tài chính yêu cầu cần loại trừ các khoản vốn hoá, tránh tính trùng chi phí.

Bộ Tài chính đã có công văn trả lời UBND thành phố Hà Nội về giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Theo đó, về việc định giá nước, Bộ Tài chính cho biết, do dự án chưa quyết toán, không có đủ cơ sở để xác định mức chi phí cụ thể. Vì vậy, nguyên tắc xác định mức giá là tạm tính. Nhưng riêng đối với chi phí lãi vay, bộ yêu cầu cần loại trừ các khoản vốn hóa tránh tính trùng chi phí.

Về viện dẫn cụ thể điều khoản chi tiết tại Luật ngân sách Nhà nước để thực hiện và chi phí lãi vay, Bộ Tài chính cho biết, thẩm quyền quyết định chi ngân sách cho cấp bù giá nước sạch đề nghị thành phố Hà Nội căn cứ vào Luật Ngân sách Nhà nước báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo quy định phù hợp khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

"Về chi phí lãi vay, trong quá trình đầu tư, xây dựng, trường hợp chi phí vay phát sinh trong giai đoạn này đã được vốn hoá vào tài sản thì đã tính trong nguyên giá để khấu khao. Vì vậy, khi xác định giá nước sạch, đối với chi phí lãi vay cần loại ra phần chi phí lãi vay đã vốn hoá tránh tính trùng chi phí”, Bộ Tài chính cho biết.

Về việc cấp bù cho các đơn vị bán lẻ, Bộ đề nghị tính toán đúng quy định trên cơ sở phương án giá tiêu thụ nước sạch của đơn vị bán lẻ, không xem xét cấp bù riêng với khoản chi phí mua nước từ CTCP nước mặt Sông Đuống. UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm về số liệu, phương án giá theo đúng quy định.

Theo Bộ Tài chính, trường hợp địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều đơn vị cấp nước, Bộ đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án giá nước sạch cho từng đơn vị. Đồng thời, thẩm quyền phê duyệt phương án giá nước sạch và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt thuộc UBND cấp tỉnh.

Vì vậy, Bộ đề nghị UBND thành phố Hà Nội căn cứ điều kiện thực tế trên địa bàn thành phố và thực tiễn thực hiện trong thời gian qua để quyết định giá nước sạch sinh hoạt áp dụng chung cho các đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch hoặc giá cho từng đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch.

Trên cơ sở đó, căn cứ phương án giá tiêu thụ nước sạch được phê duyệt, biểu giá nước sạch sinh hoạt cụ thể do UBND thành phố ban hành, đơn vị cấp nước quyết định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác ngoài mục đích ngoài sinh hoạt và bình quân gia quyền các mức giá nước sạch cho các mục đích bằng giá tiêu thụ nước sạch bình quân được phê duyệt tại phương án giá.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo việc sớm rà soát, điều chỉnh giá nước sạch cho phù hợp, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án đảm bảo hiệu quả đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu nước sạch và cân đối tài chính của các đơn vị cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trước đó, ngày 6/7/2017, thời điểm việc đầu tư của nhà máy thực tế triển khai ra sao chưa có kiểm toán nhưng UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch Sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này. Giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch Sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm VAT).

Lý giải mức giá tạm tính 10.246 đồng/m3, đắt gấp đôi giá nước bán buôn của một doanh nghiệp khác và cao hơn giá bán lẻ đến người tiêu dùng, mới đây, đại diện Sở Tài chính Hà Nội có đề cập đến nguyên nhân chi phí lãi vay ảnh hưởng khi nhà đầu tư nước mặt sông Đuống hiện vay 80%, tương đương gần 4.000 tỷ đồng. Chi phí lãi vay có hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là chi phí lãi vay trong giai đoạn thực hiện dự án, được tính vào trong giá thành đầu tư dự án và được vốn hóa vào tổng chi phí dự án. Còn sau khi nhà máy đi vào hoạt động, phần vốn vay công ty phải trả hàng năm, lãi vay ấy được tính vào trong giá thành.

Theo báo cáo của công ty, riêng phần chi phí lãi vay ở đây rơi vào khoảng 20%, tức rơi vào khoảng hơn 2.003 đồng trong số tạm tính 10.246 đồng.

Theo Bảo Vy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên