MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư: Sẽ có chiến lược quốc gia về 4.0

Việc tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao năng suất lao động. Vì thế, Chính phủ đang xây dựng chiến lược quốc gia về 4.0, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo sự đột phá cho các lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Sẽ có Chiến lược Quốc gia về 4.0

Chiều 25/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đầu năm 2018, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có phần trình bày, giải đáp nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, năng suất lao động đang có xu hướng tăng dần trong những năm vừa qua, trung bình 4,7%/năm trong giai đoạn 2011-2017. Năm 2017, năng suất lao động tăng khoảng 6%.

"Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng chúng ta chưa thể hài lòng bởi đến nay năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở thứ hạng rất thấp so với khu vực" – ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng 2,6%, đóng góp 40,1% vào GDP năm 2017. Tuy nhiên sự chuyển dịch này chưa rõ nét. Trong khi đó, các yếu tố vốn, lao động không còn là lợi thế và thậm chí còn trở thành bất lợi cho cách mạng 4.0. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2017 mới đạt 2.385 USD.

"Trong các nhân tố, năng suất lao động là yếu tố cốt lõi nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng và thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Việc tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh, mạnh như vũ bão được coi là giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao năng suất lao động…Đây đang được coi là cơ hội quý hiếm để tận dụng. Nếu chúng ta không tận dụng được cơ hội này thì chúng ta sẽ lại phải mất rất nhiều năm để có lại được cơ hội như thế" – ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đang xây dựng chiến lược quốc gia về 4.0. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhân tố quyết định, tạo ra sự đột phá cho các lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Khu vực FDI là một phần không thể thiếu của nền kinh tế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, FDI đã giúp thay đổi diện mạo của nền kinh tế Việt Nam. Sự đóng góp của FDI được thể hiện trên 3 phương diện: Thứ nhất, chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Thứ hai, chiếm tỷ trong cao trong sản xuất công nghiệp, Thứ ba, chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu.

"FDI tạo ra sự chuyển dịch ngành nghề trong xã hội, tạo việc làm cho 4,2 triệu lao động. Cần có cái nhìn tích cực và khách quan đối với khu vực FDI. Khu vực FDI đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng" - ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Vì vậy, vấn đề cần đặt ra là hỗ trợ để khu vực kinh tế trong nước phải phát triển nhanh hơn, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, và tạo được liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.

Kiên quyết thu hồi số vốn không triển khai thực hiện

Trong 4 tháng đầu năm, Chính phủ đã giải ngân khoảng 16,3% vốn đầu tư của cả năm 2018.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan (pháp lý, quy trình thủ tục, yếu tố thời vụ,…) thì nhiều đơn vị trung ương và địa phương chưa thực sự quyết tâm triển khai. Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

"Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo thực hiện kiểm tra tại các địa phương có vốn đầu tư công lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, tìm ra nguyên nhân cốt lõi dẫn đến vướng mắc. Chính phủ đang thực hiện Dự án luật bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6. Bên cạnh đó, chỉ đạo làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị làm chậm. Tinh thần là kiên quyết thu hồi số vốn không triển khai thực hiện, công khai kết quả giải ngân để theo dõi giám sát" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

An Bình - T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên