MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển thành phố thông minh, hãy bắt đầu từ nỗi đau lớn nhất

"Hãy bắt đầu từ nỗi đau lớn nhất của chính mình, xem vấn đề này đã được giải quyết ở thành phố nào khác hay chưa ở Việt Nam, đã được giải quyết hiệu quả chưa ở một thành phố nào đó trên thế giới. Nếu đã có rồi thì tìm cách học hỏi, nếu chưa thì tìm cách tự làm" - Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm về đô thị thông minh ASEAN 2020 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì chiều 22/10.

 "Mỗi tuần lại có thêm 1 triệu người ra thành phố sinh sống. Các đô thị tiêu thụ tới 75% năng lượng và thải ra tới 80% lượng CO2. Các thành phố đang đứng trước nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng các vấn đề này cũng khác nhau ở các thành phố khác nhau" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. 

Quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.

Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Thông tin Truyền thông có đưa ra khung tham chiếu ICT cho thành phố thông minh, mục tiêu để thống nhất những vấn đề nền tảng, các nguyên tắc triển khai. Thế nhưng chọn ứng dụng gì để ưu tiên trước, thì tùy thành phố.

"Bây giờ nên chọn cái gì? Nên chọn vấn đề nổi cộm nhất của địa phương mình để giản lược đi. Có thể là ô nhiễm môi trường, có thể là an ninh trật tự, có thể là y tế..." - Bộ trưởng nói. "Chúng ta hãy có niềm tin là công nghệ nói chung và công nghệ số nói riêng có thể giải quyết được hầu hết các vấn đề chúng ta đang đối mặt". 

Ví dụ, Huế là một thành phố du lịch, họ muốn đường phố xanh, sạch đẹp, nên họ chọn vấn đề này để giải quyết trước. Họ có một sáng tạo rất độc đáo. Họ có một ứng dụng gọi là "phản ánh thị trường", để người dân chụp ảnh những vấn đề còn tồn tại trên đường phố báo chính quyền, chính quyền sẽ xử lý nhanh. Biến mỗi một người dân thành một cảm biến môi trường thông minh. Và sau chỉ hơn 3 tháng, đường phố Huế sạch như chưa bao giờ được như thế.

Hay như Bắc Ninh, nhiều khu công nghiệp, có rất nhiều công nhân đến từ nhiều thành phố khác nhau, và họ có nhiều vấn đề về an ninh trật tự. Thế nên thành phố đã triển khai một hệ thống camera an ninh. Sau khi triển khai, tình hình an ninh trật tự tốt hơn hẳn. Mới đây thành phố có một cậu bé bị bắt cóc, nhờ có hệ thống an ninh này mà trong vòng 24 tiếng, cậu bé đã an toàn trở về với gia đình.

Rất có thể, TP.HCM lại là vấn đề khác, về giao thông, tắc nghẽn và ngập lụt. Thành phố đã có dự án dùng công nghệ số để giải quyết những vấn đề này.

"Hãy bắt đầu từ nỗi đau lớn nhất của chính mình, xem vấn đề này đã được giải quyết ở thành phố nào khác hay chưa ở Việt Nam, đã được giải quyết hiệu quả chưa ở một thành phố nào đó trên thế giới. Nếu đã có rồi thì tìm cách học hỏi, nếu chưa thì tìm cách tự làm" - Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

H.S

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên