MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Tô Lâm: Người đi vay tín dụng đen cũng có nhiều dấu hiệu liên quan đến tội phạm nên mới có khả năng trả lãi lên đến 300%

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: có những đối tượng hình sự có dấu hiệu "cải tà quy chính", "rửa tay gác kiếm" để làm ăn, nhưng về bản chất vẫn là lợi dụng hoạt động làm ăn kinh tế để hoạt động tội phạm.

Tại phiên chất vấn sáng ngày 4/6/2019 trong khuôn khổ Kỳ họp Quốc hội thứ 7 khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân - đoàn Cần Thơ có câu hỏi dành cho Bộ trưởng Tô Lâm: 

"Trong báo cáo số 428 ngày 31/5/2019 của Bộ Công an, tôi thấy nội dung báo cáo đề cập chỉ nặng về vấn đề tín dụng đen mà chưa đánh giá rõ nét về băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen. Hoạt động của băng nhóm xã hội đen không chỉ liên quan đến tín dụng đen mà còn liên quan tới các băng nhóm khác như ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, bảo kê, mại dâm,... đặc biệt là bảo kê một số hoạt động kinh doanh không hợp pháp, có dấu hiệu can thiệp vào hoạt động của các cơ quan công quyền. 

Xin Bộ trưởng đánh giá rõ về sự hiện diện và cấp độ hoạt động của các nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen như thế nào? Ngành công an có giải pháp gì để ngăn chặn hoạt động và triệt phá các nhóm này trong thời gian sắp tới?".

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, về tội phạm xã hội đen, các băng nhóm tội phạm đang có xu hướng có thực hiện hoạt động kinh tế. Có những đối tượng hình sự có dấu hiệu "cải tà quy chính", "rửa tay gác kiếm" để làm ăn, nhưng về bản chất vẫn là lợi dụng hoạt động làm ăn kinh tế để hoạt động tội phạm. Bộ Công an đã phát hiện ra và có hoạt động đấu tranh với loại tội phạm này. 

Bộ trưởng phân tích: "Loại hình tội phạm này diễn biến vô cùng phức tạp, tín dụng đen cũng có, mà khai thác cát, đá, sỏi cũng có. Có những tội phạm hình sự đứng đằng sau hoạt động kinh tế này, thậm chí là các ông chủ của các công ty, tổ chức kinh tế cũng là tội phạm hình sự. Có một số đối tượng đã cải tạo đi làm ăn kinh tế thật, nhưng cũng có đối tượng lợi dụng việc đó. Bằng mọi cách chúng sử dụng đàn em, chân tay xã hội đen để làm công cụ như khai thác cát, đá, sỏi hay tín dụng đen đều là dấu hiệu. 

Thủ đoạn ban đầu là lôi kéo, mua chuộc rồi đến khống chế rồi đến đe dọa bằng vũ lực, vu khống, xuyên tạc, nói xấu cơ quan chức năng và lực lượng trấn áp tội phạm. Chúng tôi cũng xác định đây là tội phạm hết sức nguy hiểm".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt câu hỏi: Bộ Công an có giải pháp gì về vấn nạn đánh bạc, cá cược qua mạng online, dẫn đến vay tín dụng đen đến tán gia bại sản?

Bộ trưởng trả lời: "Chúng tôi cũng xem xét loại tội phạm tín dụng đen theo cách tiếp cận, xuất phát từ những mối quan hệ dân sự thông thường, giữa người cho vay và người đi vay, và bọn tội phạm đã lợi dụng được mối quan hệ này để tiến hành hoạt động. Những người đi vay chúng tôi cũng thấy có nhiều dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm.

Nếu như sản xuất kinh doanh thông thường thì rất khó để có điều kiện trả được lãi cao lên tới 300% như vậy. Những người đi vay đó cũng có mục tiêu sử dụng tín dụng vào những việc vi phạm pháp luật, không lành mạnh như buôn lậu, gian thương nên cần tiền nhanh để giải quyết ngay trong một phi vụ, nên bất chấp lãi suất để huy động, hoặc là lừa đảo. Còn người cho vay tín dụng đen cũng có khả năng là những tổ chức tội phạm. 

Bộ Công an cũng đang khảo sát, đánh giá về vấn đề này, người lập ra quỹ cho vay đen, bản thân những ông chủ đó nếu không là đối tượng hình sự thì cũng nuôi, chăn dắt đối tượng hình sự để phục vụ cho hoạt động tín dụng đen của mình. Nếu không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ trong một thời gian với lãi suất cao như thế, chúng sẽ dùng các đối tượng hình sự đến đe dọa, đòi nợ thuê, đi "cướp ngày" để cướp lại tài sản của các con nợ tín dụng đen. Vì thế, tín dụng đen từ mối quan hệ dân sự đã diễn biến sang phạm vi của các đối tượng vi phạm hình sự". 

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên