MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Brexit sẽ khiến xuất khẩu Việt Nam gặp khó?

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, sau sự kiện Brexit, rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong điều hành tỉ giá, để hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.

Brexit làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU

Brexit là từ viết tắt từ hai từ để chỉ việc Anh quốc (Britain) rời khỏi EU (Exit). Chính vì thế, ở nước Anh, những người bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU sẽ thuộc phe Brexit và số còn lại sẽ là phe đồng tình - Remain. Để quyết định “vận mệnh” của chính mình, nước Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23.6 vừa qua. Và hơn 51% người dân Anh lựa chọn bỏ phiếu rời EU được xem là bước mở đầu cho việc Anh chia tay với EU sau hơn 40 năm gắn bó. Rõ ràng, nền kinh tế Anh hay EU đều sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi sự kiện này, đồng bảng Anh sẽ bị mất giá và việc tác động đến kinh tế Việt Nam sẽ diễn ra.

Trước mắt, Việt Nam phải chống đỡ với tình trạng rối loạn tỉ giá trong ngắn hạn. Không quá liên quan tới đồng bảng Anh, nhưng khi đồng tiền này sụt giảm sẽ tạo điều kiện cho những đồng tiền khác lên giá. Quan sát chỉ hai ngày qua, đồng yên đã tăng giá lịch sử. Cụ thể, đồng yên Nhật đã tăng 6,1%, một mức tăng lớn nhất kể từ năm 1998. So với đồng bảng Anh, đồng yên tăng kỷ lục 15%.

Rõ ràng, mức tăng đột biến này đang được trợ lực từ quyết định rời khỏi EU của Anh. Bởi thời điểm hiện tại, kênh đầu tư an toàn nhất vẫn là vàng và đồng yên. Dẫu vậy, đồng yên khởi sắc lại đặt Việt Nam vào một thế khó, vì đây là đồng tiền chiếm tỉ lệ cao nhất trong các khoản nợ của Việt Nam (chiếm 40%).

Áp lực nợ công đang đè nặng hơn và thực trạng thâm hụt ngân sách vốn là rất lớn, nếu đồng yên lên giá thì gánh nặng này tăng lên bất đắc dĩ. Chưa kể các ngành nghề đầu tư sử dụng vốn vay từ đồng yên cũng ảnh hưởng nặng về chi phí giá vốn.

Mặc dù không phải là đối tác quá lớn xét về tổng quan ngành kinh tế, tuy nhiên chuyện Anh rời EU sẽ tác động không nhỏ đến các ngành xuất khẩu chủ lực. Quan trọng hơn là đà tăng trưởng xuất khẩu đang có xu hướng tốt sẽ bị chặn đứng.

Theo Financial Times, việc Anh rời châu Âu sẽ khiến những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Anh tính trên GDP cao như Campuchia, Việt Nam hay Hồng Kông (Trung Quốc) bị ảnh hưởng nặng nhất.

Trong một phân tích về tác động của Brexit tới nền kinh tế Việt Nam, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra rằng, sự kiện “Brexit” sẽ kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hóa và qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU. Điều này gây áp lực lên các nhà xuất khẩu lớn vào EU như Trung Quốc hay Việt Nam…

Tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tính tới hết tháng 5.2016 chiếm khoảng 2,9% trong tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Đây là một tỉ lệ đáng chú ý dù Anh không phải là thị trường xuất khẩu rộng lớn như Mỹ, EU. Với giá trị xuất khẩu sang Anh tương đương 4,6 tỉ USD trong năm 2015, nếu tỉ trọng nhập khẩu của Anh giảm 10%, thì xét về giá trị tuyệt đối, ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam khoảng 460 triệu USD...

Trong vòng 5 năm qua, Anh đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam trong EU, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch bình quân là 22,5%/năm. Với 4,65 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu sang Anh chiếm 2,4% GDP Việt Nam, trong khi tỉ lệ này tính bình quân các nền kinh tế Đông Á chỉ là 0,7%. Đó là lý do nhiều báo chí kinh tế quốc tế đã cho rằng, Việt Nam sẽ bị tác động lớn nhất trong khu vực Đông Á từ Brexit.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, xuất khẩu sang Anh chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực ít nhất trong ngắn hạn khi đồng bảng Anh giảm giá. Tác động sẽ lớn hơn nếu Brexit làm cho nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái và bất ổn trong vòng 2 năm nữa, trước khi Anh đạt thỏa thuận chính thức rời khỏi EU. Ở cấp độ vĩ mô, tác động tới tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ là nhỏ. Vậy, ở mức vi mô, chỉ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, nội thất và nông sản phụ thuộc nhiều vào thị trường Anh mới chịu tác động lớn.

Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỉ giá?

Trong khi xuất khẩu đang gặp không ít lo ngại, một trong những vấn đề được VCBS chỉ rõ về tác động của việc Anh rời EU đó là rủi ro tỉ giá. Trong năm 2015, EUR đã giảm giá rất mạnh so với USD với nguyên nhân chính từ chênh lệch về tăng trưởng và tín hiệu chính sách trái chiều của Mỹ và EU.

Do đó, áp lực lên tỉ giá VND/USD có thể sẽ tăng lên trong ngắn hạn khi dòng vốn đầu tư bị rút ra và đồng USD mạnh lên. Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán MBS, Trung Quốc có thể giảm giá nhân dân tệ để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của mình vào EU và điều này là gây sức ép khiến Ngân hàng Nhà nước phải tính tới việc giảm giá VNĐ để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Đồng thời, nếu xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, cũng theo VCBS thì xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không còn nhiều dư địa chính sách để giữ ổn định tỉ giá.

Hơn thế nữa, lựa chọn giữ tỉ giá sẽ cần phải đánh đổi bằng thiệt hại về nguồn lực đặc biệt nguồn dự trữ ngoại hối. Cuối cùng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dù đang khá dồi dào nhưng có thể sẽ nóng trở lại khi ngân hàng phải bán ra lượng tiền đồng lớn để mua và củng cố trạng thái ngoại tệ khi các rủi ro từ phía thế giới tăng lên.

Trên thực tế, yếu tố này được kiểm chứng đầu tháng 6 vừa qua khi tỉ giá nóng trở lại trước đồn đoán về Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED nâng lãi suất hay đồng nhân dân tệ CNY mất giá. Độ nhạy của tỉ giá với các tin tức tiêu cực từ thị trường thế giới mạnh lên đáng kể so với thời điểm tháng 1. Như vậy, sau khi được giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm, sự kiện Brexit có thể tạo ra những biến động đáng kể về tỉ giá là điều có thể xảy ra.

Tuy đứng trước nhiều áp lực, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, dù người Anh đã quyết “dứt áo” ra khỏi EU, nhưng cũng phải mất 2-3 năm nữa thì quyết định này mới có hiệu lực chính thức. Và đây là khoảng thời gian được các chuyên gia nhấn mạnh là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp xuất khẩu cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, gia tăng tính cạnh tranh cho từng mặt hàng xuất khẩu sang EU, Anh.

Theo Mai Trinh

Lao động

Trở lên trên