MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BRIC - Giấc mộng đẹp hay sai lầm để đời của Goldman Sachs?

14-06-2017 - 08:26 AM | Tài chính quốc tế

Năm 2003, Goldman Sachs công bố báo cáo có tựa đề “Dreaming with BRICs" ca ngợi những thành tựu mà nhóm này đạt được và vẽ ra 1 tương lai tươi sáng trong 5 thập kỷ tới. Tuy nhiên, dường như Goldman Sachs đã quá lạc quan.

Trong 4 năm trở lại đây, các thị trường mới nổi đã vững bước vượt qua không ít sóng gió: những ảnh hưởng tiêu cực từ dự định nâng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ năm 2013 (hay còn gọi là taper tantrum), giá dầu lao dốc năm 2014, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ năm 2015 và gần đây nhất là động thái đổi tiền của Ấn Độ vào cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, một nửa năm 2017 đã qua đi với 1 bức tranh tươi sáng hơn. Lần đầu tiên trong vòng 2,5 năm trở lại đây, 4 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (thường được biết đến với tên gọi là nhóm BRICs) đang tăng trưởng ở cùng 1 tốc độ.

Cuối năm 2015, kinh tế Nga thoát đáy sau cuộc suy thoái dài nhất kể từ những năm 1990. Kể từ đó đến nay, nền kinh tế này liên tục tăng tốc. Giá dầu hồi phục nhẹ đã hỗ trợ mạnh mẽ cho kinh tế Nga dù Nga chưa thể hưởng lợi hoàn toàn từ thị trường bởi vẫn phải duy trì cam kết về sản lượng với các nước khác.

Trong thời kỳ đồng rouble lao dốc (cuối năm 2014, đầu 2015), một số thế mạnh của nền kinh tế Nga như thặng dư thương mại lớn hay dự trữ ngoại hối chưa bao giờ xuống dưới mức 300 tỷ USD đã dễ dàng bị bỏ qua. Giờ đây khi Nga đã lấy lại lợi thế, đồng rouble hồi phục trở lại. 12 tháng qua, rouble tăng 15% so với USD trong 12 tháng, biến nó thành một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất thế giới.

So với những gì nước Nga đã gặp phải, Brazil còn rơi vào vòng xoáy tồi tệ hơn. Kinh tế Brazil suy giảm 8 quý liên tiếp do chịu ảnh hưởng của thị trường hàng hóa, Tổng thống nước này bị luận tội trong bê bối chính trị rung chuyển đất nước.

Dù bê bối chính trị của Brazil còn lâu mới được giải quyết triệt để, chí ít thì tình hình cũng đã được cải thiện. Những cơn mưa rào mùa hè ở những bang như Bahia giúp tăng sản lượng đậu tương và ngô trong những tháng đầu năm. Quý I, GDP của Brazil đã tăng trưởng 1%. Nhiều chuyên gia phân tích dự báo kinh tế Brazil có thể tăng trưởng trong năm 2017. Không giống như ở Nga và Ấn Độ, kinh tế tăng tốc không đẩy tăng lạm phát ở Brazil.

Nếu như lạm phát ở mức quá cao trong những năm gần đây khiến Brazil đau đầu, lạm phát của Trung Quốc lại ở mức quá thấp. Vì áp lực giảm phát đè nặng giá cả và đồng nhân dân tệ, nền kinh tế Trung Quốc thực chất đã suy giảm trong năm 2016 nếu quy đổi theo USD (lần đầu tiên trong 22 năm).

Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay áp lực giảm phát đã giảm xuống. Nhân dân tệ cũng tăng giá so với USD sau khi hiện tượng chảy máu vốn được kiềm chế. Nhiều khả năng NHTW Trung Quốc đã bắt đầu bổ sung dự trữ ngoại hối (tăng 24 tỷ USD trong tháng 5) sau khi lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm khoảng 1.000 tỷ USD so với mức đỉnh lập năm 2014.

Liệu những tín hiệu tốt từ các nước thành viên có thể thổi làn gió mới vào thương hiệu BRICs? Được đưa ra bởi Jim O’Neill khi ông còn đang là chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs, khái niệm BRICs đã trở nên phổ biến. Thậm chí lãnh đạo các nước này còn tổ chức hội nghị thường niên và mời Nam Phi tham gia với tư cách thành viên bổ sung. 4 nước cũng thành lập 1 ngân hàng phát triển đặt trụ sở tại Thượng Hải. Ngân hàng này có hoạt động ở cả 5 nước và đã giải ngân khoản vay đầu tiên cho Brazil vào tháng 4 vừa qua.

Bị ấn tượng mạnh trước tốc độ tăng trưởng của các nước BRICs (dù O’Neill cho rằng đất nước Nam Phi với 56 triệu dân và GDP chưa đến 300 tỷ USD quá nhỏ bé để tham gia vào nhóm này), năm 2003, Goldman Sachs công bố báo cáo có tựa đề “Dreaming with BRICs" ca ngợi những thành tựu mà nhóm này đạt được và vẽ ra 1 tương lai tươi sáng trong 5 thập kỷ tới. Tuy nhiên, dường như Goldman Sachs đã quá lạc quan. Trong số 4 nền kinh tế, chỉ có Trung Quốc đạt được quy mô GDP (tính theo USD) đúng như dự báo của ngân hàng này. Tổng cộng 3 nước còn lại còn thiếu hụt 3.000 tỷ USD.

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng bị thất vọng. Chỉ số theo dõi TTCK các nước BRIC của MSCI đã giảm 40% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2007. Tháng 10/2015, Goldman Sachs phải đóng cửa một trong những quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi dành riêng các nhà đầu tư Mỹ. Peter Tasker của quỹ Arcus Investment đã mỉa mai BRICs chính là viết tắt của cụm từ “Bloody Ridiculous Investment Concept” (tạm dịch: Khái niệm đầu tư nực cười và khiến nhà đầu tư đổ máu).

Dẫu vậy, nếu như không vấp phải những khó khăn trong 4 năm qua, nhóm BRICs có lẽ đã đạt được “giấc mơ” mà O’Neill và đội ngũ của ông vẽ ra cách đây hơn chục năm. Hiện tổng GDP của nhóm đã đạt 16.600 tỷ USD. Và sau khi Goldman Sachs đóng quỹ đầu tư vào BRICs, chỉ số MSCI BRIC đã tăng gần 20%.

Có lẽ rắc rối lớn nhất của khái niệm BRIC chính là sự hòa hợp giữa các thành viên. Năm 2011, Trung Quốc đóng góp một nửa GDP của nhóm này và hiện tỷ trọng đã lên tới 2/3. Trung Quốc cũng là “nhà” của hầu hết những công ty lớn nhất của BRICs. 8 trong số 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trong chỉ số MSCI BRIC đến từ Trung Quốc (trong đó có Alibaba, Baidu và Tencent). Với đà tăng trưởng như hiện nay và nếu Trung Quốc mở cửa thị trường vốn hơn nữa, nước này sẽ sớm lọt vào 1 nhóm khác có trình độ phát triển cao hơn.

Cuối cùng thì mối đe dọa lớn nhất đối với ý tưởng BRIC không phải là những yếu kém trong nền kinh tế mà là sự thành công vượt trội của thành viên lớn nhất.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên