MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BT Mai Tiến Dũng: Nhà thầu trong nước sẽ được tạo điều kiện tham gia làm cao tốc Bắc - Nam

02-08-2019 - 14:28 PM | Xã hội

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng,Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia một số tuyến của dự án cao tốc Bắc - Nam.

Sẽ đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 1/8, phóng viên đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ GTVT về việc sơ tuyển, đấu thầu đường bộ cao tốc Bắc - Nam, hiện nhiều nhà thầu trong nước phản ánh tiêu chí thầu quá cao khiến họ khó tham gia dự án, nhiều khả năng các gói thầu sẽ rơi vào nhà thầu nước ngoài.

Trong khi đó một số chuyên gia cho rằng đường bộ cao tốc là trục xương sống quốc gia, cần lưu ý vấn đề an ninh, quốc phòng, quan điểm của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, về tiêu chí để sơ tuyển và đấu thầu đường cao tốc Bắc-Nam, Bộ GTVT đã tổng hợp trình, báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội sau đó đã xác định những đoạn ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2018-2021 với chiều dài 654 km với 8 dự án được phân chia.

BT Mai Tiến Dũng: Nhà thầu trong nước sẽ được tạo điều kiện tham gia làm cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

"Để phân chia các dự án này, trong quá trình xem xét phân chia dự án, chúng tôi đã đưa ra các tiêu chí, đánh giá thật kỹ.

Đối với dự án phải xác định xây dựng và sẽ thu phí theo hướng đối tác công tư. Như vậy cần phải xem xét đến tính hiệu quả của dự án, phải có kết nối với các trung tâm, kết nối với các đường hiện hữu hoặc vòng kết nối với Quốc lộ 1...", ông Đông nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, tùy điều kiện địa hình và hệ thống đường đã có cũng như trung tâm kinh tế, chính trị dọc các tuyến để xác định các điểm đầu, điểm cuối của các dự án này.

Với những tiêu chí vậy, Bộ đã xác định các dự án có thể để bảo đảm vừa hiệu quả cũng như bảo đảm tính kết nối, thu phí hoàn vốn trong trường hợp kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia.

Ông nói thêm, theo quy định của pháp luật, với tổng mức đầu tư bao nhiêu thì quy định mức vốn của chủ sở hữu phải là bao nhiêu trong trường hợp đối tác công tư tại Nghị định 63 của Chính phủ đã được ban hành.

"Ở đây trong trường hợp cụ thể là áp dụng mức 20% của tổng mức đầu tư đối với vốn, là điều kiện để tham gia. Cái này đã được xem xét trong quá trình thông qua của Quốc hội và thực hiện dự án thầu. Đặc biệt quan trọng hơn là phù hợp với quy định trong Nghị định.

Tiêu chí được xác định trong phân đoạn của các dự án bảo đảm tính khả thi trong việc thu hút đầu tư, thu hồi vốn; xác định trên mức của dự án và xác định quyền mức tỷ lệ của vốn điều lệ tham gia, còn lại là vốn vay ngân hàng thương mại và từ vốn huy động khác", ông Đông nêu.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho hay, liên quan đến đấu thầu của dự án này, trước hết áp dụng theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đấu thầu là phải thực hiện đấu thầu.

Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu có quy định trong trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì các cấp thẩm quyền sẽ phê duyệt.

"Chúng ta đang trong giai đoạn sơ tuyển, đánh giá sơ tuyển theo hình thức đấu thầu, trước khi chính thức lựa chọn nhà thầu.

Bộ GTVT đã tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, các cấp thẩm quyền liên quan đến vấn đề đấu thầu để bảo đảm phù hợp theo đúng quy định của pháp luật, quyết định của các cấp thẩm quyền, đặc biệt theo Nghị quyết 52 của Quốc hội", ông Đông thông tin.

Loại bỏ "nhà đầu tư 0 đồng"

Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt và ngày 25/7, Thường trực Chính phủ đã nghe báo cáo về một số sự án trọng điểm liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng, hạ tầng cốt lõi.

Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai từ 2008, đến tháng 3/2019 mới được 15% khối lượng thi công.

Vì thế, Thủ tướng quyết định thay đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang, đồng thời, thay đổi chất lượng nhà đầu tư, loại bỏ "nhà đầu tư 0 đồng".

"Thủ tướng đã báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng GTVT cũng hứa sẽ hoàn thành tuyến đường này vào 2020", ông Dũng nói và cho biết Thủ tướng đã quyết định tái cơ cấu lại toàn bộ nhà đầu tư, sẽ tiếp tục thực hiện tuyến đường này một cách nhanh nhất.

Ngay cả vấn đề Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ cấp 100 đồng tỷ tập trung hỗ trợ cho Lào Cai giải phóng mặt bằng và thực hiện các bước tiền khả thi.

Liên quan đến hồ sơ mời thầu tuyến cao tốc Bắc - Nam, ông Dũng nhấn mạnh đây là điều rất quan trọng, hồ sơ mời thầu có cả của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Ông nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo việc đấu thầu sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, không thất thoát, lựa chọn nhà thầu có năng lực.

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia một số tuyến của dự án này.

"Cơ quan chức năng tiếp tục báo cáo Thủ tướng về vấn đề trên theo tinh thần dự án chất lượng, an toàn lâu dài và đảm bảo an ninh, quốc phòng", ông Mai Tiến Dũng nói.

Theo Hoàng Đan

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên