MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bữa tối giữa ông Trump và ông Tập có thể ngăn Chiến tranh lạnh 2.0?

01-12-2018 - 19:45 PM | Tài chính quốc tế

Trong nhiều năm, Mỹ mua hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và Trung Quốc thì mua Trái phiếu kho bạc của Mỹ. Chính mối quan hệ này góp phần quan trọng trong việc điều tiết dòng vốn cũng như thương mại trên thế giới trong nhiều thập kỷ, và người ta gọi nó là “Chimerica”. Tuy nhiên, gần đây mối quan hệ này đã thay đổi.

Trung Quốc và Mỹ được vận hành bởi hai hệ thống kinh tế – chính trị khác biệt nhau hoàn toàn. Đối với Mỹ, Trung Quốc giống như một quốc gia đầy rẫy vấn đề về quyền tự do và con người. Ngược lại, trong thế giới quan của Trung Quốc, Mỹ là gã tư bản đế quốc thích can thiệp vào chuyện riêng ở nhiều nơi trên thế giới vì lợi ích cá nhân.

Mặc dù vậy, hai nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới này từ lâu đã được xem như hai cực âm dương toàn cầu. Trong sự cộng sinh đó, Mỹ mua hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và Trung Quốc thì mua Trái phiếu kho bạc của Mỹ. Trung Quốc là công xưởng sản xuất chính, còn Mỹ là nơi tiêu thụ chủ yếu trên thế giới. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã sử dụng khoản thặng dư khổng lồ với Mỹ để quay lại tài trợ trên thị trường tài chính cho Mỹ thông qua việc mua các Trái phiếu Kho bạc và trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Chính mối quan hệ này góp phần quan trọng trong việc điều tiết dòng vốn cũng như thương mại trên thế giới trong nhiều thập kỷ, và người ta gọi nó là "Chimerica".

Tuy nhiên, gần đây mối quan hệ này đã thay đổi. Câu chuyện có vẻ xuất phát từ giấc mộng Trung Hoa được ông Tập Cận Bình khởi xướng trong nhiệm kỳ của mình, với các khẩu hiệu, cũng là các mục tiêu chính sách, đã từng nhiều lần được nghe như "Made in China 2025" hay "Một vành đai – Một con đường". Xuất phát là các biểu hiện dưới dạng căng thẳng thương mại, quá trình leo thang gần đây đang khiến nhiều người lo ngại Chiến tranh thương mại sẽ trở thành một cuộc Chiến tranh lạnh 2.0.

Với chính sách "Made in China 2025" của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang muốn nâng cao vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu, với các mục tiêu đầy tham vọng, bao gồm sở hữu các công ty đứng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như làm chủ các công nghệ tiên tiến khác. Trong suốt nhiều thập kỷ, chính sách của Trung Quốc bắt buộc các tập đoàn lớn nước ngoài khi muốn kinh doanh tại Trung Quốc sẽ phải liên doanh với một đơn vị trong nước. Mục đích không phải để kiểm soát hoạt động kinh doanh và thu thuế, mà nhằm ăn cắp công nghệ chuẩn bị cho ngày làm chủ. Gần đây, nhóm những tập đoàn công nghệ khổng lồ ở Trung Quốc (Baidu, Weibo, Tencent, Alibaba) đều là các mô hình của Mỹ đã xuất hiện trước trên thế giới.

Ngay khi nhận ra Trung Quốc đang cố gắng định hình lại mô hình phát triển kinh tế của mình, Mỹ đã thay đổi cách tiếp cận. Quan điểm tự do bình đẳng trong kinh tế (laissez-faire) truyền thống từ các nhiệm kỳ tổng thống Mỹ trước đây đã không còn nữa. Thay vì tôn trọng tự do thương mại toàn cầu, ông Donald Trump đã thay đổi các chính sách đặt nước Mỹ lên trên hết. Đằng sau cuộc chiến thương mại, ông Trump đang muốn sắp xếp lại vị trí các thành viên trên sân chơi kinh tế thế giới, tách rời Hoa Kỳ ra khỏi Trung Quốc, đẩy Trung Quốc về vị trí không thể làm ảnh hưởng tới sức mạnh chính trị của Mỹ.

Ở một góc khác, hai quốc gia đang chạy đua với nhau trên mọi mặt trận, đặc biệt là mục tiêu làm chủ công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0. Nhóm GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft) của Hoa Kỳ và nhóm BATX (Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi) của Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến ngầm về nghiên cứu phát triển công nghệ, dưới sự ủng hộ của chính phủ hai bên.

Tuy nhiên, trong khi cố gắng chạy đua để vượt trội lẫn nhau, các chiến lược của Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trở nên giống nhau hơn. Trung Quốc phát động sáng kiến Một vành đai – Một con đường (Belt and Road Initiative) nhằm đối phó với nỗ lực kết nối thương mại Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama thông qua hiệp định TPP. Ông Donald Trump, mặc dù phản đối TPP và thậm chí đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định này, sau đó cũng thúc đẩy sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương (Indo-Pacific Initiative) để gia tăng ảnh hưởng tại cùng một khu vực này.

Hai cường quốc cũng đang thực hiện các sách lược tương tự về mặt quân sự. Mặc dù Trung Quốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng đến nay tổng chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc chỉ đứng thứ hai sau Mỹ trên thế giới. Trung Quốc đã tự thiết kế và xây dựng tàu sân bay đầu tiên của mình, và đã sẵn sàng kế hoạch cho các tàu tiếp theo. Nước này cũng đang nghiên cứu và triển khai các hệ thống phòng thủ chống xâm nhập khu vực hạn chế/chủ quyền của mình. Và bằng cách thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài (Djibouti), Trung Quốc đã gián tiếp thông báo với toàn cầu về tham vọng của mình, không chỉ dừng lại ở khu vực.

Thực vậy, Trung Quốc cũng đã bắt đầu có các động thái can thiệp chính trị – quân sự ở nước ngoài, một việc làm chỉ được Nga và Mỹ thực hiện nhiều trong những năm qua. Năm 2014, sau khi sơ tán hàng trăm công dân của mình khỏi cuộc chiến tại Libya, Trung Quốc cũng đồng thời gia tăng sự tham gia vào các nhiệm vụ giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Sau một loạt các vụ tấn công ở Pakistan, Trung Quốc cũng đã tạo ra một lực lượng an ninh đặc biệt (chủ yếu dưới dạng các nhà thầu tư nhân) hiện diện tại những quốc gia dọc theo con đường tơ lụa trên biển nằm trong sáng kiến Một vành đai – Một con đường.

Trong một bài phát biểu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Robert Zoellick năm 2005, ông nói với phương Tây rằng hệ thống vận hành toàn cầu phải bao gồm Trung Quốc như một bên liên quan và có trách nhiệm. Nhưng đối với Trung Quốc, trật tự thế giới không bao giờ là sự lựa chọn nhị phân, tức một rừng không thể có hai hổ. Vì vậy, thay vì trở thành một bên liên quan có trách nhiệm trong trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo, Trung Quốc hiện đang ngày càng bành trướng với tham vọng bá chủ ngày càng lộ rõ.

Theo đó, song song với việc là thành viên trong các tổ chức phương Tây thống trị, Trung Quốc cũng đồng thời xây dựng hệ thống của riêng mình. Tuy nhiên, cấu trúc của các nội dung trong sáng kiến Một vành đai – Một con đường cho thấy, trật tự thế giới mà Trung Quốc đang cố gắng xây dựng không dựa trên mối quan hệ đa phương, mà là quan hệ song phương giữa Trung Quốc với các quốc gia khác. Bằng cách đàm phán song phương, Trung Quốc mới tận dụng được triệt để lợi thế của mình trên nhiều mặt để áp đặt chính sách tại các quốc gia nhỏ.

Học thuyết "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump cũng thể hiện cùng một ý chí tương tự. Ông Trump cũng không ngừng chỉ trích các hiệp định đa phương mà Mỹ đã từng tham gia hoặc đang đàm phán dưới thời tổng thống tiền nhiệm. Thay vào đó, ông đang cố gắng thúc đẩy một vài hiệp định song phương quan trọng. Rất có thể, trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình tại Argentina tối 1/12 theo giờ địa phương, ông Trump cũng sẽ đề cập tới một hiệp định đặc biệt với Trung Quốc.

Mặc dù Chiến tranh lạnh 2.0 chưa xuất hiện bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào, nhưng so với cuộc Chiến tranh lạnh của thế kỷ trước, nó cùng có một điểm chung, đó là sự bất đồng của hai siêu cường về cách tổ chức trật tự thế giới. Mặc dù cả hai siêu cường đều bất đồng, nhưng họ đồng ý một điều, đó là chỉ có một người chiến thắng mà thôi.

Quang Huân

Tổng hợp

Trở lên trên