MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh ngành cao su quý 3: Lợi nhuận tăng trưởng nhờ ảnh hưởng từ tình hình chung trên thế giới

Lợi nhuận quý 3 của hầu hết các doanh nghiệp ngành cao su trên sàn đều tăng so với cùng kỳ.

Nhắc đến các nhóm ngành kinh doanh thời gian gần đây, cụm từ "ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung" luôn được nhắc đến. Nhóm ngành cao su cũng không ngoại lệ.

Chưa nói đến các doanh nghiệp chuyên về cao su thiên nhiên, hãy nhắc đến trước hết các doanh nghiệp có sản phẩm từ cao su, mà điển hình là săm lốp ô tô, xe máy. Hiện trên thị trường Việt Nam có 3 doanh nghiệp săm lốp ô tô đã có thương hiệu, và đang giao dịch trên sàn chứng khoán bao gồm Cao su Sao Vàng (SRC), Cao su Đà Nẵng (DRC) và Cao su Miền Nam (Casumina – CSM). Đây cũng là 3 đơn vị cát cứ 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Điểm chung, là các doanh nghiệp này đều không chủ động được nguồn nguyên liệu, nên phụ thuộc rất lớn vào biến động giá nguyên liệu bao gồm các loại cao su, than và hóa chất.

Nếu chỉ tính riêng quý 3/2019, lợi nhuận của Casumina đạt 10,2 tỷ đồng, gấp 6,8 lần quý 3 năm ngoái. Trong khi đó Cao su Đà Nẵng lãi sau thuế 81,8 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Trong khi lợi nhuận của Cao su Sao Vàng lại giảm đến 43%.

Bức tranh ngành cao su quý 3: Lợi nhuận tăng trưởng nhờ ảnh hưởng từ tình hình chung trên thế giới - Ảnh 1.

Đối với cao su tự nhiên, nhìn chung thị trường những tháng đầu năm 2019 khởi sắc. Theo thống kê, riêng tháng 10 vừa qua lượng xuất khẩu cao su đạt 173 nghìn tấn, đưa khối lượng cao su xuất từ đầu năm 2019 lên khoảng 1,29 triệu tấn tương ứng giá trị 1,75 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng và 5,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc vẫn đang là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam.

Doanh nghiệp được nhắc đến đầu tiên phải kể đến Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) với doanh thu riêng quý 3 tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 5.334 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng đột biến gấp 2,5 lần cùng kỳ với 1.219 tỷ đồng.

Bức tranh ngành cao su quý 3: Lợi nhuận tăng trưởng nhờ ảnh hưởng từ tình hình chung trên thế giới - Ảnh 2.

Tuy nhiên, trong tỷ trọng doanh thu, doanh thu từ mủ cao su cũng chỉ chiếm 54%, đạt 3.114 tỷ đồng, còn là là doanh thu từ chế biến gỗ (888 tỷ đồng) và từ kinh doanh các sản phẩm cao su đạt 484 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2019 GVR đạt 12.948 tỷ đồmg doanh thu và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.309 tỷ đồng.

Thêm một thông tin, Tập đoàn cũng chỉ vừa chuyển đổi mô hình kinh doanh sang công ty cổ phần từ 1/6/2018, đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ cuối tháng 3/2018 và mới đây đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HoSE.

Bức tranh ngành cao su quý 3: Lợi nhuận tăng trưởng nhờ ảnh hưởng từ tình hình chung trên thế giới - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu GVR trong 1 năm gần đây.

Một doanh nghiệp ngành cao su với khá nhiều câu chuyện nữa là Cao su Phước Hòa (PHR). Doanh thu quý 3 vừa qua của Cao su Phước Hòa tăng 68%, lên 589 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế đạt 473 tỷ đồng, gấp 2,66 lần lợi nhuận đạt được quý 3 năm ngoái.

Còn tính chung 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu tăng 31%, đạt 1.159 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 650 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, điểm đáng nói ở đây là Cao su Phước Hòa đang dần lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Doanh thu từ cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp trong 9 tháng đầu năm đã tăng từ 31 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 375 tỷ đồng năm nay. Trong khi đó doanh thu từ thành phẩm lại sụt giảm so với cùng kỳ.

Bức tranh ngành cao su quý 3: Lợi nhuận tăng trưởng nhờ ảnh hưởng từ tình hình chung trên thế giới - Ảnh 4.

Theo quy hoạch, diện tích cao su của Phước Hòa sẽ giảm xuống chỉ còn 5.000ha giai đoạn 2021-2025, còn khoảng 10.000ha còn lại sẽ chuyển đổi công năng theo định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương. Cùng với việc thu hẹp diện tích cao su ở Việt Nam, Cao su Phước Hòa lại lên kế hoạch đẩy mạnh sản xuất cai su tại Campuchia.

Bên cạnh đó số lãi lớn của Cao su Phước Hòa nhờ ghi nhận hơn 414 tỷ đồng thu nhập khác, bao gồm 80 tỷ đồng nhượng bán, thanh lý tài sản cố định, và có khoản bồi thường thực hiện dự án gần 331 tỷ đồng.

Việc chuyển hướng đầu tư sang bất động sản, mà chủ yếu tập trung vào ngành đang "hot" như là khu công nghiệp cũng chính là nguyên nhân khiến cổ phiếu PHR vẫn tăng mạnh dù thực trạng chung của ngành cao su không quá tốt. PHR đã tăng 69% kể từ đầu năm 2019, lên mức 56.600 đồng/cổ phiếu, trong đó có lúc xác lập đỉnh mới ở mức 75.600 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 7/8/2019).

Bức tranh ngành cao su quý 3: Lợi nhuận tăng trưởng nhờ ảnh hưởng từ tình hình chung trên thế giới - Ảnh 5.

Doanh nghiệp cao su đáng nói đến nữa là Cao su Quảng Nam (VHG) với số lỗ trên 97 tỷ đồng quý 3 vừa qua, cũng là quý thứ 13 liên tiếp công ty báo lỗ, nâng tổng lỗ từ đầu năm 2019 lên 104 tỷ đồng. Doanh thu cũng gần như không phát sinh nhiều.

Cổ phiếu VHG cũng đã rời sàn HoSE lên giao dịch trên Upcom.

Bức tranh ngành cao su quý 3: Lợi nhuận tăng trưởng nhờ ảnh hưởng từ tình hình chung trên thế giới - Ảnh 6.

Ngành cao su năm 2019 có một lợi thế, là ngay từ đầu năm, các nước thuộc diện cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong xuất khẩu cao su là Thái Lan, Indonesia và Malaisia đã đưa ta kế hoạch cắt giảm sản lượng cao su xuất khẩu để đẩy giá lên. Theo đó, các nước này dự kiến sẽ giảm khoảng 300.000 tấn cao su xuất khẩu trong năm nay.

Cùng với xu hướng của thị trường thế giới, giá cao su nguyên liệu trong nước cũng tăng nhẹ. Tuy vậy, thị trường cao su dự kiến còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng chiến tranh thương mại, do sự cạnh tranh giữa các nước, đặc biệt do sự ảnh hưởng từ Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Lợi nhuận quý 3 của hầu hết các doanh nghiệp ngành cao su trên sàn đều tăng so với cùng kỳ như Cao su Bến Thành (BRC), như Cao su Tây Ninh (TRC), trong khi đó cũng có những doanh nghiệp lợi nhuận giảm như Cao su Đồng Phú (DPR), cao su Thống Nhất (TNC)...

Bức tranh ngành cao su quý 3: Lợi nhuận tăng trưởng nhờ ảnh hưởng từ tình hình chung trên thế giới - Ảnh 7.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam, chiếm khoảng 60% tổng lượng cao su xuất khẩu của nước ta. Hơn nữa, khoảng 70% cao su thiên nhiên đi vào ngành công nghiệp sản xuất lốp xe. Do đó, việc Mỹ áp thuế cao đối với những linh kiện ô tô nhập từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu cao su nguyên liệu của Việt Nam sang Trung Quốc. 

Do vậy để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, các nhà sản xuất, xuất khẩu cao su cần đa dạng hoá mặt hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó, đặc biệt lưu ý tới thị trường Ấn Độ, nơi có ngành sản xuất lốp xa đang phát triển rất nhanh trong khi sản lượng cao su nội địa vẫn ở mức hạn hẹp.

Thạch Lâm

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên