Bước ngoặt của kinh tế Trung Quốc trong "tư tưởng Tập Cận Bình"
Đưa “tư tưởng Tập Cận Bình” vào điều lệ của đảng Cộng sản Trung Quốc được nhìn nhận là 1 dấu hiệu cho thấy trong tương lai sắp tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đặt việc bảo vệ môi trường và các vấn đề khác về chất lượng cuộc sống ngang bằng với tăng trưởng kinh tế, theo Bloomberg.
- 26-10-2017Chân dung 7 lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vừa lộ diện
- 21-10-20175 năm tiếp theo, Trung Quốc sẽ cải cách kinh tế như thế nào?
- 18-10-2017Vị thế của Trung Quốc trên thị trường tài chính quốc tế đang tăng nhanh như thế nào?
“Điều này thể hiện nhiều khả năng trong năm 2018 các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung vào chất lượng thay vì số lượng”, Rob Subbaraman, chuyên gia kinh tế trưởng tại Nomura Holdings, nói. Do đó trong năm tới Trung Quốc có thể hạ mục tiêu tăng trưởng chính thức xuống khoảng 6 - 6,5%. Trong giai đoạn trước, Trung Quốc luôn đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức rất cao và kết quả là nền kinh tế đã tăng trưởng vượt bậc nhưng đi kèm với đó cũng là vấn nạn ô nhiễm.
Dưới đây là 8 trích đoạn tạm dịch từ học thuyết mới được gọi là "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" mà ông Tập nêu ra trong báo cáo chính trị đọc tại khai mạc đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc đầu tuần trước.
1 – “Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội chúng ta hiện nay đã chuyển sang mâu thuẫn giữa nhu cầu cộc sống tốt đẹp ngày càng tăng của nhân dân với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ”.
Đây là một sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Trong lịch sử, Trung Quốc thường coi mâu thuẫn lớn nhất trong xã hội nằm ở việc cân bằng giữa nhu cầu của người dân với việc nâng cấp sản xuất. Với sự thay đổi này, Trung Quốc nhận thức được chênh lệch giàu nghèo đang ngày càng tăng lên và nhu cầu của người dân không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn là đời sống tinh thần và môi trường sống được cải thiện.
Theo các chuyên gia kinh tế, với sự thay đổi này các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ chấp nhận tốc độ tăng trưởng giảm xuống trong ngắn hạn.
2 – “Sáng tạo, đoàn kết, phát triển xanh và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người”
Đây tiếp tục là một dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn nền kinh tế bước lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị và tạo ra một môi trường trong sạch hơn.
3- “Phát triển một cách có chất lượng hơn, hiệu quả hơn, công bằng hơn và bền vững hơn”
Phương châm này một lần nữa khẳng định Trung Quốc muốn từ bỏ phương pháp tiếp cận tăng trưởng bằng mọi giá.
4- “Trao quyền nhiều hơn cho các lực đẩy của thị trường trong quá trình phân bổ nguồn lực và đảm bảo Chính phủ sẽ đóng vai trò tốt hơn”
Kể từ năm 2013 Trung Quốc đã đề ra phương châm này nhưng thực tế vẫn chưa diễn ra đúng như kỳ vọng. Tuy nhiên, quan điểm này tiếp tục được nhấn mạnh cho thấy “bàn tay vô hình” sẽ đóng vai trò lớn hơn trong tương lai.
5- “Đẩy mạnh cải cách nguồn cung”
Đây chính là cốt lõi của chủ trương giảm thiểu tình trạng dư thừa nguồn cung và giảm tỷ lệ đòn bẩy trong nền kinh tế đi đôi với tăng lực cầu nội địa mà ông Tập thường xuyên kêu gọi trong thời gian vừa qua.
6- “Ao hồ sông suối xanh trong và những ngọn núi cây cối um tùm đều là tài sản vô giá”
7 – “Theo đuổi Sáng kiến Một vành đai, Một con đường”
Ông Tập từng gọi kế hoạch phục hưng con đường tơ lụa là “dự án thế kỷ”. Theo Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại HIS Markit, điều này thể hiện những chủ thể khác ngoài các doanh nghiệp nhà nước như các doanh nghiệp và định chế tài chính tư nhân cũng sẵn sàng thực hiện những khoản đầu tư dài hạn.
8- “Phát triển một nền kinh tế mở với những tiêu chuẩn cao hơn”
Đây là lời trấn an dành cho các doanh nghiệp nước ngoài lâu nay vẫn phàn nàn Bắc Kinh chưa thực sự mở cửa nền kinh tế. Wei Jianguo, người từng làm Thứ trưởng Bộ Thương mại và hiện là phó giám đốc điều hành của Trung tâm trao đổi văn hóa quốc tế TQ kỳ vọng sau đại hội đảng Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều biện pháp mới để tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.