MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Buồn vì thủ tục rườm rà, lót tay, tiêu cực… Thủ tướng tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ sản xuất, kinh doanh

Bày tỏ nỗi suốt ruột khi hàng loạt các tờ báo đều đồng loạt đưa thông tin về môi trường sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu phải giữ chặt kỷ cương phép nước và xóa bỏ những rào cản đối với sản xuất, kinh doanh.

Cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ mới về tình hình thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được diễn ra trong bối cảnh, những bất cập trong môi trường đầu tư, kinh doanh đang được đưa ra phản ánh.

Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là hai đạo Luật có những bước tiến bộ lớn trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, được nhân dân rất ủng hộ và mong chờ bởi mở ra những điều kiện thông thoáng hơn trong kinh doanh.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng lại chỉ ra, tính đến ngày 12/4 thì cơ quan này mới chỉ nhận được báo cáo tình hình triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư của 18 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cũng như mới chỉ có 8 Bộ ngành gửi báo cáo rà soát các điều kiện kinh doanh.

Thông tư vượt nghị định, nhiều Bộ vẫn làm khó với điều kiện kinh doanh

Điều đáng chú ý là hiện nhiều bộ, cơ quan vẫn chưa có sự thống nhất trong cách hiểu về nội hàm “điều kiện kinh doanh”. Dẫn đến, chưa có sự phối hợp giữa các bộ có liên quan trong soạn thảo, kiến nghị và ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực có sự quản lý của nhiều bộ khác nhau.

Dẫn chứng được Bộ trưởng Bộ KHĐT đưa ra, là vẫn có những Bộ tiếp tục ban hành Thông tư có quy định về điều kiện kinh doanh sau ngày 1/7/2015. Thậm chí, có nghị định ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh đối với cả ngành, nghề không được quy định tại Danh mục 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Dũng còn chỉ ra rằng trong quá trình thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, vẫn còn những vướng mắc phát sinh chủ yếu mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ, thái độ và cách thức làm việc của các công chức, cơ quan có liên quan.

Còn theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, vướng mắc của hai luật hiện nay là do mối liên hệ khá chặt chẽ với quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, bất động sản, đấu thầu, môi trường, thương mại, các quy định về điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài…

Trên thực tế, các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư trong hai luật nói trên và trong các quy định trong các luật khác còn chưa đồng bộ, thống nhất với nhau, đã gây khó khăn trong việc thi hành. Việc rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn chậm, nguy cơ tạo ra “khoảng trống pháp lý” sau ngày 1/7 tới.

Từ góc độ cơ quan trực tiếp quản lý lĩnh vực tài nguyên môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cũng chỉ ra thực trạng là ngay trong Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tổng cục còn gắn quyền của mình khi ban hành các quy định.

Trước thực trạng môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập, song nhiều bộ ngành lại chưa tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ bức xúc: “Tôi rất buồn. Đất đai thì có lót tay, tiêu cực mới có sổ đỏ. Tạo điều kiện cho dân vẫn còn mờ nhạt lắm, quá nhiều thủ tục rườm rà".

Tạo điều kiện cho dân vẫn còn mờ nhạt lắm

"Qua lần này phải tháo gỡ vướng mắc và quản lý rất chặt về môi trường, đất đai công. Đây là vấn đề rất đau đầu của đất nước hiện nay” - Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải cải cách, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, ủng hộ và bảo vệ quyền kinh doanh.

"Không để có các giấy phép con, tạo thêm các điều kiện, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh", Thủ tướng nêu rõ.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu gắn việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng lưu ý tăng cường vai trò của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; đội ngũ cán bộ, công chức phải phát huy tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Chúng ta có cải cách thủ tục hành chính tốt mà cán bộ thực hiện không tốt thì sẽ gây cản trở phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh, “Chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao thì hai Luật này mới đi vào cuộc sống đúng thời gian, không để khoảng trống pháp lý”.

Thủ tướng đã đồng ý ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 Luật trên theo quy trình rút gọn (dùng 1 nghị định sửa nhiều nghị định), kiên quyết xong trước 1/7/2016; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng nghị định này.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên