MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Buông 12 “ông lớn”, nhà nước có ngay 7 tỉ USD

Việc bán 12 “ông lớn” trong đó có Vinamilk, Sabeco, FPT..., Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải theo thông lệ thị trường, công khai minh bạch...

“Việc bán 12 doanh nghiệp nhà nước là thông tin tốt với thị trường. Do đó, SCIC, Bộ Công thương cần sớm công bố thông tin, lộ trình cụ thể để người dân được biết

Ông NGUYỄN 
HOÀNG HẢI

Tại cuộc họp với các bộ ngành về chủ trương bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc bán 12 “ông lớn” phải theo thông lệ thị trường, công khai minh bạch... để chống tham nhũng tiêu cực, chống lợi ích nhóm, đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước.

Đấu giá, thu được 
nhiều hơn

Trả lời Tuổi Trẻ về danh sách 10 doanh nghiệp sẽ được bán, ông Nguyễn Đức Chi, chủ tịch hội đồng thành viên SCIC, nhắc đến một số tên tuổi lớn như: Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia VN, Công ty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty CP FPT, Công ty CP viễn thông FPT...

Mặc dù ông Nguyễn Đức Chi không nêu cụ thể sẽ bán bao nhiêu, tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 1787 về đề án tái cơ cấu SCIC đã được ban hành thì SCIC sẽ phải thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp trên.

Theo một chuyên gia ngành tài chính, nếu bán hết vốn nhà nước tại 10 công ty thuộc SCIC cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được tới 7 tỉ USD (khoảng 150.000 tỉ đồng).

Cụ thể, với 10 doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC, thì riêng tại Vinamilk (Nhà nước giữ 45% cổ phần) với giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hiện nay, chỉ cần Nhà nước bán ra bằng với giá thị trường đã có thể thu được khoảng 4,52 tỉ USD.

Chín doanh nghiệp còn lại, cũng theo cách ước tính trên, có giá trị khoảng 530 triệu USD (10 công ty trong danh mục quản lý của SCIC cơ bản đều đã được niêm yết hoặc cổ phần hóa). Như vậy, tổng số tiền mà Nhà nước có thể thu về qua thoái vốn tại 10 doanh nghiệp tại SCIC, theo tính toán sơ bộ, là trên 5 tỉ USD.

Với hai thương hiệu bia Habeco và Sabeco còn lại, hiện tỉ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp tương ứng là 81,79% và 89,59%.

Chưa có con số chính thức về định giá hai doanh nghiệp này, song năm 2014 hãng bia của Thái Lan là ThaiBev đã đề xuất mua lại toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco với giá 2 tỉ USD. Còn với Habeco, nếu tính theo mức giá mà Carlsberg đã chi ra để mua cổ phần của doanh nghiệp này là trên 50.000 đồng/cổ phiếu, thì giá trị của Habeco được tính toán trên 400 triệu USD.

Như vậy, nếu lộ trình thoái vốn được đưa ra phù hợp thì tổng số tiền có thể thu về qua việc thoái vốn tại 12 doanh nghiệp nêu trên khoảng 7,2 tỉ USD. Đây sẽ là nguồn thu rất lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay.

Theo một chuyên gia về đổi mới và phát triển doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ, việc ước tính giá trị vốn nhà nước bán đi tại 12 doanh nghiệp một cách chính xác không đơn giản. Nếu tính theo số lượng cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp rồi nhân với giá cổ phiếu hiện tại thì chỉ thấy một phần bức tranh. Giá thực sẽ là giá qua đấu giá thành công.

Nếu đấu giá nghiêm túc, giá có thể cao hơn nhiều so với giá hiện tại, thậm chí với một số doanh nghiệp là gấp vài lần. Nhưng nếu cùng lúc bán ra nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn có thể sẽ ảnh hưởng đến giá trị. Vì vậy, rất cần quan tâm đến phương án bán để tránh thất thoát vốn nhà nước và cũng cần cẩn trọng để tránh những doanh nghiệp lớn của VN về tay nước ngoài.

Phải giữ thương hiệu Việt

Trả lời Tuổi Trẻ về phương án bán, ông Nguyễn Đức Chi cho biết đang tính toán lộ trình cụ thể cho 10 doanh nghiệp thuộc diện sẽ bán trong phạm vi quản lý của SCIC theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo minh bạch, theo thị trường và đạt hiệu quả cao nhất.

Với lo ngại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco... sẽ về hết tay các nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng VN đã tham gia một loạt hiệp định thương mại, nhất là TPP.

Do đó, việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, không thể phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ông Chi nhấn mạnh ngay cả khi bán vốn cho nhà đầu tư trong nước nhưng sau này họ lại bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì cũng không ai có thể kiểm soát, ngoại trừ việc có chính sách chung giới hạn sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực, ngành nghề cụ thể...

Ông Chi khẳng định việc bán vốn nhà nước sẽ được SCIC tính toán theo hướng vừa giữ được thương hiệu Việt vừa đảm bảo sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp...

Nguồn tin tại SCIC thì cho biết phương án bán 10 doanh nghiệp thuộc quyền bán của SCIC đang được xem xét kỹ. Giá sẽ giảm nếu bán ồ ạt. Vì vậy, theo kế hoạch thoái vốn năm 2016, SCIC cho biết có 2 trong 10 danh nghiệp trên nằm trong danh sách thoái vốn trong năm nay. Đó là Công ty CP FPT và Công ty CP xuất nhập khẩu Sa Giang.

Theo bà Mai Kiều Liên - tổng giám đốc Vinamilk, cơ cấu cổ phiếu của Vinamilk hiện đã có 49% là của nước ngoài, chỉ 6% là của các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ. 45% còn lại là do SCIC quản lý.

Trong tỉ lệ nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ, bà Liên cho biết hiện không có ai có đủ tỉ lệ nắm quyền chi phối, mà chủ yếu thuộc về các quỹ đầu tư.

Bà Liên nhấn mạnh trách nhiệm sẽ thuộc về SCIC từ chuyện khi nào Nhà nước thoái vốn, thoái cho ai đến việc thoái thế nào, làm sao để đạt mức thu ngân sách lớn nhất nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển sau này cho Vinamilk...

Lợi đủ đường

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia đều cho rằng việc Nhà nước thoái vốn khỏi các doanh nghiệp là xu hướng tất yếu, lợi nhiều hơn thiệt.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói trong bối cảnh hiện nay không nhất thiết lĩnh vực nào Nhà nước cũng “ôm” mà chỉ nên giữ cổ phần ở những lĩnh vực tối quan trọng của quốc gia hoặc những lĩnh vực mà tư nhân khó đảm nhiệm. Còn ngành nghề nào tư nhân gánh vác được thì nên trao lại cho họ.

Ngay lĩnh vực ngân hàng, theo ông Hiếu, Nhà nước không cần duy trì tỉ lệ sở hữu nhiều như vậy. “Hiện nay kinh tế đã thay đổi, tư nhân đã trưởng thành và họ cũng có tiềm lực, do vậy trong vòng 10 năm tới Nhà nước nên thoái vốn mạnh mẽ khỏi các ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng mà Nhà nước chiếm tỉ lệ chi phối, lên đến 80-90%” - ông Hiếu nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho biết thị trường nhất là các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến thông tin về việc Habeco, Sabeco sẽ niêm yết cổ phiếu và việc SCIC thoái vốn toàn bộ ở Vinamilk...

Ông Hải cho rằng Nhà nước không nên nắm giữ vốn tại các ngành không quan trọng như bia rượu nước giải khát, sữa, khách sạn, nhà hàng...

Vì vậy, việc bán hết vốn nhà nước trên cần sớm thực hiện để giúp thay đổi quản trị, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp. Đây cũng là thông tin tốt cho thị trường. Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, SCIC và Bộ Công thương cần sớm công bố thông tin cụ thể như phương án bán, lộ trình bán... để người dân được biết, tránh việc chậm trễ trong thực hiện.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội):

Đừng bán vốn để tiêu xài

Một trong những việc cần làm để đẩy nhanh bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp là xử lý vấn đề lợi ích nhóm. Cần để cho thị trường giám sát việc bán vốn nhà nước, muốn vậy phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta lại phải bán vốn tại các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả? Cần làm rõ bán thì tiền đó để làm gì. Nếu bán để tiêu xài thì không nên bán. Bán để chuyển hướng đầu tư thì phải phân tích đầu tư vào lĩnh vực khác có sinh lời bằng cái mình đang đầu tư không?

Như Sabeco, Vinamilk đang làm ăn hiệu quả, nếu bán đi nhưng lại lấy tiền xây trụ sở kém hiệu quả thì có nên không? Cần phân tích kỹ, chứ không phải cứ thoái vốn ào ạt. Vấn đề sử dụng vốn sau khi bán vốn là bài toán phải tính trước.

Giá trị quyền 
sử dụng đất 
tính riêng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành giám sát chặt chẽ, tìm kiếm cơ hội để bán được cổ phần với giá cao nhất. Riêng đối với bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco - là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, Thủ tướng yêu cầu phải niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước để đảm bảo có lợi cho vốn nhà nước. Ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải tổ chức đấu thầu công khai, tránh trường hợp định giá không sát, làm thất thoát vốn nhà nước.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ khi bán cổ phần tại 12 doanh nghiệp nhà nước trên phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong và ngoài nước, giá trị quyền sử dụng đất phải tính riêng. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý cần có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk sau khi bán vốn nhà nước.

Theo L.THANH - NGỌC AN - T.V.NGHI - A.HỒNG

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên