Các bị can đã khai gì về “bà trùm” Hứa Thị Phấn?
Ngoài bị can Hứa Thị Phấn, cơ quan điều tra còn tiến hành lấy lời khai của 8 bị can khác liên quan đến hành vi nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.
- 30-01-2018Cơ quan điều tra nghi ngờ tình trạng sức khỏe của bị can Hứa Thị Phấn
- 26-01-2018Phiên tòa chiều 26/1: Luật sư của Hứa Thị Phấn cho rằng đề nghị của các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh là không phù hợp
- 26-01-2018Kê biên, phong tỏa hơn 100 bất động sản liên quan bà Hứa Thị Phấn
Ngày 10/1/2018, Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã có bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp Ngân hàng Đại Tín (sau này là Ngân hàng VNCB và bây giờ là ngân hàng CB), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phú Mỹ về hai tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, bị can Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ lượng lớn vốn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng hơn 12.000 tỷ của Ngân hàng Đại Tín. Thông qua 5 hành vi phạm tội, trong đó có việc nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, bị can Phấn bị khởi tố ngày 22/3/2017, tuy nhiên, từ ngày 6/3/2017 bị can Phấn nhập viện tại quận 7, TP.HCM cấp cứu trong tình trạng tăng huyết áp độ 3/4 và tiểu đường tuýp 2. Từ đó đến nay, cơ quan CSĐT đã nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng bị can để tiến hành hỏi cung nhưng bị can Phấn luôn ở trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời, các luật sư của bị can Phấn kiến nghị hoãn buổi hỏi cung cho đến khi sức khỏe của bị can tốt hơn; nên kể từ khi khởi tố đến nay, cơ quan điều tra, Bộ Công an chưa thể hỏi cung bị can Phấn về các nội dung trên.
Ngoài bị can Phấn, cơ quan điều tra còn tiến hành lấy lời khai của 8 bị can khác liên quan đến hành vi nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.
Bị can Ngô Kim Huệ, nguyên là thành viên HĐQT, Phó TGĐ Ngân hàng Đại Tín khai, Huệ là cháu bà Phấn, bố đẻ Huệ là con bà Hứa Thị Thu Cúc (chị gái bà Phấn). Bố Huệ mất sớm, gia đình Huệ được bà Phấn đưa về nhà cưu mang và Huệ được bị can Phấn nuôi cho ăn học và đưa vào làm thành viên HĐQT, Phó TGĐ Phụ trách mảng xây dựng cơ bản và một số mảng khác.
Liên quan đến Ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, Huệ khai nhận có hành vi ký tên trên Biên bản họp HĐQT quyết định mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và Hợp đồng mua giá 1.268 tỷ đồng từ Công ty Địa ốc Lam Giang; ký Biên bản họp HĐQT quyết định hủy hợp đồng mua và hợp đồng hủy mua căn nhà trên; ký Biên bản họp HĐQT quyết định việc mua căn nhà trên từ Hứa Thị Phấn với giá 1.260 tỷ đồng.
Bị can Huệ xác định tại thời điểm Ngân hàng Đại Tín mua căn nhà, HĐQT không họp mà chỉ làm biên bản đưa cho từng thành viên HĐQT ký. Hợp đồng mua, bán lần đầu căn nhà trên do Công ty Lam Giang soạn thảo và được Bùi Thị Kim Loan (thư ký bà Phấn) đưa cho Huệ ký. Huệ thừa nhận việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch trên với giá 1.260 tỷ đồng theo chỉ đạo của bị can Phấn là sai, giúp bị can Phấn chiếm hưởng 1.105 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín.
Bị can Bùi Thị Kim Loan, Kế toán Công ty Phú Mỹ của bị can Phấn khai, ngoài là kế toán của Công ty Phú Mỹ, Loan cũng là thư ký của bà Phấn.
Liên quan đến việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, quá trình đấu tranh, bị can Loan khai báo quanh co, phủ nhận mọi mối quan hệ giữa Loan và Công ty Địa ốc Lam Giang và ông Lâm Kim Dũng – Giám đốc.
Sau quá trình đấu tranh, Loan mới thừa nhận thực hiện chỉ đạo của bị can Phấn, Loan nhận hồ sơ mua bán, hủy hợp đồng mua bán căn nhà trên và đưa cho bị can Dũng, yêu cầu ông Dũng ký theo chỉ đạo của bà Phấn. Loan cũng thực hiện việc chỉ đạo của bà Phấn, yêu cầu nhân viên Ngân hàng Đại Tín – CN Lam Giang thực hiện việc chuyển tiền mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch giữa Công ty Địa ốc Lam Giang với Ngân hàng Đại Tín với bà Phấn.
Bị can Lâm Kim Dũng, nguyên Giám đốc Công ty Địa ốc Lam Giang khai, do Dũng là con rể của bà Hứa Thị Đông Đào (chị ruột bị can Phấn), đầu năm 2010, bị can Dũng được bà Phấn thuê làm Giám đốc CTCP Địa ốc Lam Giang với mức lương 10,5 triệu đồng/tháng (sau chuyển thành Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, gồm 3 thành viên là Lâm Kim Dũng góp 60 tỷ đồng, bà Huỳnh Thị Xuân Dung góp 50 tỷ đồng và Nguyễn Kim Thanh góp 10 tỷ đồng, chỉ góp trên danh nghĩa). Bị can Dũng chỉ là giám đốc trên danh nghĩa, mọi hoạt động của Công ty Lam Giang do bị can Phấn chỉ đạo thông qua bị can Loan.
Liên quan đến việc mua, bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bị can Dũng không được bàn bạc hay thảo luận mà mọi hồ sơ thủ tục đều do Loan chuẩn bị và bảo ông Dũng ký theo ý kiến chỉ đạo của bị can Phấn. Mọi văn bản, hợp đồng, chứng từ liên quan đến việc mua rồi bán cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1.268 tỷ đồng; sau đó hủy và bán cho bị can Phấn với giá 450 tỷ đồng đều do bị can Phấn chỉ đạo thông qua Loan; bị can Dũng chỉ ký hồ sơ, chứng từ và hợp đồng do Loan đưa và thay mặt bị can Phấn chỉ đạo Dũng ký.
Bị can Dũng khai số tiền 990 tỷ đồng Ngân hàng Đại Tín chuyển trả khi ký hợp đồng mua căn nhà trên với giá 1.268 tỷ đồng, Công ty Lam Giang hay Dũng không sử dụng số tiền này mà bị can Phấn là người sử dụng.
Bị can Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín khai, năm 2008 trong lúc đang thất nghiệp được bạn bè giới thiệu với bị can Phấn và được bị can Phấn tiếp nhận và giới thiệu giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín.
Liên quan đến việc Ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, gây thiệt hại cho ngân hàng 1.105 tỷ đồng, bị can Toàn khai nhận có hành vi ký tên trên Biên bản họp HĐQT và Nghị quyết quyết định việc mua căn nhà trên; ký tên trên Biên bản họp HĐQT chấp thuận việc hủy hợp đồng mua căn nhà; sau đó lại ký tên trên Biên bản họp và Nghị quyết quyết định mua căn nhà với giá 1.260 tỷ đồng từ Hứa Thị Phấn.
Bị can Toàn thừa nhận sai phạm khi mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng, trên 20% vốn điều lệ ngân hàng mà không xin ý kiến của Đại hội cổ đông, không họp HĐQT để quyết định; đầu tư khi ngân hàng vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định vẫn quyết định mua; không kiểm tra việc thẩm định giá tài sản theo quy định, dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 1.105 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo Cơ quan điều tra, hành vi sai phạm trên của bị can Toàn là làm theo chỉ đạo của bị can Phấn; lúc đó bà Phấn nắm giữ gần 85% cổ phần ngân hàng Đại Tín, chi phối và điều hành hoạt động của ngân hàng, chỉ đạo ngân hàng mua căn nhà trên thông qua bị can Huệ; vì nghĩ rằng căn nhà trên là của bị can Phấn, bị can Phấn cũng là chủ ngân hàng, việc mua bán có định giá của Công ty TrustAsset và bị can Phấn là người giúp đỡ Toàn, nên Toàn đã bỏ qua mọi quy định của Nhà nước mà chấp thuận việc mua bán như trên. Toàn bộ biên Bản họp HĐQT và Nghị quyết do Huệ chuẩn bị và chuyển cho Toàn ký hoàn thiện. Bị can Toàn không được hưởng lợi gì từ việc mua nhà trên.
Bị can Trần Sơn Nam, nguyên TGĐ Ngân hàng Đại Tín khai, bị can được bị can Phấn giới thiệu và đề nghị đề bạt làm TGĐ ngân hàng nhưng chỉ là TGĐ trên danh nghĩa, mọi hoạt động của ngân hàng đều do bà Phấn quyết định.
Liên quan đến Ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, Nam khai nhận có hành vi ký tên trên Tờ trình, ký tên trên Biên bản họp HĐQT quyết định mua căn nhà trên từ Địa ốc Lam Giang, việc hủy hợp đồng mua và việc mua căn nhà từ bị can Phấn; ký tên trên hợp đồng mua căn nhà từ bị can Phấn và chỉ đạo việc chuyển tiền các lần mua, hủy và mua lại căn nhà như trên.
Bị can Nam xác định, bị can Phấn là người chỉ đạo ngân hàng phải mua căn nhà này để chuyển hội sở ngân hàng từ tỉnh Long An về; khi quyết định mua căn nhà trên Ngân hàng Đại Tín đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định, HĐQT không tổ chức họp, không thông qua Đại hội cổ đông để xin ý kiến mua, Biên bản họp HĐQT được chuẩn bị sẵn và do Huệ đưa cho Nam ký. Bị can Nam không hưởng lợi gì từ việc này.
2 bị can Nguyễn Vĩnh Mậu, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín Phụ trách mảng văn phòng tại Long An và Lâm Hồng Trinh, nguyên thành viên HĐQT, Phó TGĐ Ngân hàng Đại Tín khai, 2 bị can có ký tên trên biên Bản họp HĐQT quyết định việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ địa ốc Lam Giang với giá 1.268 tỷ đồng, Biên bản họp HĐQT quyết định hủy hợp đồng mua căn nhà và Biên bản họp HĐQT quyết định việc mua căn nhà trên từ bị can Phấn với giá 1.260 tỷ đồng.
Tuy nhiên, HĐQT không họp để quyết định các nội dung trên mà 2 bị can chỉ ký hoàn thiện thủ tục; 2 bị can xác nhận việc mua căn nhà trên với giá 1.260 tỷ đồng, không thông qua Đại hội cổ đông, vượt quá giới hạn mua sắm tài sản cố định là trái quy định của pháp luật gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 1.105 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Công Tụ, nguyên Giám đốc Công ty TrustAsset khai, bị can Tụ được ông Hoàng Văn Toàn giới thiệu và được bà Phấn chấp thuận bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Thẩm định giá TrustAsset.
Bị can Tụ thừa nhận là người đại diện công ty này ký Hợp đồng thẩm định giá số 22 ngày 27/7/2011 với Công ty Địa ốc Lam Giang, là người ký Kết luận định giá, ký Chứng thư thẩm định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, kết luận định giá và chứng thư định giá có Phó Giám đốc Lê Hoàng Minh ký nháy trước khi trình bị can Tụ ký.
Bị can Tụ khai nhận việc định giá căn nhà với giá 1.268 tỷ đồng là không có cơ sở và theo ý chủ quan. Tụ thừa nhận việc ký chứng thư thẩm định giá khi TrustAsset không có chức năng thẩm định giá là trái quy định của pháp luật nhưng đây là do hiểu lầm giữa thẩm định giá và định giá là giống nhau và Tụ không thừa nhận hành vi đó là vi phạm pháp luật hình sự.
Bị can Bùi Thế Nghiệp, nhân viên định giá Công ty TrustAsset khai, Nghiệp được Tụ giao thẩm định căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Ngay khi công ty ký hợp đồng định giá với Địa ốc Lam Giang, Nghiệp đã báo cáo với Tụ là TrustAsset không có chức năng thẩm định giá và Nghiệp chỉ có thẻ định giá viên, không có thẻ thẩm định nên không thể thực hiện hợp đồng được, nhưng bị can Tụ ép Nghiệp phải thực hiện việc thẩm định giá với mức giá cao nhất có thể, do sợ mất việc làm nên Nghiệp đã thực hiện việc định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch theo phương pháp “giá trị thặng dư”.
Sau khi định giá xong, Nghiệp xây dựng Báo cáo kết quả định giá và chứng thư thẩm định giá trình ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc ký nháy và trình ông Tụ, Giám đốc ký chứng thư thẩm định giá. Vì biết việc định giá như vậy là trái luật nên trong quá trình xây dựng báo cáo kết quả định giá và chứng thư thẩm định giá, Nghiệp đã thay đổi từ ngữ từ Thẩm định giá thành Định giá. Nghiệp thừa nhận hành vi sai phạm của mình nhưng cho rằng hành vi đó là do giám đốc Tụ ép buộc.
Hành vi nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch được bị can Hứa Thị Phấn chỉ đạo các cá nhân thực hiện theo các bước sau:
Bà Phấn mua nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch giá 371 tỷ đồng, rồi bán cho Công ty Lam Giang.
Công ty Lam Giang bán nhà cho Ngân hàng Đại Tín (giá 1.268 tỷ đồng), sau đó hủy hợp đồng.
Công ty Lam Giang bán nhà cho bà Phấn với giá 450 tỷ đồng.
Bà Phấn bán nhà cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỷ đồng. Từ ngày 10/2 đến ngày 16/2/2012, Ngân hàng Đại Tín đã chuyển đủ 1.260 tỷ đồng vào TK của bà Phấn. Ngay sau khi nhận tiền bà Phấn rút tiền mặt để sử dụng.
BizLive