Các thương hiệu xa xỉ hàng đầu châu Âu có thể trở thành nạn nhân của thương chiến Mỹ - EU
Thị trường hàng hóa xa xỉ của Mỹ là một trong những điểm đến hàng đầu của các công ty châu Âu như LVMH - Mỹ chiếm gần một phần tư tổng doanh số toàn cầu năm ngoái.
- 16-09-2019Thương chiến hay kinh tế giảm tốc cũng không thể ngăn nổi ‘chiếc bụng đói’ của giới trẻ Trung Quốc, ngành nhà hàng sẽ sớm chạm mốc nghìn tỷ USD?
- 16-09-2019Ngành công nghiệp ngoài trời 400 tỷ USD của Mỹ và nỗi lo về thuế quan chiến tranh thương mại của ông Trump
- 14-09-2019Nước cờ khôn ngoan trong thương chiến cà chua: Ông Trump lùi một bước nhưng tiến hai bước!
Một số thương hiệu xa xỉ hàng đầu của châu Âu bị nhắm đến trong điều khoản thuế quan mới nhất của Tổng thống Donald Trump, có thể ảnh hưởng đến hàng tỷ USD rượu whisky, rượu vang, rượu champagne, túi xách và quần áo nam xuất khẩu.
Một hội đồng gồm 3 trọng tài của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cho biết Mỹ có thể áp dụng thuế quan một cách hợp pháp đối với một loạt hàng xuất khẩu của châu Âu để trả đũa việc chính phủ châu Âu viện trợ bất hợp pháp cho hãng máy bay Airbus.
Các nguồn tin của EU cho biết họ hy vọng các trọng tài viên của WTO vào cuối tháng này sẽ công khai tuyên bố cho phép Mỹ áp thuế quan mới đối với 5 - 7 tỷ USD/năm hàng hóa châu Âu, trong khi ông Trump đang đe dọa thuế quan đối với 11 tỷ USD.
Mỹ được WTO bật đèn xanh để trả đũa. Mỹ đã xác định các mục tiêu khả thi - với mức thuế có khả năng cao tới 100% - trong danh sách hàng hóa có tổng giá trị xuất khẩu là 25 tỷ USD/năm. Mặc dù hàng hóa có giá trị nhất trong danh sách của Mỹ là máy bay và phụ tùng của châu Âu, thuế quan cũng có thể đánh vào các sản phẩm được sản xuất bởi các thương hiệu cao cấp nhất của châu Âu.
Tập đoàn quốc tế Pháp chuyên sản xuất các mặt hàng xa xỉ LVMH (Moet Hennessy Louis Vuitton) đặc biệt dễ bị tổn thương trước các loại thuế được đề xuất của Mỹ, nhắm vào hai dòng sản phẩm chính - rượu vang và rượu mạnh như Dom Perignon, Moet & Chandon và Hennessy - và các sản phẩm da nhãn hiệu Donna Karan, Givenchy, Kenzo và Louis Vuitton.
Thị trường hàng hóa xa xỉ của Mỹ là một trong những điểm đến hàng đầu của các công ty châu Âu như LVMH - Mỹ chiếm gần một phần tư tổng doanh số toàn cầu năm ngoái. Người tiêu dùng Mỹ đã mua hàng hóa trị giá 11,2 tỷ euro (12,4 tỷ USD) từ LVMH năm 2018, theo dữ liệu của Bloomberg.
Giám đốc tài chính của LVMH Jean-Jacques Guiony nói rằng công ty rất nhạy cảm với thuế quan và các rào cản thương mại.
Thuế quan mới sẽ làm tăng chi phí và ảnh hưởng tới chính người tiêu dùng Mỹ. "Nếu việc tăng thuế xảy ra, tôi nhắc lại, chúng tôi sẽ tăng giá cùng lúc", theo lời ông Mar Marotta Luca Marotta, CFO của Remy Cointreau SA có trụ sở tại Paris, nơi sản xuất rượu cognac Remy Martin, rượu rum Cointreau, Passoa và Mount Gay.
Tấn công vào EU, thuế quan là biện pháp duy nhất cho chính quyền của ông Trump bởi vì, không giống như cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc, Mỹ sẽ áp dụng các loại thuế được ủy quyền rõ ràng bởi WTO, một tổ chức mà ông đe dọa sẽ rút khỏi nếu không cải cách.
Tranh chấp giữa Airbus có trụ sở tại Pháp và Boeing có trụ sở tại Mỹ đã gói gọn một lời chỉ trích từ ông Trump và những người khác - rằng WTO là một bộ máy quan liêu chậm chạp: vụ tranh chấp này mất tới gần 15 năm để giải quyết.
Các nhà sản xuất đồ uống châu Âu đã quay cuồng với sự bất ổn xuất phát từ các mối đe dọa lặp đi lặp lại của Trump áp thuế quan mới đối với các loại rượu. Chính quyền Trump đang xem xét biện pháp đáp trả việc Pháp đánh thuế nặng tay các công ty kỹ thuật số như Amazon, Facebook và Google.
Nhiều hãng xuất khẩu của Mỹ phản đối đề xuất thuế quan của chính quyền Trump, bởi theo họ nó có thể "gậy ông đập lưng ông" và gây nguy hiểm cho hàng nghìn việc làm của Mỹ.
Có hai cách EU có thể tránh thuế quan mới từ tranh chấp máy bay kéo dài với Mỹ: chấm dứt trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus, hoặc đạt được thỏa thuận hoà giải.
Mặc dù Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ủy viên Thương mại Châu Âu hiện tại, bà Cecilia Malmstrom đều ủng hộ ý tưởng đàm phán hoà giải, các cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề vẫn chưa diễn ra.
Những cuộc đàm phán đó có thể còn khó khăn hơn sau khi bà Malmstrom nhường lại vị trí cho ông Phil Hogan vào ngày 1/11, một nhà đàm phán thương mại người Ireland không khoan nhượng, cam kết sẽ có một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với quan hệ thương mại EU - Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 10/9 với đài phát thanh RTE, ông Hogan khẳng định sẽ làm mọi điều có thể để ông Trump thấy được lỗi của mình.