Thương chiến với EU, Mỹ sẽ “lĩnh đòn” nặng hơn trong cuộc chiến với Trung Quốc?
Sự trả đũa thương mại của châu Âu có thể khiến Mỹ “choáng váng” gấp nhiều lần so với sự đáp trả của Trung Quốc...
Nếu một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn nổ ra giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), thì Mỹ sẽ gánh chịu thiệt hại lớn hơn nhiều so với những tổn thất đến từ thương chiến giữa nước này với Trung Quốc - giới chuyên gia nhận định.
Song song với việc đẩy leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng đưa ra những cảnh báo cứng rắn đối với EU. Tháng 11 tới, chính quyền ông Trump sẽ ra quyết định liệu có áp thuế quan lên một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của châu Âu: ôtô.
Năm ngoái, Mỹ đã áp thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu, dẫn tới việc EU áp thuế quan trả đũa lên 2,8 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Hai bên cũng đang mâu thuẫn về vấn đề trợ cấp cho hai hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing.
Trao đổi với hãng tin CNBC, nhiều chuyên gia tin rằng nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại quy mô lớn giữa Mỹ và châu Âu, thì hệ quả đối với Mỹ sẽ tai hại hơn nhiều nếu so với ảnh hưởng từ những đòn "ăn miếng trả miếng" bằng thuế quan giữa Mỹ với Trung Quốc.
"Thương mại Mỹ-EU mới là chuyện lớn nhất. Cho tới nay, đây là dòng chảy thương mại song phương lớn nhất thế giới", chuyên gia kinh tế Florian Hense thuộc Brenberg nhận xét.
"Nếu tính kim ngạch thương mại cả hàng hóa và dịch vụ, thì thương mại song phương Mỹ-EU trong năm 2018 lớn hơn trên 70% so với giá trị thương mại hai chiều Mỹ-Trung", ông Hense nhấn mạnh.
Châu Âu không "ngán" Mỹ
Dữ liệu từ Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho thấy trong 2018, nước này nhập khẩu 683,9 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ EU, và 557,9 tỷ USD từ Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang EU đạt 574,5 tỷ USD, còn sang Trung Quốc chỉ đạt 179,2 tỷ USD.
"Trong 2018, xuất khẩu của Mỹ sang EU lớn gấp hơn 3 lần sang Trung Quốc", ông Hense giải thích lý do vì sao sự trả đũa thương mại của châu Âu có thể khiến Mỹ "choáng váng" gấp nhiều lần so với sự đáp trả của Trung Quốc.
Về phần mình, Cao ủy viên về thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom đã nói rằng châu Âu không muốn bị đặt vào thế phải áp thuế quan, nhưng sẵn sàng áp thuế nếu Mỹ ra tay trước.
"Các quy tắc thương mại quốc tế, mà chúng tôi đã phát triển trong nhiều năm cùng với các đối tác Mỹ, không thể bị vi phạm mà không có phản ứng nào từ phía chúng tôi", bà Malmstrom nói hồi tháng 6/2018.
Kể từ đó, mỗi khi Mỹ dọa áp thêm thuế quan, Brussels đều cập nhật danh sách hàng hóa Mỹ mà họ có thể áp thuế trả đũa.
Kinh tế Mỹ, châu Âu đều đang gặp khó
Nhưng đối với cả Mỹ và châu Âu, một cuộc chiến thương mại nữa là thách thức mà nền kinh tế mỗi bên đều khó lòng "trụ" nổi vào thời điểm này.
"Thương chiến Mỹ-Trung hiện đã bắt đầu có ảnh hưởng lên sức khỏe kinh tế. Tuy nhiên, ảnh hưởng này đã phải mất một thời gian mới hiện rõ, và được bù đắp một phần bởi môi trường kinh tế tăng trưởng tốt trước đó", ông Frederik Erixon, Giám đốc viện nghiên cứu ECIPE, nhận xét.
"Nếu xảy ra một cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và châu Âu vào mùa thu năm nay thì mọi chuyện sẽ khác. Cả kinh tế Mỹ và châu Âu đều đang giảm tốc rồi, và ảnh hưởng của thuế quan khi đó sẽ rất mạnh", ông Erixon giải thích.
Dữ liệu công bố vào cuối tháng 7 cho thấy kinh tế Eurozone, khu vực 19 nước sử dụng đồng tiền chung Euro, chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý 2, từ mức tăng 0,4% đạt được trong quý 2. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, thậm chí đang đứng trước khả năng suy thoái. Tình trạng này khiến giới phân tích dự báo rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ công bố những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng mới trong mùa thu này.
Tại Mỹ, nền kinh tế tăng trưởng 2,1% trong quý 2, giảm 1 điểm phần trăm so với quý 1. Cuối tháng 7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ. Phát biểu trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi giữa tháng 7, Chủ tịch FED Jerome Powell nói "những điiều kiện bất lợi, chẳng hạn như căng thẳng thương mại và nỗi lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đang gây sức ép lên các hoạt động kinh tế và triển vọng kinh tế Mỹ".
Các công ty đa quốc gia Mỹ sẽ bị đe dọa
Giáo sư kinh tế chính trị Erik Jones thuộc Đại học Jonhs Hopkins thì cho rằng mô hình kinh doanh của các công ty đa quốc gia sẽ bị đe dọa bởi một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU.
"Nếu thuế quan được áp giữa Mỹ và châu Âu, giá cả hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng lên, và hoạt động lắp ráp các sản phẩm ở cả hai thị trường sẽ bị đảo lộn, tương tự như trong trường hợp thương chiến Mỹ-Trung. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ gây gián đoạn khả năng đạt lợi nhuận trong mô hình hình kinh doanh của các công ty đa quốc gia lớn", ông Jones nói.
"Bởi vì nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, các công ty đa quốc gia đó đều là của Mỹ, nên tình trạng như vậy sẽ gây áp lực lớn lên nền kinh tế Mỹ", vị giáo sư phát biểu thêm.
Theo cơ quan thống kê của châu Âu, những mặt hàng Mỹ có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này trong 2018 là động cơ và mô-tơ, máy bay và thiết bị đi kèm, các sản phẩm y tế và dược. Ngược lại, Mỹ nhập khẩu từ EU chủ yếu là ôtô, dược phẩm và các thiết bị y tế.
"Một cuộc chiến thương mại Mỹ-châu Âu sẽ nguy hiểm hơn nhiều đối với Mỹ nếu so với thương chiến Mỹ-Trung, vì một cuộc chiến như vậy sẽ là suy yếu các công ty đa quốc gia của Mỹ, giảm quy mô thị trường mà các công ty Mỹ có thể tiếp cận, đồng thời khuyến khích các công ty Mỹ bán tài sản ở nước ngoài", ông Jones nhận định.
"Nói cách khác, cuộc chiến đó sẽ phá hỏng tất cả những lợi thế mang tính cơ cấu mà các chính quyền nối tiếp nhau của Mỹ đã cố gắng tạo ra kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai", ông nói thêm.
VnEconomy