Cách doanh nhân Trung Quốc "hốt bạc" từ World Cup: Chỉ mất 4 giờ để sản xuất 1 quả bóng, có hẳn tuyến vận tải chuyên biệt siêu nhanh đến Qatar, làm vài tháng bằng 2 năm cộng lại
Trung Quốc còn xây dựng tuyến vận chuyển hậu cần riêng biệt xuất khẩu thẳng các sản phẩm liên quan đến World Cup sang Qatar.
- 22-11-2022Nhà lắp ghép ‘Made in China’ mang lại sự tiện lợi ở Làng cổ động viên World Cup
- 22-11-2022Vì sao các trận đấu tại World Cup có quá nhiều phút bù giờ?
- 21-11-2022Cận cảnh “núi” bia Budweiser bị bỏ xó vì lệnh cấm của nước chủ nhà World Cup
Ngày 7/11 vừa qua, Nghĩa Ô chính thức lập đông, thời tiết vô cùng nắng ráo.
Người dân địa phương truyền tai nhau rằng, nếu ngày lập đông mà trời nắng ráo thì dự báo mùa đông năm đó sẽ rất lạnh. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nhân Nghĩa Ô, mùa đông năm nay sẽ không lạnh giá như dân gian dự báo.
Theo Jimu Xinwen (Trung Quốc), tại Thành phố thương mại quốc tế mang tính biểu tượng Nghĩa Ô, các sản phẩm gắn mác Made in China như bóng đá, áo đấu, loa... được lặng lẽ gửi đến khắp nơi trên thế giới mỗi ngày.
Theo ước tính của Hiệp hội Hàng thể thao Nghĩa Ô, hoạt động sản xuất tại Nghĩa Ô chiếm khoảng 70% thị phần các sản phẩm liên quan đến World Cup.
4 giờ để sản xuất một quả bóng
Vào thời khắc nhận được đơn đặt hàng sản xuất trái bóng kỷ niệm từ ban tổ chức World Cup Qatar 2022, hạnh phúc và phiền muộn dường như cùng lúc ập đến với Ngô Quân Dũng.
Đối với Ngô Quân Dũng, một người yêu bóng đá, biến sở thích thành công việc là điều hạnh phúc nhất trên đời.
Nhưng điều đáng lo ngại là do ảnh hưởng của dịch bệnh và sự thiếu hụt lao động lành nghề, làm sao để đảm bảo các đơn hàng được giao đúng thời hạn đã trở thành nỗi phiền muộn mà anh phải đối mặt.
Kể từ tháng 3 năm nay, xưởng của Ngô Quân Dũng bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng, anh và vợ cũng đến xưởng để quán xuyến, công nhân liên tục tăng ca trừ tối Chủ nhật.
Ngô Quân Dũng là ông chủ, anh vừa phải sắp xếp các đơn đặt hàng sản xuất, vừa phải đi mua nguyên liệu, đồng thời cũng phải gặp khách hàng bất cứ lúc nào. Theo cách nói của anh, nhiều khi bận rộn đến mức chỉ mong có ba đầu sáu tay, một người làm việc của hai người.
Vậy mất bao lâu để sản xuất một quả bóng đá ở Nghĩa Ô? Ngô Quân Dũng đưa ra câu trả lời là: 4 giờ đồng hồ.
"Ngày nay, việc sản xuất một trái bóng đều dựa vào dây chuyền lắp ráp", Ngô Quân Dũng nói, mặc dù việc sản xuất trái bóng không phải là công nghệ tiên tiến, nhưng nó vẫn cần trải qua hơn mười công đoạn. Anh đã kinh doanh sản xuất bóng đá được 9 năm, làm chủ xưởng hơn 2 năm, nhưng đến nay nhiều công đoạn anh vẫn chưa thành thạo. Quả bóng bao gồm lớp vỏ bên ngoài và lớp lót bên trong, da của lớp vỏ bên ngoài cần trải qua nhiều công đoạn như cắt, in, may bằng máy, sau đó đặt lớp lót vào bên trong, cho đến khi mép cuối cùng được khâu thủ công .
Ngô Quân Dũng cho biết công đoạn cuối cùng cần 11 mũi khâu thủ công và người mới bắt đầu phải mất khoảng 6 tháng đào tạo từ việc học may bằng tay.
Trước khi thành lập nhà máy của riêng mình, Ngô Quân Dũng đã làm việc với tư cách là nhà phân phối đồ thể thao ở Nghĩa Ô trong gần 10 năm, trong thời gian bán hàng, dù năng lực sản xuất đồ bóng đá tại Trung Quốc đã rất cao nhưng anh vẫn thường xuyên gặp phải tình huống không lấy được hàng. Trong thời gian diễn ra World Cup ở Nam Phi, kèn Vuvuzela rất được ưa chuộng, để tìm nguồn hàng, anh thậm chí còn đến thành phố khác, sau nhiều rắc rối, Ngô Quân Dũng quyết định tự mình mở xưởng.
Bắt đầu xây dựng nhà máy vào năm 2020, Ngô Quân Dũng đã đích thân tham gia tất cả các khâu từ xây tường, sơn và ốp trần, thậm chí còn quay video tung lên mạng. Chính vì những đoạn phim giống như "phim tài liệu" này mà Ngô Quân Dũng đã "lọt vào mắt xanh" của ban tổ chức World Cup. Lúc này, anh và World Cup Qatar mới thực sự bắt đầu có liên hệ.
Hơn tám tháng qua, ngay cả trong lúc ngủ, Ngô Quân Dũng cũng mơ hồ nghe thấy tiếng máy móc hoạt động trong xưởng.
Một ngày cuối tháng 10, 12.000 quả bóng đá được vận chuyển từ nhà máy của Ngô Quân Dũng tới Qatar. Cho đến nay, gần 700.000 quả bóng đã "vượt trùng dương", mang theo giấc mơ bóng đá của anh ra biển lớn.
Đơn hàng áo đấu tăng gấp 3 đến 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái
Những bộ tóc giả sặc sỡ của World Cup ở Nhật Bản và Hàn Quốc, kèn vuvuzela của World Cup ở Nam Phi, cúp vàng của World Cup ở Nga... hầu như mỗi kỳ World Cup, sẽ có ít nhất một mặt hàng được ưa chuộng.
Từ quan điểm của các thương nhân ở Nghĩa Ô, những sản phẩm đơn lẻ này chính là cơ hội kinh doanh.
Vào năm diễn ra World Cup, Ôn Tùng Kiến, người làm áo đấu, đã sớm có một kế hoạch trong đầu: Thiết kế áo đấu dành cho người hâm mộ và dẫn đầu xu hướng.
Ôn Tùng Kiến rất thích bóng đá, phong cách và các yếu tố thiết kế khác nhau trên áo đấu của nhiều đội bóng đã khắc sâu trong tâm trí anh từ lâu. Ví dụ như chuột túi của Australia và lá phong của Canada, anh đã cách tích hợp những yếu tố này vào chiếc áo đấu độc đáo của xưởng mình.
Vào tháng 3 năm nay, anh bắt đầu thiết kế áo thi đấu. Ôn Tùng Kiến vẽ ra một mẫu sơ bộ của kế hoạch thiết kế đã hình thành trong đầu, sau đó liên hệ với các nhà in để chốt phương án thiết kế cuối cùng.
Để đạt được hiệu quả ưng ý, Ôn Tùng Kiến thường sửa đổi nhiều lần bản thảo thiết kế, kể cả những chi tiết nhỏ. Ví dụ, áo đấu của đội tuyển Brazil ban đầu sử dụng các yếu tố số 10 của ngôi sao nổi tiếng Neymar, nhưng sau đó đã chuyển sang ý tưởng khác, màu sắc cũng thay đổi nhiều lần.
Sau khi thiết kế xong, Ôn Tùng Kiến đã sản xuất mẫu cho 10 đội nổi tiếng trong số 32 đội tham dự World Cup, khách hàng sau khi nhìn thấy sản phẩm đã phản hồi tích cực, có khách hàng ngay lập tức bày tỏ mong muốn đặt hàng 40.000 chiếc. Điều này khiến anh ngạc nhiên xen lẫn mừng rỡ và tiếp tục hoàn thành các thiết kế áo đấu cho cả 32 đội.
Theo anh, áo đấu do anh thiết kế có thể phân biệt với áo đấu của ban tổ chức, người hâm mộ chỉ cần nhìn sơ qua là có thể biết áo đấu của đội nào, nhưng họa tiết và hoa văn hoàn toàn khác với áo đấu chính thức.
Ôn Tùng Kiến tin rằng nhu cầu cao về các mặt hàng trong World Cup như áo đấu sẽ kích thích tốc độ tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng sẽ tăng thêm nhiều khách hàng mới sau World Cup.
Kể từ tháng 4, doanh nghiệp của Ôn Tùng Kiến liên tiếp nhận được đơn đặt hàng áo đấu từ các thương nhân nước ngoài trên khắp thế giới: "Năm ngoái, chỉ có hơn 1 triệu áo đấu được đặt hàng. Thế mà năm nay chỉ trong 3,4 tháng đã sản xuất hơn 2 triệu áo, chỉ riêng từ tháng 5 đến tháng 8, sản lượng đã tăng gần gấp 3 đến 4 lần so với năm cùng kỳ năm ngoái".
Ôn Tùng Kiến cho biết các đơn đặt hàng quốc tế của doanh nghiệp sắp hoàn thành và vẫn còn một số đơn đặt hàng bổ sung từ nước ngoài nữa đang được đẩy mạnh sản xuất. Anh để lại 300.000 áo đấu chuẩn bị cho thị trường trong nước cho World Cup: "Các đơn đặt hàng trong nước thường đến trước khi World Cup khởi tranh khoảng 10 ngày".
Điều khiến Ôn Tùng kiến hài lòng nhất kể từ khi anh bắt đầu sự nghiệp không chỉ là số lượng đơn đặt hàng tăng dần qua từng năm. Thay vào đó, trong thời gian diễn ra World Cup 2018 tại Nga, anh vô tình nhìn thấy người hâm mộ trên TV mặc áo đấu do doanh nghiệp anh sản xuất để cổ vũ cho đội tuyển.
"Lúc đó tôi thực sự rất phấn khích", Ôn Tùng Kiến nói, rất kỳ vọng được nhìn thấy những chiếc áo đấu của doanh nghiệp sẽ xuất hiện trên màn hình trực tiếp của giải đấu năm nay.
Năm World Cup “doanh thu bằng hai năm cộng lại”
Trước thềm World Cup Qatar 2022, nhà máy của Ngô Hiểu Minh đã xuất khẩu 1 triệu quả bóng lưu niệm, trị giá khoảng 20 triệu nhân dân tệ. Theo anh ước tính, các đơn hàng World Cup đã mang lại thu nhập "về cơ bản, 1 năm bằng cả 2 năm" cho các thương nhân Nghĩa Ô.
Làm trong ngành đồ thể thao nhiều năm, Ngô Hiểu Minh từ lâu đã cảm nhận được cơ hội kinh doanh của mỗi kỳ World Cup. Tại World Cup Brazil 2014, Ngô Hiểu Minh đã bán được hơn 1,5 triệu trái bóng. Kể từ đó, một năm trước khi bắt đầu mỗi kỳ World Cup, anh sẽ sắp xếp nhân lực để chuẩn bị sản xuất bóng đá.
Ngô Hiểu Minh không phải là người hâm mộ bóng đá, nhưng anh đã gắn bó với bóng đá suốt 27 năm. Khởi nghiệp từ một đại lý bán hàng, rồi mở xưởng sản xuất bóng đá, anh đã trải qua 6 kỳ World Cup, công việc kinh doanh ngày càng lớn mạnh.
Mỗi một trái bóng Ngô Hiểu Minh cầm trên tay, nhắm mắt anh cũng nhận ra các thông số liên quan như chất liệu sử dụng, độ đàn hồi, độ tròn của trái bóng. Năm 2000, anh thành lập thương hiệu bóng đá của riêng mình và trở nên quen thuộc với quy trình sản xuất bóng đá từ lâu. Anh hợp tác với một doanh nhân người Tây Ban Nha được 10 năm kể từ năm 2012. Hiện nay, những trái bóng được sử dụng trong các trận đấu địa phương ở Madrid, Tây Ban Nha đều do Ngô Hiểu Minh cung cấp.
Tháng 7 năm nay, Ngô Hiểu Minh nhận được đơn đặt hàng sản xuất 100.000 trái bóng kỷ niệm có quốc kỳ của 32 đội. Đây là khách hàng được ủy quyền chính thức từ ban tổ chức World Cup Qatar, nhưng thời gian thi công rất eo hẹp, chỉ 50 ngày .
Ngô Hiểu Minh cho biết trong triết lý kinh doanh của mình, mọi thứ đều vì khách hàng và anh sẽ làm mọi thứ có thể để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Và Nghĩa Ô chưa bao giờ thất hứa, các doanh nhân nước ngoài khi gặp những đơn hàng gấp thường nghĩ đến Nghĩa Ô, bởi vì không có gì Nghĩa Ô không làm được, chỉ có khách hàng không nghĩ ra mà thôi.
Trên mạng có câu "việc trong nước không rõ gõ Baidu, việc ngoài nước không rõ hỏi Nghĩa Ô". Người ta còn đồn nhau rằng, từ số lượng các mặt hàng được bán ở Nghĩa Ô có thể dự đoán tổng thống tiếp theo của Mỹ hay đội có cơ hội vô địch World Cup cao nhất... Những câu nói này thường xuất hiện trong các cuộc trò chuyện của người dân Nghĩa Ô.
Nhà vô địch World Cup có thực sự dễ dự đoán như vậy? Theo một thương nhân sản xuất những chiếc cup World Cup, nhà máy sẽ không vội vàng sản xuất trước số lượng lớn sản phẩm cho một đội tuyển quốc gia nào đó trước khi khách hàng đặt hàng. Tất nhiên, sau đó nhà máy có thể dự đoán đội vô địch World Cup dựa trên số lượng đơn đặt hàng đạo cụ cổ vũ từ người hâm mộ các đội tuyển quốc gia.
Người này kể lại rằng trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, có một số lượng lớn đơn đặt hàng đạo cụ ủng hộ Donald Trump tại thị trường Nghĩa Ô và các doanh nhân Nghĩa Ô đã "dự đoán" thành công rằng ông Trump sẽ thắng cử tổng thống. Nhưng trường hợp dự đoán thành công đội vô địch World Cup vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, dựa trên doanh số bán hàng hiện tại, Anh, Brazil và Argentina có khả năng là những ứng cử viên vô địch năm nay.
Trong cửa hàng văn phòng phẩm Yiwu Qiqi, quốc kỳ của 32 đội tuyển tham dự World Cup cũng như quốc kỳ của nhiều quốc gia trên thế giới được treo cao trông rất bắt mắt.
Hà Tấn Kỳ cho biết các sản phẩm được sản xuất cho World Cup năm nay bao gồm cờ nhỏ cầm tay, cờ dây, cờ ô tô và áo choàng cờ đều đã được bán hết từ cuối tháng 8. Sau khi danh sách top 32 của World Cup 2022 được xác nhận, khách hàng lần lượt đến xem và đặt hàng. Theo dự kiến tất cả các đơn hàng có thể được hoàn thành vào đầu tháng 8 nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh nên công tác hậu cần vận chuyển phải đến khoảng 22/8 mới hoạt động trở lại. Đến cuối tháng 8, tất cả các đơn đặt hàng cho World Cup đã được xử lý.
Hà Tấn Kỳ gia nhập ngành vào năm 2014, đúng kỳ World Cup Brazil 2014, độ nóng vô cùng cao. Theo ước tính của anh, lượng đặt hàng của World Cup năm nay không bằng 2 kỳ trước nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với 2 năm qua.
"Tăng 10 đến 20% so với cùng kỳ năm ngoái". Năm nay, Hà Tấn Kỳ đã có thêm rất nhiều khách hàng mới, về cơ bản là các thương nhân địa phương ở Qatar, những người có nhu cầu về cờ và đến gặp anh để đặt may. Sản phẩm duy nhất có doanh số bán hàng lớn nhất là cờ dây gồm 32 lá quốc kỳ, được sử dụng rộng rãi trong các dịp trang trí khác nhau.
Tuyến vận tải chuyển biệt cho World Cup
Trên đường phố Nghĩa Ô, có những nhà hàng Trung Đông chính hiệu hay các nhà hàng Đông Nam Á, trong những quán cà phê ven đường, đâu đâu cũng thấy người Trung Đông tay cầm tẩu thuốc dài ngồi uống cà phê. Trên phố, những thanh niên châu Phi nói chuyện lưu loát bằng tiếng Trung cũng không phải là chuyện lạ.
Nghĩa Ô ngày nay, "phong cách quốc tế" dường như đã ăn sâu vào máu.
Nghĩa Ô là thành phố thương mại quốc tế mang tính biểu tượng và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã được thành lập tại đây. Thành phố thương mại được chia thành năm quận, cộng với một chợ thời trang, với tổng cộng 6 tòa nhà, thiết kế giống như số "7" đảo ngược trên bản đồ. Một tài xế taxi ở Nghĩa Ô cho biết nếu anh ta ở lại mỗi cửa hàng 1 phút thì phải mất 3 tháng để tham quan toàn bộ thành phố thương mại.
Gen thương mại của người Nghĩa Ô được kích hoạt từ thời kỳ mở cửa cải cách. Ngay cả những người lái xe taxi địa phương cũng đã mở các công ty thương mại xuất khẩu, có người bán thủy tinh, có người sản xuất thời trang. Khi nói về tình hình quốc tế, hầu hết họ đều có thể thao thao bất tuyệt.
Nhiều tiểu thương cho biết, nhờ đơn hàng mùa World Cup nên doanh số bán hàng năm nay tăng rất nhiều so với các năm trước. Một số thương nhân nói rằng tốc độ tăng trưởng là 10% đến 20%, và một số khác tiết lộ tốc độ tăng trưởng đạt 50%, trở lại mức trước khi có dịch.
Theo thống kê của Hải quan Nghĩa Ô, trong 8 tháng đầu năm nay, Nghĩa Ô đã xuất khẩu 3,82 tỷ nhân dân tệ đồ thể thao và 9,66 tỷ nhân dân tệ đồ chơi. Xuất khẩu sang Brazil là 7,58 tỷ NDT, tăng 56,7%; xuất khẩu sang Argentina là 1,39 tỷ NDT, tăng 67,2%; xuất khẩu sang Tây Ban Nha là 4,29 tỷ NDT, tăng 95,8%.
Sản phẩm Made in Yiwu (Sản xuất tại Nghĩa Ô) đã "tiến vào" vào World Cup và vươn ra thế giới không chỉ nhờ chất lượng sản phẩm cao mà còn nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ về hậu cần và vận chuyển. Vào giữa tháng 9, Nghĩa Ô đã khai trương tuyến hậu cần "Tuyến vận chuyển chuyên biệt cho World Cup", thông qua tuyến vận chuyển đường biển, các sản phẩm dành cho người hâm mộ bóng đá như trái bóng, áo đấu được sản xuất tại Nghĩa Ô khởi hành từ cảng Ninh Ba và cảng Thượng Hải trực tiếp tới cảng Hamad (Qatar) chỉ trong vòng 20-25 ngày.
Một doanh nhân kinh doanh dịch vụ hậu cần ở Nghĩa Ô, cho biết nếu hàng hóa của khách hàng được gửi trực tiếp từ Cảng Thượng Hải đến Qatar, sẽ chỉ mất vài ngày nhưng do các tàu vận chuyển có dừng lại bổ sung hàng ở các cảng khác nên đến được Qatar sẽ mất khoảng hơn 20 ngày.
Người phụ trách một công ty giao nhận vận tải quốc tế ở Nghĩa Ô cho biết, hoạt động kinh doanh vận chuyển quốc tế của công ty tập trung ở Trung Đông, mỗi tháng có bảy đến tám trăm container được vận chuyển. Theo người này, sản lượng hàng hóa của công ty trong tháng 9 tăng khoảng 30% so với tháng trước.
Theo Hồ Phỉ, chuyên gia hậu cần cấp cao của Nhóm vận chuyển chuỗi cung ứng quốc tế Cainiao, tuyến vận chuyển đặc biệt này giúp các thương nhân ở thành phố thương mại quốc tế giao hàng cho người hâm mộ ở Qatar và thậm chí trên khắp thế giới trước khi World Cup bắt đầu.
Hồ Phi cho biết Cainiao đã tích hợp các tài nguyên vận chuyển khác nhau trong một khoảng thời gian ngắn và mở ra một "kênh xanh" để giúp các thương nhân Nghĩa Ô đặt chỗ, chỉ cần đặt trước khoảng 10 ngày là có thể đảm bảo được vận chuyển trong thời gian quy định, không bị bỏ lại hàng vì bất cứ nguyên nhân gì. Đồng thời, hàng hóa liên quan đến World Cup cũng có thể được giảm giá đặc biệt để giảm chi phí hậu cần cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nghĩa Ô.
Doanh nhân TQ hy vọng Nghĩa Ô sẽ tiến vào World Cup
Cha của Ngô Hiểu Minh là từng là tiểu thương khởi nghiệp từ việc đổi lông gà lấy kẹo thời kỳ đầu. Ngô Hiểu Minh vẫn nhớ như in cảnh cha mình gánh hàng, mang theo cái trống bỏi đi khắp hang cùng ngỏ hẻm, hai đầu đòn gánh treo những chiếc sọt, trong sọt là những viên đường nâu dùng để đổi lấy lông gà.
"Vào thời điểm đó, những người buôn bán nhỏ lẻ bị coi là 'những kẻ đầu cơ'. Họ sẽ bị lũ trẻ ném đá khi ra ngoài nên thường trốn Đông né Tây, giống như trò du kích", Ngô Hiểu Minh nói. Nhưng chẳng còn cách nào khác, Nghĩa Ô đất chật người đông. Lông gà từ đuôi gà trống được dùng làm chổi lông gà, lông gà kém chất lượng được làm phân bón.
Ngô Hiểu Minh kể lại rằng trong thời kỳ kinh doanh "đổi lông gà lấy đường", cha anh nhiều năm vắng nhà, sau đó, ngoài đường nâu và kẹo gừng, sọt hàng của cha anh còn có nhiều loại hàng hóa như kim chỉ, khuy áo, xà phòng. Ngoài việc đổi lông gà lấy hàng hóa lặt vặt, còn có người bỏ tiền ra mua.
Sau này, nhiều doanh nhân trở nên thành đạt nhờ kinh doanh lông gà lấy đường. Ngô Hiểu Minh không tiếp quản "đòn gánh" từ cha mình, nhưng anh thừa hưởng tinh thần tiên phong dám đi trước đón đầu của cha mình. Năm 1995, Ngô Hiểu Minh, 21 tuổi, thuê một quầy hàng nhỏ ở Nghĩa Ô để bán văn phòng phẩm và chính thức bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình.
Vào thời điểm này, Nghĩa Ô đã phát triển từ các quầy hàng ngoài trời đến các gian hàng trong chợ rồi đến thành phố thương mại thế hệ thứ tư, nơi các sản phẩm khác nhau được phân loại theo danh mục và khu vực. Năm 1998, Ngô Hiểu Minh, sau 3 năm đã thuê một cửa hàng rộng 36m2 và bắt đầu làm đại lý cho một xưởng sản xuất bóng đá ở Thượng Hải, gian hàng cũng mở rộng hơn, sản phẩm ngoài đẹp, tình hình kinh doanh cũng tốt lên.
Từ năm 1998 đến năm 2000, với sự mở rộng dần dần của thị trường Nghĩa Ô, hình thức "gian hàng ở phía trước và nhà xưởng ở phía sau" đã trở nên phổ biến vào thời điểm đó. Các gian hàng trong chợ được sử dụng làm cửa sổ bán hàng. Chính phủ khuyến khích các thương nhân tự xây dựng nhà máy để tự sản xuất và kinh doanh. Năm 2000, Ngô Hiểu Minh đăng ký thương hiệu bóng đá của riêng mình và mở xưởng.
Ngô Hiểu Minh nói rằng con đường phát triển của doanh nghiệp của anh cộng hưởng cùng tần số với sự phát triển của Nghĩa Ô. Nghĩa Ô ngày nay sắp được xây dựng đến thế hệ thứ sáu, bổ sung thêm các khu triển lãm kỹ thuật số...
Anh đang háo hức, mong chờ đến ngày "Made in Yiwu" tiến vào World Cup.
Nhịp sống thị trường