MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cái giá để một thủ đô ở châu Phi trở thành 'thành phố Trung Quốc' là bao nhiêu?

21-11-2018 - 16:20 PM | Tài chính quốc tế

Những cơ sở hạ tầng Trung Quốc đổ núi tiền vào xây dựng ở Addis Ababa đang khiến thủ đô của Ethiopia thay da đổi thịt và mang một hình bóng "rất Trung Quốc".

Bắt đầu từ những năm 2000, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị ở Addis tăng lên chóng mặt. Cùng lúc đó, Trung Quốc bắt đầu đặt nền móng phát triển mối quan hệ với các quốc gia châu Phi dựa trên nền tảng là Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2000.

Cái giá để một thủ đô ở châu Phi trở thành thành phố Trung Quốc là bao nhiêu? - Ảnh 1.

Khu phức hợp Poli Lotus nằm ở ngoại ô Addis Ababa được công ty Trung Quốc Tsehay Real Estate xây dựng với trị giá 60 triệu USD. (Ảnh: CNN)

Tại trung tâm thủ đô Addis Ababa nhiều khu đô thị mới đua nhau mọc lên. Với những chiếc đèn lồng đỏ treo cao ở ngay lối vào, những khu phức hợp với các tòa tháp hiện đại trông không khác gì một khu phố sầm uất ở Thâm Quyến hay Trùng Khánh ở Trung Quốc.

“Chính phủ Ethiopia coi Trung Quốc như một mô hình kiểu mẫu để noi theo phát triển, xây dựng các cơ sở hạ tầng”, Ian Taylor, giáo sư kinh tế chính trị châu Phi tại Đại học St. Andrews, Scotland cho hay.

Cái giá để một thủ đô ở châu Phi trở thành thành phố Trung Quốc là bao nhiêu? - Ảnh 2.

Dự án xây dựng các tuyển đường ở Addis Ababa của một công ty Trung Quốc. (Ảnh: CNN)

Trong gần 2 thập kỷ, các công ty của Trung Quốc đã cho xây dựng hàng loạt các công trình ở thủ đô Ethiopia như tuyến đường sắt dài 750 km nối Addis với cảng Djibouti ở Biển Đỏ, Giao lộ Gotera trị giá 12,7 triệu USD, tuyến cao tốc 6 làn có giá 800 triệu USD cùng hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên ở châu Phi.

Tốc độ phát triển của Addis cũng nhờ đó mà tăng nhanh, ngang bằng với tốc độ bùng nổ đô thị thế kỷ 21 ở Trung Quốc, theo ông Taylor.

“Addis đã thay da đổi thịt nhanh chóng. Các tòa nhà chọc trời khổng lồ đang thay đổi toàn bộ quy mô của thành phố”, Taylor nói.

Tòa tháp 46 tầng sẽ trở thành tòa nhà cao nhất ở Ethiopia sau khi Tổng công ty xây dựng Nhà nước Trung Quốc hoàn tất xây dựng vào năm 2020. Công trình này được Bắc Kinh tài trợ toàn bộ kinh phí và sẽ trở thành trụ sở của Liên minh châu Phi (AU) trong tương lai.

“Châu Phi giờ đây đang trở thành bệ phóng cho Trung Quốc”, chuyên viên nghiên cứu cao cấp Luke  Patey thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Đan Mạch nhận định.

Ngập trong nợ 

Khoản nợ mà Trung Quốc đang “ký gửi” tại châu Phi giờ đã lên tới 130 tỷ USD, chủ yếu là các khoản vay phục vụ các các dự án giao thông, điện, khai thác mỏ.

Bắc Kinh đã trở thành "chủ nợ số một" của nhiều quốc gia ở châu lục này. Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi đầu năm 2018 cho rằng các khoản vay Trung Quốc sẽ chỉ khiến các quốc gia châu Phi phải phụ thuộc vào Bắc Kinh, suy giảm quyền tự quyết cho đến khi mất đi khả năng tự duy trì phát triển lâu dài.

Riêng với Ethiopia, các chủ nợ Trung Quốc đã hào phóng cho nước này vay ít nhất 12,1 tỷ USD từ năm 2000, bằng gần 1/3 tổng số nợ của quốc gia này,

“Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của trật tự thế giới tập trung vào Trung Quốc. Các cường quốc trước đây đang suy giảm ảnh hưởng của họ và gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục nó”, Solange Chatelard, một nghiên cứu sinh tới từ Đại học Libre de Bruxelles, Bỉ, nhận định.

Ảnh hưởng từ Trung Quốc 

CNN bình luận, một trong những mối lo ngại lớn về các khoản vay của Trung Quốc là chính sách ngoại giao bẫy nợ. Bắc Kinh sẵn sàng cho các quốc gia khắp châu Á và Thái Bình Dương vay ưu đãi để triển khai một số dự án đòi hỏi kinh phí khổng lồ và khi các khoản nợ vượt quá mức chi trả, Bắc Kinh sẽ dùng chính những khoản nợ này để đổi lấy các tài sản chiến lược hoặc ảnh hưởng chính trị từ các "con nợ".

Cái giá để một thủ đô ở châu Phi trở thành thành phố Trung Quốc là bao nhiêu? - Ảnh 3.

Mức vay nợ của châu Phi với Trung Quốc trong thời gian từ năm 2000-2017.

Tuy nhiên, Arkebe Oqubay, một quan chức cấp cao trong chính phủ Ethiopia khẳng định đất nước của ông không đánh đổi chính trị lấy các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc.

“Một trong những điều đặc biệt là các nhà tài trợ Trung Quốc không can thiệp vào chính trị”, ông này cho biết.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN rằng các công ty Trung Quốc ở châu Phi hoạt động độc lập và chính phủ nước này không quan tâm tới các dự án mà các công ty của họ đầu tư ở tại đây.

Một mối quan tâm khác là an ninh quốc gia. Đầu năm 2018, tờ Le Monde của Pháp đưa tin Bắc Kinh đã cài máy nghe lén ở trụ sở Liên minh châu Phi (AU).

Cái giá để một thủ đô ở châu Phi trở thành thành phố Trung Quốc là bao nhiêu? - Ảnh 4.

Tòa nhà trụ sở của AU ở Addis Ababa được một công ty của Trung Quốc xây dựng. (Ảnh: CNN)

“Dữ liệu từ các máy tính trong tòa nhà trụ sở của AU do Trung Quốc xây dựng mỗi đêm đều được chuyển tới các máy chủ Trung Quốc trong suốt 5 năm”, tờ báo Pháp dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng như AU ngay sau đó đã bác bỏ thông tin mà họ khẳng định là từ các cáo buộc vô căn cứ này. Nhưng việc những tin đồn này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng xác căn cứ ở châu Phi bắt đầu khiến các nhà làm chính trị ở lục địa này cẩn trọng hơn bao giờ hết.

 (Nguồn: CNN)



Theo Song Hy

VTCnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên