MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần đối xử khác với vàng

15-07-2016 - 09:08 AM | Tài chính - ngân hàng

Câu chuyện huy động 500 tấn vàng trong dân được nhắc đến từ lâu nhưng chưa bao giờ được đưa ra bàn luận sôi nổi như hiện nay.

Hai luồng ý kiến trái ngược nhau

Đề xuất huy động vàng trong dân từng được Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đưa ra từ năm 2011 và được trung tâm nghiên cứu của BIDV nhắc lại vào năm 2015 cùng ý tưởng sàn vàng quốc gia. Năm 2016, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam lại kiến nghị với Chính phủ và NHNN cho lập sàn vàng. Mới dây, Thủ tướng đã giao NHNN chủ trì nghiên cứu xem xét vấn đề nguồn lực trong dân, bao gồm cả tiền và vàng, tạo nguồn vốn phục vụ tăng trường kinh tế.

Xoay quanh câu chuyện huy động vàng từ trong dân hiện có hai luồng ý kiến khá trái ngược nhau.

Một phía cho rằng huy động vàng là việc nên làm, thậm chí có người còn cho rằng đó phải là việc đương nhiên, và việc huy động tốt nhất là thông qua Sàn giao dịch vàng. Sàn giao dịch vàng sẽ giúp Nhà nước dễ chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân thành vốn phục vụ sản xuất, thêm vào đó sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, dễ quản lý hơn, hạn chế được tình trạng buôn lậu vàng lại giúp tăng nguồn thu cho ngân sách.

Nhưng một phía lại phản đối việc huy động vàng bởi các chuyên gia ủng hộ quan điểm này cho rằng làm như vậy sẽ khiến cho hiện tượng vàng hóa, mà NHNN nỗ lực chống lại lâu nay, quay trở lại. Thậm chí, trong một cuộc họp ngày 14/7, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành còn cho rằng bản chất của việc huy động vàng là đi ngược lại nguyên tắc kinh tế, đồng thời bày tỏ quan ngại thị trường sẽ bất ổn vì đầu cơ gia tăng.

GS.TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM kiêm Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng có chung quan điểm như vậy khi đưa ra 5 kịch bản về huy động vàng cùng nhận định dù bất kỳ kịch bản nào xảy ra cũng sẽ làm hệ thống tài chính bất ổn, và đó cũng chính là đi ngược với các chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng mà Chính phủ đang theo đuổi (bài viết đăng trên TBKTSG).

Cần đối xử khác hơn với vàng

Trong khi câu chuyện về nên hay không huy động vàng vẫn còn tranh cãi kịch liệt từ các phía thì thị trường vàng lại nổi “sóng”. Chỉ trong vòng 2 tuần từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, giá vàng đã bứt phá mạnh lên vùng cao nhất trong 2 năm trở lại đây cùng các bước đại nhảy vọt trong một số phiên, đặc biệt là ngày 6/7, và rồi lại quay đầu lao dốc tự do trong ngày 7/7.

Sự điều chỉnh giảm của giá vàng từ mức đỉnh 40 triệu đồng về vùng 37 triệu đồng/lượng hiện nay được cho là do NHNN tác động thông qua việc trấn an dư luận rằng họ có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần thiết. Động thái trấn an này được lặp đi lặp lại đối với cả thị trường vàng lẫn ngoại tệ trong hơn 2 năm trở lại đây song hiệu quả rõ ràng chưa cao, bằng chứng là các “cơn sốt” vẫn diễn ra và NHNN vẫn cứ phải nhắc lại điệp khúc ấy nhiều lần.

Và sau đợt sốt vàng lần này, câu chuyện về quản lý thị trường vàng của NHNN lại được nhắc đến nhiều hơn. Người ta cho rằng, rõ ràng NHNN cần phải thay đổi cách “đối xử” với vàng.

Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, trước tiên Ngân hàng Nhà nước cần phân định rõ ràng hơn vai trò của vàng trong xã hội hiện nay, rằng vàng là tiền tệ, là hàng hóa hay vàng vừa là tiền vừa là hàng hóa để có chính sách quản lý phù hợp.

Nếu quan điểm nghiêng về xem vàng là tiền thì sẽ cản trở việc lưu thông vàng như là một hàng hóa bình thường. Còn nếu xem vàng như là hàng hóa cần quản lý thì NHNN phải giải thích được lý do vì sao phải đối xử với vàng như vậy. Song chỉ khi coi vàng như là hàng hóa đặc biệt tự thân nó có chức năng tiền tệ thì mới cần phải quản lý, và cũng với chức năng này thì mới có chuyện huy động vàng để phát triển kinh tế.

Vị chuyên gia này cũng đồng tình với việc huy động vàng trong dân xét trên góc độ vĩ mô, nhưng hoài nghi liệu Nhà nước có làm được không và làm như thế nào để có hiệu quả nhất.

Ông phân tích, với ngoại tệ để bình ổn thì NHNN có nguồn dự trữ, khi muốn thị trường ổn định thì bán ra thông qua hệ thống NHTM khắp toàn quốc và cầu ngoại tệ đa số được thông qua việc mua ở các ngân hàng. Tương tự, nếu NHNN muốn bình ổn vàng thì phải có một lượng vàng dự trữ.

Nhưng bình ổn ngoại tệ dễ dàng hơn, NHNN có mua vào bán ra, còn vàng, nếu chỉ bán mà không mua thì sẽ gây hao hụt nguồn dự trữ. Và do đó, NHNN buộc phải tìm cách để mua vào nhằm cân bằng nguồn dự trữ nếu muốn thực hiện đúng vai trò bình ổn.

Nhưng việc mua vào không hề dễ dàng bởi còn có nhiều yếu tố tác động như giá cả hay chất lượng của vàng (tình trạng vàng giả, vàng không đủ tuổi vẫn tồn tại nhiều). Khi giá lên cao, NHNN không thể nào mua được vàng từ dân với giá rẻ hơn thị trường, còn nếu mua giá cao hơn chắc chắn cũng không được. Ngoài ra, NHNN cũng khó mà tự mình mua vàng về như việc bán ra.

Để hài hòa, vị chuyên gia cho rằng, NHNN nên giao vai trò điều tiết mua bán ấy cho các doanh nghiệp và các ngân hàng cùng thực hiện như một mạng lưới chân rết của NHNN. Khi ấy NHNN vẫn giữ vai trò quản lý, khi cần bình ổn mua vào bán ra chỉ cần chỉ đạo các doanh nghiệp như với các ngân hàng bình ổn ngoại tệ hiện nay.

Tùng Lâm - Cẩm Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên