MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng trước căn bệnh viêm loét đại tràng khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải từ chức: Hàng triệu người mắc phải, biểu hiện âm thầm và có thể tái phát

05-09-2020 - 18:34 PM | Sống

Viêm loét đại tràng là một loại bệnh không quá phổ biến. Nhưng sự kiện Thủ tướng Nhật Bản từ chức vì lý do bệnh nặng đã khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về những tác động nguy hiểm mà nó có thể mang lại.

Viêm loét đại tràng là gì?

Cụ thể, viêm loét đại tràng là một bệnh viêm ruột gây viêm và loét kéo dài trong đường tiêu hóa. Viêm loét đại tràng ảnh hưởng đến lớp niêm mạc trong cùng của ruột già (ruột kết) và trực tràng. Các triệu chứng thường phát triển âm thầm theo thời gian, hầu như không có biểu hiện rõ ràng.

Nó kích thích và làm viêm lớp niêm mạc trong cùng của ruột già và trực tràng, gây ra các vết loét hoặc tổn thương. Các triệu chứng có thể bao gồm tiêu chảy không kiểm soát, chảy máu trực tràng, giảm cân, giảm cảm giác thèm ăn, đau bụng và thường xuyên phải đi vệ sinh.

Cẩn trọng trước căn bệnh viêm loét đại tràng khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải từ chức: Hàng triệu người mắc phải, biểu hiện âm thầm và có thể tái phát - Ảnh 1.

Viêm loét đại tràng có thể làm suy nhược và đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Mặc dù bệnh chưa được biết đến nhiều nhưng với sự phát triển của y học hiện nay, chúng ta có thể điều trị để hạn chế sự phát triển của căn bệnh, ngăn ngừa biến chứng và duy trì ở mức an toàn.

Căn bệnh này có thể tấn công bất cứ ai, có thể xảy ra âm thầm khi chúng ta còn trẻ và dần trở nên trầm trọng khi tuổi tác tăng cao, như trường hợp của ông Abe là ở 65 tuổi. Các bác sĩ cho biết họ cũng đã gặp nhiều trường hợp bệnh phát triển ở những người từ 50 tuổi trở lên và họ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khi còn trẻ.

Theo ước tính của tạp chí y khoa Clinical Gastroenterology and Hepatology, viêm loét đại tràng xảy ra trên hơn hai triệu người ở Bắc Mỹ, hơn ba triệu ở châu Âu và hàng triệu người khác trên toàn thế giới .

Tiến sĩ Ashwin N. Ananthakrishnan, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết bệnh, viêm loét đại tràng được phát hiện lần đầu tiên trong Nội chiến, và đã gia tăng đáng kể từ những năm 1940 ở Hoa Kỳ và từ những năm 1970 ở châu Á, bao gồm cả Nhật Bản.

Ông và các bác sĩ khác cho rằng sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh một phần là do những thay đổi trong thói quen ăn uống - đặc biệt là việc chế độ ăn không cung cấp đủ chất xơ - đặc biệt là ở châu Á. Nhưng các nguyên nhân cơ bản và tác nhân gây ra viêm loét đại tràng vẫn còn là lĩnh vực cần được nghiên cứu thêm. 

Cẩn trọng trước căn bệnh viêm loét đại tràng khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải từ chức: Hàng triệu người mắc phải, biểu hiện âm thầm và có thể tái phát - Ảnh 2.

Nhiều phương pháp điều trị đã được phát triển để giảm bớt các triệu chứng, nhưng nó có thể tái phát mà không có dấu hiệu báo trước. Tiến sĩ Ananthakrishnan cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Mọi người có thể trải qua những đợt "phát bệnh" kéo dài vài ngày đến vài tuần". 

Hầu hết những người bị viêm loét đại tràng có các triệu chứng nhẹ đến trung bình. Quá trình của bệnh viêm loét đại tràng có thể khác nhau, với một số người bệnh có thể thuyên giảm theo thời gian.

Tiến sĩ Reezwana Chowdhury, trợ lý giáo sư tại Đại học Y khoa Johns Hopkins và là chuyên gia về viêm đại tràng và các rối loạn đường ruột khác, cho biết viêm loét đại tràng "có thể phát triển ở mọi lứa tuổi" và trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh này có thể bị tái phát mãn tính. Tiến sĩ Chowdhury chia sẻ thêm: "Đó là một căn bệnh suốt đời".

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác của viêm loét đại tràng vẫn chưa được xác định. Trước đây, chế độ ăn uống và căng thẳng được cho là nguyên nhân hàng đầu, nhưng bây giờ các bác sĩ biết rằng những yếu tố này có thể làm trầm trọng thêm nhưng không gây ra viêm loét đại tràng.

Một nguyên nhân được dự đoán có thể là do trục trặc hệ thống miễn dịch. Khi hệ thống miễn dịch chống lại vi rút hoặc vi khuẩn xâm nhập, một phản ứng miễn dịch bất thường khiến hệ thống miễn dịch cũng tấn công các tế bào trong đường tiêu hóa.

Di truyền dường như cũng là một nhân tố khác: Viêm loét đại tràng phổ biến hơn ở những người có thành viên trong gia đình mắc bệnh. 

Biện pháp chữa trị

Hiện tại, cắt bỏ ruột già là một trong những cách chữa khỏi bệnh viêm loét đại tràng, nhưng nó có thể để lại nhiều biến chứng. Trong một số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật tạo một lỗ mở nhân tạo ở thành bụng để thải chất thải cơ thể ra khỏi ruột non - phẫu thuật được gọi là phẫu thuật cắt hồi tràng.

Tiến sĩ Ananthakrishnan cho biết những tiến bộ trong phương pháp điều trị đã làm giảm mạnh nhu cầu phẫu thuật. Ông cho biết 20 năm trước, 1/5 bệnh nhân cần phẫu thuật, so với con số là  1/10.

Cẩn trọng trước căn bệnh viêm loét đại tràng khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải từ chức: Hàng triệu người mắc phải, biểu hiện âm thầm và có thể tái phát - Ảnh 3.

Tuy nhiên, những người đã được điều trị cũng có nguy cơ tái phát, trường hợp của ông Abe chính là ví dụ điển hình. Tác động của căn bệnh này thậm chí đã "đánh gục" một người quyền lực như ông Abe, khiến ông phải từ chức. Bởi vậy chúng ta không thể coi thường mức độ nguy hiểm của nó. 

Dù chưa biết rõ nguyên nhân chính thức nhưng từ bây giờ bạn có thể phần nào ngăn ngừa bằng lối sống lành mạnh, chế độ ăn nhiều chất xơ kết hợp với việc lắng nghe cơ thể nhiều hơn, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra khi gặp bất cứ biểu hiện đáng nghi nào! 

Thùy Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên