Canh bạc Jerusalem của ông Donald Trump
Việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đe dọa phá hoại sáng kiến hòa bình của chính tổng thống Mỹ.
- 21-11-2017Chiến lược "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump đang gặp vấn đề gì?
- 19-11-2017Tướng Mỹ nói về việc ngăn lệnh tấn công hạt nhân của ông Donald Trump
- 16-11-2017Tổng thống Donald Trump: “Nước Mỹ đã trở lại”
Quyết định chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và kế hoạch dời đại sứ quán đến đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6-12 lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có không ít đồng minh của Washington.
"Từ bỏ vai trò trung gian hòa bình"
Người Ả Rập và Hồi giáo khắp Trung Đông lên án trong lúc Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc (LHQ) lo ngại về những hậu quả khôn lường tại vùng Trung Đông đang bất ổn và nguy cơ sụp đổ của tiến trình hòa bình Israel - Palestine. Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến tiến hành phiên họp trong ngày 8-12 để bàn về vụ việc theo yêu cầu của 8/15 thành viên sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phản đối bất kỳ biện pháp đơn phương nào cũng sẽ làm tổn hại đến triển vọng hòa bình giữa Israel và Palestine.
Người Palestine dĩ nhiên phản ứng mạnh nhất, với Tổng thống Mahmoud Abbas nói Washington đã từ bỏ vai trò trung gian hòa bình hàng đầu của mình. Iran cũng gọi quyết định của ông Donald Trump vi phạm các nghị quyết quốc tế, trong lúc khẳng định Jerusalem là một phần không thể tách rời của Palestine và cảnh báo nguy cơ nổi dậy mới.
Nỗi lo này càng có cơ sở khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh hôm 7-12 kêu gọi cuộc nổi dậy mới của người Palestine chống lại Israel. Ngay cả trước khi ông Donald Trump chính thức công bố chính sách về Jerusalem, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Dải Gaza giữa lúc các lãnh đạo Palestine kêu gọi 3 "ngày phẫn nộ" để đáp trả.
Theo Reuters, những phản ứng trên đều nằm trong dự tính của Washington. Một tài liệu đề ngày 6-12 của Bộ Ngoại giao Mỹ có nội dung yêu cầu Israel kiềm chế phản ứng đối với động thái của ông Donald Trump do lường trước những phản ứng mạnh mẽ. Một tài liệu khác cho biết bộ này đã lập một nhóm đặc nhiệm để theo dõi các diễn biến trên thế giới theo sau quyết định của Mỹ về Jerusalem.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói đây là động thái thông thường mỗi khi xuất hiện nỗi lo về sự an toàn của các nhân viên chính phủ và người dân nước này.
Người Palestine ở Thành Cổ tại Jerusalem xem truyền hình đưa tin về bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6-12 Ảnh: REUTERS
Chuyển hướng ưu tiên?
Khi đưa ra quyết định gây tranh cãi nói trên, ông Donald Trump nhấn mạnh cam kết giúp hỗ trợ một thỏa thuận hòa bình được cả Israel và Palestine chấp nhận. Ngoài ra, theo tờ The Washington Post, một kế hoạch hòa bình đang được Nhà Trắng soạn thảo và dự kiến công bố vào năm tới. Dù vậy, một quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận người Palestine có thể dọa từ chối tham gia các cuộc hòa đàm sắp tới để phản đối.
Vòng hòa đàm gần đây nhất có sự trung gian của Mỹ đã sụp đổ năm 2014 và bế tắc này có thể là nguyên nhân đằng sau bước đi của ông Donald Trump. "Những thách thức cũ cần những hướng tiếp cận mới" - nhà lãnh đạo Mỹ giải thích ngắn gọn. Theo đài ABC News, phát biểu này cho thấy sự tự tin của một "người làm nên thỏa thuận" sẵn sàng đặt cược để đạt kết quả mong muốn.
Với lập luận những gì từng làm trước kia không mang lại hiệu quả, ông Donald Trump chọn thực hiện điều từng được quốc hội Mỹ ủng hộ hơn 20 năm trước và tin rằng bước đi này sẽ thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Dù vậy, đài BBC nhận định khả năng cao hơn là Tổng thống Donald Trump đã phá hoại sáng kiến hòa bình của chính mình bởi không ít người Israel sẽ dựa vào sự hậu thuẫn của ông để phản đối một nhà nước Palestine và những nhượng bộ về lãnh thổ ở Jerusalem.
Phe ủng hộ ông Donald Trump có thể cho rằng không có chuyện tiến trình hòa bình Trung Đông đổ vỡ bởi đơn giản nó không hề tồn tại. Trong khi đó, những người phản đối chỉ rõ đây là bước đi sai lầm và diễn ra không đúng thời điểm. Ngoài ra, theo đài BBC, có những bằng chứng cho thấy chuyện ông Donald Trump công nhận Jerusalem làm thủ đô Israel chỉ nhằm giữ lời hứa tranh cử chứ không phải là một phần của chiến thuật mới để thúc đẩy đàm phán.
Chính sách Jerusalem của ông Donald Trump cũng được xem là phép thử quan trọng cho Trung Đông thời gian tới. Nếu lãnh đạo các nước Ả Rập vùng Vịnh chỉ phản đối chung chung chứ không có hành động cụ thể gì, đây sẽ là một bằng chứng nữa về sự chuyển hướng ưu tiên từ cuộc đấu tranh của người Palestine sang kiềm chế Iran. Vì ưu tiên mới này, các nước vùng Vịnh đang âm thầm hợp tác với Israel về tình báo và cần sự tham gia của ông Donald Trump.
Người Lao động