Cảnh báo: Người hút đến 2 bao thuốc mỗi ngày, hoặc liên tục tiếp xúc với khói thuốc phải xét nghiệm ung thư phổi ngay trước khi quá muộn
Ung thư phổi được coi là hung thần trong những bệnh ung thư khi cả số người bị mắc và tử vong do nó đều là cao nhất. Cái khó khi chữa trị là người bệnh thường phát hiện rất muộn, vậy nên xét nghiệm ung thư phổi là cần thiết nếu bạn thuộc những đối tượng dưới đây.
- 01-08-2019Từ mất ngủ đến trầm cảm chỉ cách nhau 3 bước: Muốn phòng bệnh cần làm ngay 3 việc
- 01-08-2019Khi nào nốt ruồi có nguy cơ thành ung thư: Ghi nhớ dấu hiệu ABCDE ngay lập tức
- 01-08-2019Loạt tuyệt chiêu cai nghiện điện thoại hay ho của các phụ huynh Tây, cha mẹ Việt rất nên tham khảo
Tại nước ta, ung thư phổi là căn bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu ở nam giới, đứng thứ 3 ở nữ giới và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Năm 2000, số ca mắc mới ung thư phổi ở nam giới là 6.905 ca với tỷ lệ 29,3 người/100.000 dân, đến năm 2010 số ca mắc đã là 14.652 ca và tăng tỷ lệ lên 35,1 ca/100.000 dân. Dự báo, đến năm 2020, số ca mắc mới có thể lên tới 23.000 ca ở nam giới và hơn 34.000 ca ở cả 2 giới.
Ung thư phổi là bệnh lý khó phát hiện sớm vì bệnh phát triển âm thầm, các triệu chứng của ung thư phổi ở giai đoạn sớm nghèo nàn (ho, tức ngực, khó thở )và nó gần giống với các bệnh lý lành tính khác ở đường hô hấp như: viêm họng,viêm phế quản,viêm phổi… nên bệnh nhân thường chủ quan và đôi khi được khám, chẩn đoán và điều trị theo hướng các bệnh lý lành tính.
Theo các chuyên gia, có tới 70% bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, dẫn đến điều trị rất khó khăn, thời gian sống thêm không nhiều. Cụ thể, khả năng sống thêm 5 năm với ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ khoảng 6%, ung thư phổi tế bào lớn khoảng 18%.
Đối tượng cần sàng lọc ung thư phổi
Để phát hiện và phòng tránh ung thư phổi thì khám sàng lọc là phương pháp tốt nhất. Khám sàng lọc sẽ giúp chúng ta phát hiện ra bệnh sớm hơn, nhờ đó giảm tỷ lệ tử vong, giảm các biến chứng không cần thiết trong quá trình điều trị bệnh. Điều này sẽ giúp bệnh nhân có biện pháp điều trị tốt hơn ngay từ những giai đoạn đầu của bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị, tăng tỷ lệ hồi phục.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, bệnh ung thư phổi là căn bệnh có thể mắc phải ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, có ba nhóm đối tượng chính cần thiết phải thực hiện những biện pháp sàng lọc, kiếm tra ung thư phổi.
- Người hút nhiều thuốc. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là người từ 50 tuổi, hút thuốc 30 gói mỗi năm, một gói mỗi ngày trong 30 năm hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm.
- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi. Người có các bệnh lý về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi mạn tính
- Người từ 55 - 74 tuổi. Người trên 50 tuổi không hút thuốc hoặc hút thuốc ít, từng hút thuốc nhiều nhưng đã ngưng trên 15 năm là đối tượng có nguy cơ trung bình mắc căn bệnh này
- Những người thường xuyên tiếp xúc trong môi trường khói độc hại, tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên (dù không hút) thì cũng nên đi khám sàng lọc ung thư phổi để bảo vệ sức khỏe cho lá phổi của mình.
Hãy đến các cơ sở y tế nếu bạn gặp những triệu chứng sau
Ho là triệu chứng thường gặp khi chúng ta bị viêm họng hay do thời tiết. Tuy nhiên nếu dùng thuốc giảm ho, kháng sinh không khỏi thì cần cảnh giác với nguy cơ mắc ung thư phổi . Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có triệu chứng ho khan, ho kéo dài , khó lý giải nguyên nhân hoặc ho có đờm trắng/nhiều đờm, có khi có bội nhiễm.
Khi bệnh nhân có các triệu chứng như: ho, khó thở, ho ra máu, ho đờm… thường không còn ở giai đoạn sớm. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khó thở khi gắng sức hoặc vận động liên tục. Ngoài ra, 40 - 60% người bệnh bị đau ngực. Nhiều bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện đau đầu do bệnh đã di căn não, hoặc đau xương sống, sườn do di căn xương. Khi phát hiện các bệnh lý trên, đi khám, người bệnh mới phát hiện ung thư.
Ngoài các dấu hiệu trên, ung thư phổi cũng có các triệu chứng chung như mệt mỏi hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân. Các chuyên gia lưu ý: khi có tất cả dấu hiệu này chưa chắc người bệnh đã mắc ung thư nhưng cần lưu ý đến những dấu hiệu lạ và tiến hành kiểm tra ngay để loại trừ căn bệnh, từ đó sớm được điều trị.
Theo các chuyên gia ung thư, các dấu hiệu lâm sàng của ung thư phổi thường nghèo nàn và không đặc trưng, nên đa số bệnh nhân được phát hiện tình cờ. Vì vậy, điều cần thiết là phải phát hiện lâm sàng sớm khi chưa có triệu chứng. Hãy đi khám sàng lọc định kỳ 1-2 lần/năm hay tầm soát ung thư phổi nếu thấy có bất cứ triệu chứng gì bất thường, và hãy bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của bạn
Chúc bạn luôn có sức khỏe tốt!
Sức khỏe hàng ngày