MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng thà “ăn ít còn hơn nhịn đói”

16-09-2016 - 16:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo giám đốc một ngân hàng, những ngân hàng nói rằng họ khó giảm lãi suất thì đó là vì bản thân họ không muốn làm vậy chứ không phải không thể giảm.

Những ngày gần đây, thông điệp “giảm lãi suất” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Hầu hết ý kiến của các chuyên gia cho rằng các điều kiện kinh tế vĩ mô đang thuận lợi cho việc giảm lãi suất. Người dân và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vốn cũng vẫn đang chờ đợi động thái từ các ngân hàng, nhưng nhà băng vẫn chưa phát đi tín hiệu nào.

Hội tụ đủ các yếu tố để có thể giảm lãi

Lãi suất huy động vốn – yếu tố quan trọng quyết định giá vốn để cho vay ra của các ngân hàng - có nhích nhẹ trong thời gian qua nhưng không phổ biến mà chỉ ở vài ngân hàng. Lãi suất duy trì mức thấp nhưng nguồn tiền chảy vào ngân hàng vẫn mạnh. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ qua 8 tháng đầu năm mà huy động vốn đã tăng 11% so với cuối năm trước, cao hơn cả mức tăng hơn 10% của 10 tháng đầu năm ngoái.

Trong khi đó ở đầu ra dòng vốn, vài năm gần đây, tín dụng khó khăn khiến cho kênh trái phiếu Chính phủ trở nên vô cùng hấp dẫn các ngân hàng thương mại bởi lợi suất cao trong khi rủi ro lại bằng 0. Và năm nay cũng không là ngoại lệ, chẳng thế mà các đợt phát hành trái phiếu thời gian qua đều được các ngân hàng hấp thụ hết. Mới chưa hết 9 tháng mà kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ của cả năm đã gần như hoàn tất.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng với nhau đang ở mức thấp kỷ lục là chưa đến 1% cho các kỳ hạn ngắn. Ở thị trường tín phiếu, lãi suất kỳ hạn 14 ngày được phát hành trong tuần trước chỉ 0,5% - ngang mức lãi suất liên ngân hàng, chứng tỏ nhu cầu huy động vốn qua tín phiếu cực kỳ thấp. Đây cũng là dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ thanh khoản của hệ thống đang cực kỳ dồi dào, hay nói cách khác là ngân hàng thừa tiền.

Kênh đầu tư hấp dẫn đang cạn, thanh khoản dư thừa trong khi các ngân hàng vẫn “kêu than” khó tìm doanh nghiệp tốt để cho vay và khó đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm, theo các chuyên gia chẳng có lý do gì để ngân hàng không hạ bớt lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong mùa làm ăn cuối năm.

“Ăn ít còn hơn nhịn đói”

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng lãi suất chưa thể giảm được. Lý do biện minh cho điều này khá nhiều, chẳng hạn các ngân hàng làm ăn còn phải trông mong có lãi, lợi nhuận còn phải lo xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, chưa kể lãi suất đầu vào còn khả năng tăng vậy làm sao có thể giảm lãi suất đầu ra, hay áp lực lạm phát những tháng cuối năm ngày càng lớn...

Tuy nhiên theo giám đốc của một ngân hàng cổ phần Nhà nước cho rằng lãi suất chắc chắn sẽ phải giảm. Nếu ngân hàng nào nói lãi suất khó giảm thì đó là bởi bản thân họ không muốn giảm chứ không phải điều kiện không cho phép.

Ông lý giải, trong bối cảnh “vốn ế”, nếu nhà băng không giảm lãi suất thì sẽ mất khách và vốn thì ngày càng thêm ế. Một khi lãi suất cho vay giảm sẽ kéo ngược lãi suất huy động đi xuống.

Vị giám đốc này nói thêm rằng cuộc cạnh tranh giành khách hàng để tăng tín dụng hiện nay đang rất quyết liệt và chính sách giá được các ngân hàng lớn tận dụng tối đa. Cung cầu vốn là yếu tố quyết định việc giảm lãi suất chứ không phải do ngân hàng muốn hay không mà được.

Ông phân tích thêm, các ngân hàng vẫn đang phải huy động vốn với lãi suất bình quân là 6,7 – 6,8%, nếu không cho vay được thì họ chắc chắn lỗ nguyên mức này, chưa kể đến các chi phí khác. Nếu xét đến việc kinh doanh có lãi thì biên lợi nhuận (NIM) bình quân phải 2,5% mới có lãi và đủ bù chi phí, tức mức lãi cho vay ra phải 9,2 – 9,3%/năm, nhưng mức này sẽ không có người vay. "Vậy thì tại sao ngân hàng lại không chấp nhận lãi ít hơn, hoặc lỗ ít hơn để cho vay với lãi suất rẻ hơn, vừa để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, lại vừa có thể tự cứu lấy mình. Thà ăn ít còn hơn phải nhịn đói." - vị giám đốc đặt vấn đề.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên