MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chấm điểm" khả năng điều hành kinh tế của ông Trump sau 6 tháng cầm quyền

21-07-2017 - 07:35 AM | Tài chính quốc tế

Tất nhiên, 6 tháng là quãng thời gian quá ngắn để có thể đánh giá xác đáng về thành tích kinh tế của 1 Chính phủ. Tuy nhiên, chừng đó vẫn đủ để chúng ta dự đoán về tiềm năng của nền kinh tế cũng như thách thức đang chờ đón ở phía trước.

Đã sắp tròn 6 tháng kể từ ông Donald Trump trở thành ông chủ của Nhà Trắng, nền kinh tế Mỹ vẫn tạo ra nhiều việc làm nhưng chưa thể phát huy đầy đủ tiềm năng. Đó là dấu hiệu để đánh giá về những thành tựu kinh tế của Tổng thống Trump và cũng là chỉ báo về những cơ hội và cả thách thức mà nội các của ông phải đối mặt.

Mặt tốt: Tập trung vào tăng trưởng

Trong bất kỳ bài phát biểu hay kế hoạch nào về kinh tế, ông Trump luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 3-4% mỗi năm, đồng thời đảm bảo rằng toàn bộ người dân Mỹ sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, nội các của ông đã vạch ra 3 ưu tiên về chính sách: cải cách thuế, giảm bớt luật lệ và tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, ông đã bỏ qua những lời đe dọa mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa bảo hộ mà ông thường xuyên nhắc đến trong chiến dịch tranh cử. Dù Mỹ đã rút khỏi TPP, NAFTA chưa bị hủy bỏ, thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc vẫn chưa tăng vọt…

Niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ, trong đó có niềm tin tiêu dùng, đã tăng lên, cùng chiều với các báo cáo kinh tế. Theo kết quả khảo sát được Bloomberg công bố cách đây ít ngày, 58% người Mỹ được hỏi cho biết họ cảm thấy đã tiến gần hơn đến “những nguyện vọng về tài chính và nghề nghiệp”. Kể từ khi khảo sát này được thực hiện lần đầu tiên tháng 2/2013, chỉ có duy nhất 1 lần kết quả đạt được cao như vậy.

Tất nhiên đây vẫn chỉ là những con số trong khi mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng của ông Trump vẫn còn mờ mịt ở phía trước. Những con số kém lạc quan hơn phần nào giúp giải thích tại sao.

Điểm hạn chế: Chậm triển khai

Trừ lời cam kết về việc nới lỏng các quy định, mọi kế hoạch khác đều được triển khai rất chậm chạp. Nhiều khả năng nội các của ông Trump sẽ không thể đưa ra kế hoạch cải cách thuế vào tháng 8 đúng như deadline đề ra ban đầu. Và kế hoạch về cơ sở hạ tầng thì chưa được hoàn thiện. Đồng thời chính vì thiếu kế hoạch rõ ràng, ông sẽ khó có thể hối thúc Quốc hội thông qua các kế hoạch của mình.

Và cũng cần phải nói rằng cải cách cả 1 hệ thống thuế phức tạp vẫn được giữ nguyên kể từ giữa những năm 1980 đến nay không phải là điều dễ dàng. Những biện pháp cải cách quan trọng để ủng hộ tăng trưởng được nhiều chính trị gia của cả 2 đảng ủng hộ nhưng đã bị làm rối lên bởi kế hoạch cắt giảm thuế quá tham vọng.

Kế hoạch về cơ sở hạ tầng, trong đó có vai trò của hình thức đầu tư liên kết công tư (PPP) khó có thể được thông qua nếu như không có sự đồng lòng về các mục tiêu ngân sách, trong đó quan trọng nhất là vấn đề thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên và nợ công.

Nội các của ông Trump còn khiến tình hình khó khăn hơn bằng cách đưa ra kế hoạch y tế (thậm chí còn phức tạp và gây tranh cãi nhiều hơn) trước Quốc hội đầu tiên, trước cả những vấn đề kinh tế quan trọng. Bên cạnh đó là bối cảnh chính trường Mỹ đang dậy sóng với bê bối liên quan đến Nga và nền kinh tế đối mặt với nguy cơ kết thúc 1 năm không thể thông qua luật chủ chốt về kinh tế.

Bộ ba chính sách cải cách thuế, giảm thiểu luật lệ và cơ sở hạ tầng chỉ là những nền móng ban đầu cho 1 nỗ lực phức tạp mà chính quyền Tổng thống Trump cần phải thực hiện để tạo ra tốc độ tăng trưởng lớn hơn và bền vững hơn. Bộ ba này cần phải được hỗ trợ bởi những nỗ lực khác nhằm nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng lao động.

Nguy cơ xáo trộn kinh tế toàn cầu

Kinh tế Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản khởi sắc trong thời gian gần đây tạo ra bối cảnh tích cực cho kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, điều đó có bền vững hay không vẫn là 1 dấu hỏi. Và hội nghị thượng đỉnh G20 vừa diễn ra ở Đức cho thấy sự hợp tác giữa các nước lớn hiện nay quá yếu ớt, không đủ để giải quyết những danh sách những vấn đề chung đang ngày càng dài ra.

Các vấn đề này xuất phát 1 phần từ việc vị thế, uy tín và vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới bị xói mòn (đây cũng là luận điểm mà CEO của ngân hàng JPMorgan Jamie Dimon đã chỉ ra trong cuộc hội thảo thứ 6 tuần trước). Tình trạng hiện nay càng kéo dài, áp lực phân mảnh càng đè nặng lên kinh tế toàn cầu, trong đó có nguy cơ trật tự kinh tế thế giới bị xáo trộn.

Tất nhiên, 6 tháng là quãng thời gian quá ngắn để có thể đánh giá xác đáng về thành tích kinh tế của 1 Chính phủ. Tuy nhiên, chừng đó vẫn đủ để chúng ta dự đoán về tiềm năng của nền kinh tế cũng như thách thức đang chờ đón ở phía trước. Nếu Quốc hội Mỹ và nội các của ông Trump không thể hoàn thành đúng hạn những cam kết về cải cách thuế và cơ sở hạ tầng, kế hoạch vĩ đại “Make America Great Again” khó có thể trở thành hiện thực.

Thu Hương

Financial Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên