Chạy bộ rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng luyện tập đúng cách: Bác sĩ Cơ-Xương-Khớp chỉ ra điều quan trọng nhất để đạt hiệu quả cao, hạn chế chấn thương
Chạy bộ là một bộ môn thể dục đơn giản, chi phí rẻ mà ai cũng có thể tham gia hàng ngày. Chạy bộ thường xuyên sẽ giúp bạn có những cải thiện tích cực về sức khỏe cả thể chất và tinh thần.
- 22-10-2020Ung thư vú đang ngày càng trẻ hoá: Bác sĩ chuyên khoa khẳng định có thể chữa khỏi hoàn toàn, không tái phát nếu làm được 1 việc này
- 22-10-2020Bỏ phố về quê, lựa chọn cuộc sống đơn giản, cô gái trẻ hạnh phúc với quan điểm "không phải chạy theo phong trào, mà thay đổi để được làm điều mình muốn"
- 21-10-2020Ở tuổi nào chúng ta ít hạnh phúc nhất: Khoa học tìm ra "đỉnh điểm" của nỗi buồn thường rơi vào lứa tuổi chênh vênh này
Thời điểm tốt nhất để chạy bộ là 4-6 giờ chiều
Gần đây, phong trào chạy bộ đang được rất nhiều người hưởng ứng tham gia. Theo bác sĩ Nguyễn Hiền, Khoa Cơ - Xương - Khớp, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi người, dù trẻ hay già, khỏe mạnh hay có bệnh đều nên duy trì tập luyện thể thao hàng ngày một cách hợp lý. Cho dù ở độ tuổi nào, chạy bộ đều có lợi cho sức khỏe thể chất, tinh thần.
Để chạy bộ được hiệu quả, bác sĩ Hiền đưa ra lời khuyên mọi người cần lưu ý: "Thời gian chạy bộ tốt nhất phụ thuộc và từng cá nhân, theo sức khỏe, công việc của mỗi người. Điều quan trọng nhất khi chạy bộ là phải duy trì sự đều đặn. Nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng, thời gian hợp lý nhất để luyện tập chạy bộ vào buổi chiều từ 4 - 6 giờ. Bởi các kết quả nghiên cứu cho thấy, đây là thời gian con người tỉnh táo và nhanh nhẹn nhất, cơ bắp có sức khỏe tốt nhất trong một ngày, vì thế khi luyện tập sẽ ít bị tổn thương hơn".
Bác sĩ Hiền cho biết, nhiều người nghĩ rằng, buổi sáng là thời điểm tốt nhất để chạy bộ nhưng thực ra đó là vì người ta dễ dàng sắp xếp thời gian để duy trì chạy bộ đều đặn vào buổi sáng hơn các thời điểm khác trong ngày. Tuy nhiên, sau giấc ngủ ban đêm, sức mạnh của cơ bắp có thể chưa sẵn sàng để vận động mạnh, nếu không khởi động kỹ càng trước khi tập, bạn rất dễ gặp chấn thương, nhất là đối với những người cao tuổi. Và luyện tập vào buổi chiều sau một ngày làm việc vất vả là thời điểm thích hợp cho cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, giải tỏa căng thẳng và đây cũng là thời điểm cơ bắp hoạt động được tốt nhất.
Chạy bộ đều đặn, ngay cả khi thời tiết xấu, giúp tăng cường sức bền của cơ thể
Nhiều người đặt ra mục tiêu chạy bộ liên tục, ngay cả khi trời mưa, giá rét để rèn sức chịu đựng. Quan niệm đó không hề sai. Các nghiên cứu cho thấy, sự luyện tập đều đặn, liên tục 45 phút - 60 phút mỗi ngày đem lại hiệu quả cao nhất cho sức khỏe.
Bác sĩ Hiền cũng chỉ ra, luyện tập chạy bộ thường xuyên ở điều kiện thời tiết rét lạnh, mưa gió cũng có thể giúp cơ thể tăng sức chịu đựng, dẻo dai. Tuy nhiên, khi chạy bộ dưới thời tiết xấu, người chạy bộ cần lựa chọn dụng cụ luyện tập phù hợp như quần áo đủ ấm, cản gió, giày đúng kỹ thuật, không ngấm nước, đội mũ, găng tay... và đặc biệt cần chuẩn bị nước ấm để bổ sung nước kịp thời cho cơ thể. Bác sĩ cũng lưu ý, khi luyện tập dưới trời mưa, nhiều sương mù bạn nên lựa chọn trang phục có màu sắc bắt mắt, dễ nhận biết để tránh các tai nạn giao thông có thể xảy ra.
Mặc dù duy trì luyện tập đều đặn là rất cần thiết, nhưng bạn cần lưu ý không nên cố gắng chạy trong điều kiện thời tiết quá xấu hoặc khi cơ thể có những dấu hiệu sức khỏe bất thường như mệt mỏi, đau xương, khớp, tức ngực, khó thở... Đặc biệt, những người đã có bệnh lý nền về tim mạch, xương khớp... nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa trước khi bắt đầu luyện tập.
Chạy bộ là môn thể thao đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và có thể dễ dàng thực hiện thường xuyên mỗi ngày. Bác sĩ Hiền khuyên mọi người nên có sự chuẩn bị chu đáo về trang phục, giày chạy đúng quy cách, êm ái và phù hợp với kích cỡ chân... Đặc biệt, trước khi chạy bộ, bạn nên khởi động kỹ càng, tăng dần cường độ chạy tùy theo thể chất để cơ thể có thể thích ứng dần dần.
Chạy bộ là môn thể thao giúp cải thiện hệ thống tim mạch, giữ gìn vóc dáng cân đối. Tuy nhiên, đối với từng lứa tuổi, mọi người cần lắng nghe cơ thể để. Nhất là đối với người cao tuổi, cơ thể, sức chịu đựng không bằng người trẻ, để đạt kết quả tốt, họ cần lắng nghe cơ thể, có kế hoạch tập luyện, chú ý dinh dưỡng.
"Và quan trọng hơn nữa, là hãy duy trì sự luyện tập đều đặn hàng ngày", bác sĩ Hiền nhấn mạnh.