MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cháy chung cư Carina: Bố giải cứu con trai ngoạn mục qua điện thoại

23-03-2018 - 16:53 PM | Sống

Gọi hơn chục cuộc điện thoại trong suốt hơn 2 tiếng con mắc kẹt trên tầng 11 chung cư bị cháy, anh Khoa đã giúp con trai thoát khỏi vụ cháy kinh hoàng ở chung cư Carina.

Vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại chung cư Carina Plaza đã khiến 13 người chết, 28 người bị thương, 13 ô tô để tầng hầm bị cháy trong đó có 5 xe bị cháy rụi. Xe máy bị cháy 150 chiếc... Đêm tối và sự hoảng loạn của các cư dân đã tiếp tay cho tử thần... Nhưng lực lượng cứu hỏa đã cứu được rất nhiều người thoát khỏi vụ cháy kinh hoàng.

Trong số những người thoát nạn, có con trai út anh Tam Khoa, Trần Thanh Tùng, 22 tuổi. Khi đám cháy xảy ra, Tùng hoảng loạn và bối rối không biết xử trí ra sao. Nhờ sự trợ giúp của bố qua điện thoại, Tùng đã lấy lại bình tĩnh, từng bước làm theo hướng dẫn để giữ an toàn cho bản thân đến khi lực lượng cứu hỏa tới hỗ trợ.

Trong chương trình Chuyển động 24h trưa ngày 23/3, anh Trần Tam Khoa và con trai đã tái hiện lại tình huống "cứu trợ thoát hiểm qua điện thoại" kỳ diệu giữa đêm.

Cháy chung cư Carina: Bố giải cứu con trai ngoạn mục qua điện thoại - Ảnh 1.

Anh Khoa và con trai tái hiện lại cuộc điện thoại cứu trợ giữa đêm. Ảnh chụp màn hình.

Hai vợ chồng anh Khoa sống ở Hà Nội, còn hai cậu con trai, 22 và 24 tuổi đang sống và học tập ở TP.HCM. Khoảng một rưỡi sáng hôm nay, Tùng hốt hoảng gọi cho bố thông báo chung cư đang bị cháy. Anh trai hiện không có nhà, cậu sinh viên rất hoảng loạn vì không biết phải bắt đầu từ đâu để tự cứu mình khi đang ở trên tầng 11.

Rất lo lắng khi nghe con thông báo, việc đầu tiên anh Khoa làm là giúp con lấy lại bình tĩnh. Qua điện thoại, anh hướng dẫn con trai đánh giá tình hình để tìm cách thoát hiểm, nếu có thể hãy chạy nhanh xuống thang bộ. Nhưng đám cháy quá lớn, nhiều khói khiến Tùng không thể thoát ra ngoài.

Nhận định rằng trong vụ hỏa hoạn, đôi khi khói độc còn nguy hiểm hơn lửa, anh Khoa hướng dẫn con trai cố thủ trong phòng. Được bố hướng dẫn, Tùng lấy khăn, nhúng nước, rồi bịt vào mũi để không hít phải khí độc, dùng chăn màn nhúng nước, bịt các khe cửa, ngăn khói xâm nhập vào phòng.

"Khi nghe con nói cầu thang khói quá không chạy được, lúc đó đèn khu chung cư cũng mất không nhìn thấy gì, tôi nói con hãy chạy ngay vào nhà, khóa cửa vào. Sau đó, dùng khăn, giẻ nhúng nước, nhét vào các kẽ cửa cho khói không vào được, rồi chạy ra ban công, đóng chặt cửa. Đó là nơi thoáng nhất, đỡ hít phải nhiều khí độc. May mắn là cửa ngoài ban công khá kín nên khói khó lọt qua", anh Khoa kể lại.

Từ xa, ông bố 51 tuổi cẩn thận dặn con phải luôn cầm điện thoại, bật đèn pin để ra hiệu cho lực lượng cứu hộ. Trong đêm, anh liên tục gọi cho con trai và các người thân quen ở Sài Gòn để đến tận nơi xem xét tình hình. Cậu con trai cả cũng đã về nhà ngay lập tức khi nghe tin, đứng ở dưới chờ ứng cứu em trai.

Dù đã thoát hiểm, nhưng cho đến giờ anh Khoa và con trai vẫn chưa thể quên những khoảnh khắc nguy cấp trong vụ cháy đêm qua. Anh đã vận dụng toàn bộ kiến thức về phòng cháy chữa cháy để hướng dẫn con trai thoát khỏi vụ hoảng hoạn. Sau 2 giờ cố thủ trong phòng, cuối cùng Tùng đã thoát khỏi đám cháy với sự ứng cứu của xe thang của lực lượng Phòng cháy chữa cháy.

Đến giờ, khi liên lạc qua điện thoại với bố, Tùng vẫn chưa thể quên được tình hình nguy cấp khi đối mặt với đám cháy đêm qua. Trong lúc đám cháy xảy ra, anh Khoa vẫn đang ở Yên Bái. Vì quá lo lắng nên anh và lái xe đã về Hà Nội ngay trong đêm, để có thể bay luôn vào TP HCM nếu có xảy ra chuyện gì.

Có thể nói, tình huống giúp con thoát nạn qua điện thoại của bố con anh Khoa thực sự hy hữu. Trong những tình huống nguy hiểm như vụ hỏa hoạn đêm qua, sự bình tĩnh và những kỹ năng mà chúng ta tưởng chừng như chẳng bao giờ sử dụng mới thực sự phát huy tác dụng.

Khi xây dựng tòa nhà, việc đảm bảo hệ thống báo động, chữa cháy và thoát hiểm là việc của nhà đầu tư và ban quản lý. Tuy nhiên, trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho cuộc sống của mình thuộc về người dân. Chúng ta không thể phó mặc số phận cho mình cho bất kỳ ai. Trong bất kỳ tình huống nào, sự chuẩn bị của mỗi cá nhân đều rất quan trọng. Trang bị cho mình những kỹ năng sống không bao giờ là thừa. Khi tình huống nguy cấp xảy ra, sự bình tĩnh và những kỹ năng được trang bị từ trước sẽ giúp bạn tự cứu mình khỏi nguy hiểm.

Minh An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên