MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chen chân vào chuỗi Samsung: Cần biết mình đứng ở đâu

Không phải là doanh nghiệp Việt Nam không thể chen chân được vào chuỗi cung ứng của Samsung, mà vấn đề là doanh nghiệp cần xác định trình độ của mình đến đâu để lựa chọn kết nối cho phù hợp.

GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài đã đưa ra quan điểm như vậy khi trao đổi với chúng tôi về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và kết nối chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Từng có kinh nghiệm làm việc với Samsung kể từ khi Tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam vào năm 2007, GS. Mại cho biết nhà máy sản xuất của Samsung là máy tính bảng và smartphone tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đi vào vận hành có quy mô ngày càng lớn.

Riêng 8 tháng đầu năm nay, Samsung đã xuất khẩu khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên câu chuyện tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa luôn được Tập đoàn này đặt ra.

"Từ năm 2007 đến nay, Samsung đã có cố gắng và muốn đưa các DN Việt Nam vào chuỗi cung ứng. Họ nói không dại gì lại không tổ chức kết nối với DN Việt Nam vì có lợi là chi phí thấp, đơn đặt hàng cần nhiều và nhanh thì nhà cung ứng nội địa sẽ lập tức có ngay mà không phải nhập khẩu. Thế nhưng, họ không thể nào tìm được nhà cung cấp" – ông Mại nói.

Tuy nhiên, câu chuyện kết nối chuỗi cung ứng phụ trợ cho Samsung không phải chỉ dừng lại ở nhà máy sản xuất điện thoại tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Một thông tin mới nhất được GS. Mại đưa ra đó là, trong năm 2015 Samsung đã xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng như ti vi, tủ lạnh… có quy mô 2 tỷ USD.

Hai tháng nữa nhà máy này sẽ đi vào vận hành và cho đến thời điểm này, Samsung công bố đã có tới 192 DN Việt Nam trở thành nhà cung ứng về công nghiệp hỗ trợ cho Samsung.

"Điều đó nói lên rằng, không phải DN FDI không tìm được DN công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, mà chính là các DN Việt Nam hiện nay ở trình độ công nghiệp vừa phải và chỉ có thể đáp ứng công nghệ như ti vi, tủ lạnh, là những lĩnh vực không có quá nhiều thay đổi công nghệ nhanh chóng như smartphone và chi phí vốn đầu tư cũng không nhiều lắm" – ông Mại bình luận.

Theo GS. Mại, không có công nghiệp hỗ trợ chung cho tất cả các ngành, mà chỉ có ở từng ngành, vấn đề là Việt Nam sẽ chọn cái gì để làm và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhìn từ câu chuyện Samsung trên là một ví dụ, cũng như quá trình liên kết hợp tác của DN Việt Nam với không ít tập đoàn Nhật Bản khác như Honda… cho thấy Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng đối với những lĩnh vực này.

Đại diện của Mitsubishi dẫn chứng, một nhà máy của Việt Nam là công ty con của Tập đoàn, đã hoàn toàn có thể xuất khẩu sản phẩm cánh máy bay cho Tập đoàn Boeing. Để sản xuất sản phẩm này, cần tới 7.000 linh kiện nhỏ nhưng hiện nay, đa phần đều phải nhập khẩu do không có nhà cung cấp phụ trợ phù hợp.

Theo đó, GS. Mại cho rằng không thể nào đi quá nhanh về công nghiệp hỗ trợ. Điển hình như quá trình hợp tác với Honda, sau một thời gian dài thì hiện cũng đã có tới 80 – 90% nhà cung cấp và đã có sản phẩm xe máy Made in Việt Nam. Vấn đề là cần tập trung ngành công nghiệp hỗ trợ nào thích ứng với DN Việt Nam để lựa chọn hỗ trợ phù hợp.

Đánh giá về năng lực của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem) cho biết hiện nay các DNNVV là đối tượng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sự yếu kém về năng lực công nghệ của DNNVV, tỷ trọng các DN tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ cũng rất là nhỏ.

Đã có nhiều trung tâm hỗ trợ DNNVV ra đời, và cũng có không ít chính sách hỗ trợ, nhưng bà Tuệ Anh nhìn nhận hiệu quả hỗ trợ của các trung tâm là khá thấp. Những chính sách hiện chưa đáp ứng nhu cầu của DN, đơn cử như DN cần hỗ trợ về chuẩn kỹ thuật nhưng thiếu nguồn lực liên quan, nên khó nâng cao được năng lực, khó tham gia vào chuỗi cung ứng.

Đồng quan điểm, GS. Mại cũng cho rằng DNNVV mất quá nhiều thời gian, lãng phí để đi tìm nguồn tiếp cận hỗ trợ ở các trung tâm. Do đó, vị chuyên gia này đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chính phủ cần tổ chức lại các trung tâm, không thể làm đại trà hơn cho hơn 600 trung tâm như hiện nay mà phải hoạt động có trọng điểm. Cụ thể, hiện ở Hà Nội và TPHCM số lượng DNNVV chiếm tới trên 60% cả nước, nên cần xây dựng mô hình và làm thí điểm tại đây, thì sẽ rất có hiệu quả.

Đại diện đến từ Trung tâm hỗ trợ DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng vấn đề là phải có cơ quan đầu mối, làm thí điểm ở nơi nào đó, đánh giá và làm tiếp chứ không nên lập ra các trung tâm dàn trải.

"Chúng tôi thiếu con người, nguồn lực có hạn nên để DN nhận được hỗ trợ từ trung tâm như thế này rất khó. Do đó, bên cạnh việc Chính phủ sẽ hỗ trợ lương và chi phí vận hành, DN với nhà nước cùng làm dự án thì các hợp tác quốc tế cần tập trung chuyển giao công nghệ, thiết bị hiện đại" – đại diện này đề xuất.

Theo đề xuất của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Việt Nam cần xây dựng mô hình trung tâm công nghệ cấp địa phương quản lý, điều hành, vận hành. Theo đó, các DN có thể liên kết sản xuất giữa cơ quan quản lý với DN của mình, cũng như với các tổ chức nghiên cứu và triển khai, phối hợp viện trường để cùng nghiên cứu, từ đó huy động nguồn lực để hỗ trợ.

"Sự kết hợp và liên kết giữa các DN hiện nay cần được phát huy. DN có thế mạnh và đặc trưng riêng, cần liên kết DN nước ngoài, học tập những DN từng làm việc với những tập đoàn nước ngoài để nâng cao năng lực, tạo thành mạng lưới và có chính sách toàn diện" – chuyên gia Nhật Bản khuyến nghị.

Theo C. An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên