Chỉ 30 – 40% doanh nghiệp thủy sản có đủ năng lực để phục hồi sản xuất sau giãn cách
Tính tới cuối tháng 8/2021, có tới 40 - 50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy.
Ngành thủy sản, lâm sản đang rơi vào tình trạng báo động bởi đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước. Doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ mất khách hàng nếu không sớm khôi phục sản xuất…
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cho biết giữa tháng 7, các tỉnh Nam bộ có 449 nhà máy chế biến thủy sản hoạt động, nhưng đến đầu tháng 9 đã có 176/449 nhà máy ngừng sản xuất, do không đáp ứng được gánh nặng chi phí duy trì “3 tại chỗ”. Trong đó, 31 nhà máy buộc phải dừng hoạt động do có công nhân nhiễm Covid-19. Các nhà máy đang hoạt động cũng chỉ đạt công suất 30 - 40%. Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh vào nửa cuối tháng 7 và trong tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh nghiệp lo đứt gãy chuỗi cung ứng
Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, do giãn cách xã hội kéo dài, chuỗi cung ứng tôm của công ty gần như bị đứt gãy. Trong bối cảnh khu vực châu Âu, Mỹ… đã khôi phục hoạt động nên nhu cầu về thủy sản rất nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể đáp ứng được do thiếu lao động, chưa kể đơn hàng tồn nợ còn rất nhiều.
Các tỉnh Nam bộ có 449 nhà máy chế biến thủy sản hoạt động, nhưng đến đầu tháng 9 đã có 176/449 nhà máy ngừng sản xuất, do không đáp ứng được gánh nặng chi phí duy trì “3 tại chỗ”.
Đáng chú ý, theo ông Quang, hiện ngành tôm đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Vừa qua, người dân nuôi trồng nhưng đến lúc thu hoạch không có đầu ra, giá giảm mạnh nên không dám xuống giống đợt mới.
“Chúng tôi lo từ nay đến cuối năm không có nguyên liệu để trả các đơn hàng cho các đối tác. Trong khi, khách hàng khóc lóc, năn nỉ công ty làm sao giao hàng cho họ sớm. Chúng tôi đề nghị các địa phương khuyến khích, vận động người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để cuối tháng 11, tháng 12 có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu", ông Quang chia sẻ.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, ngành cá tra cũng đang gặp áp lực rất lớn. Hàng nghìn tấn cá tra quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ nhưng công nhân thu hoạch cá tra dù đảm bảo điều kiện phòng chống dịch, khi vào địa phương vẫn bị bắt buộc phải cách ly 14 ngày, dẫn tới đứt gãy cả chuỗi sản xuất.
“Vô lý nhất là việc công nhân ra đường để đi xét nghiệm COVID-19. Sau khi giãn cách, hầu hết công nhân trở về nhà, nay doanh nghiệp muốn huy động để đi thu hoạch cá thì phải có giấy xét nghiệm COVID-19, nhưng khi ra đường đi xét nghiệm cũng bị các lực lượng ở dưới địa phương ngăn cản”, bà Khanh nói.
Ngoài ra, theo bà Khanh quy định về thời gian, tần suất xét nghiệm COVID-19 giữa các tỉnh cũng có sự khác nhau, dẫn đến xảy ra hiện tượng công nhân vừa xét nghiệm ở tỉnh này nhưng sang tỉnh khác bị yêu cầu xét nghiệm lại, hoặc không chấp nhận giấy xét nghiệm đó.
“Nếu tình hình này còn tiếp diễn, ngành cá tra sẽ còn bị ảnh hưởng đến cả năm 2022. Hiện, chúng tôi vẫn may mắn duy trì 50% công suất, nhưng để khôi phục lại 100% như trước, công ty còn chưa biết đến giờ”, bà Khanh cho hay.
Bên cạnh việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp thủy sản còn đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi nguyên nhân khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu. Lý do là bởi công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, đang điều trị Covid-19… hay việc vận hành “3 tại chỗ” thời gian dài cũng khiến người lao động mệt mỏi.
Cần "phao" cứu trợ
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong hơn 1 tháng vừa qua, chỉ có 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại phía Nam tổ chức sản xuất, nhưng cũng chỉ huy động được 40-50% người lao động, nên công suất sản xuất trung bình chỉ bằng 40-50% so với trước đây.
Sự bùng phát của Covid-19 đã làm giảm 30 - 50% đơn hàng xuất khẩu. VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD. Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vắc-xin, các công ty trở lại sản xuất, thì xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt 8,5-8,6 tỷ USD.
Khảo sát lần này của VASEP cũng chỉ ra những ảnh hưởng của dịch bệnh đến nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Nguồn nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn và quyết định giá thành sản phẩm, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, quy định giãn cách nên doanh nghiệp thủy sản không thể huy động được nguồn nguyên liệu, nguyên liệu bị ùn ứ nên giá nhiều mặt hàng thủy sản đã giảm mạnh, người dân không tiếp tục thả nuôi… Dự báo, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng sẽ thiếu từ 20 - 30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10 - 20% trong những tháng cuối năm.
Tính tới cuối tháng 8/2021, có tới 40 - 50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu đã tỏ thái độ quan ngại cho rằng, trước mắt vẫn giữ đơn hàng nhưng có thể cân nhắc tới việc tìm nguồn cung thay thế.
Trước tình hình trên, đại diện VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ có một nghị quyết riêng cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông-thủy sản trong bối cảnh mới.
Trong đó, VASEP đề nghị các địa phương hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho lao động của chuỗi sản xuất thủy sản; xem xét cho đối tượng này được tham gia hoạt động sản xuất.
Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ, nhà nước cần hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất tương thích với năng lực của nhà máy theo quy định giãn cách của Bộ Y tế, không khống chế số lao động được tham gia.
VASEP kiến nghị các địa phương cho phép các doanh nghiệp ngừng sản xuất thời gian qua được khôi phục sản xuất bắt đầu bằng phương án sản xuất “3 tại chỗ” mới hoặc phương án phù hợp với quản lý của doanh nghiệp về phòng chống dịch dưới sự giám sát của y tế địa phương.
Diễn đàn doanh nghiệp