MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiếm tới 85% thị phần trong nước, Vinasoy tính tìm động lực tăng trưởng mới từ thị trường Trung Quốc

12-12-2019 - 07:49 AM | Doanh nghiệp

Sang tháng 10, Vinasoy tiếp tục đà tăng trưởng 11% sản lượng, cao hơn so với mức tăng trưởng đương đương ngành là 8,6%. Do đó, Vinasoy giữ thị phần trên 85%. Trong bối cảnh trên, ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi (QNS) tỏ ra khá tự tin với mảng sữa đậu nành thời gian tới.

Sau thời gian liên tục sụt giảm kéo lùi lợi nhuận toàn Công ty, mảng sữa đậu nành Vinasoy của Đường Quảng Ngãi (QNS) phát đi tín hiệu tốt thời gian gần đây. Theo doanh nghiệp, kết quả trên có được nhờ việc tiết giảm đáng kể chi phí đầu vào.

Mảng sữa tăng trưởng sau thời gian sụt giảm

Luỹ kế 9 tháng, mảng kinh doanh sữa đậu nành QNS ghi nhận tăng trưởng 15% doanh thu và 24% lợi nhuận trước thuế. Trong khi tăng trưởng doanh thu sát với kế hoạch của ban lãnh đạo năm 2019 (tăng 13% sản lượng và 2% giá bán trung bình do thay đổi cơ cấu danh mục sản phẩm), tỷ suất lợi nhuận gộp tăng 300 bps do giá nguyên liệu thô thấp (đậu tương, đường), cũng như giá bán tăng, Chứng khoán SSI ghi nhận tại báo cáo mới đây.

Sang tháng 10, Vinasoy tiếp tục đà tăng trưởng 11% sản lượng, cao hơn so với mức tăng trưởng đương đương ngành là 8,6%. Do đó, Vinasoy giữ thị phần trên 85%. Trong bối cảnh trên, ban lãnh đạo tỏ ra khá tự tin với mảng sữa đậu nành thời gian tới, cơ sở hỗ trợ bao gồm:

+ Thứ nhất toàn ngành có 2 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ sữa đậu nành dài hạn: xu hướng tiêu thụ sữa hạt tăng và thay đổi thói quen sử dụng sữa đậu nành không có nhãn hiệu sang loại có thương hiệu. Mặc dù chiếm thị phần vượt trội, Vinasoy cũng có vị thế tốt để hưởng lợi từ việc này, giới phân tích cho hay.

+ Thứ hai về phía doanh nghiệp, trong năm 2020 Vinasoy cho biết sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, nơi Công ty đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại gần đây và công ty đã chuẩn bị 5 SKU riêng cho thị trường Trung Quốc.

Vinasoy vừa có tín hiệu tốt trở lại, ban lãnh đạo tự tin dốc sức: Tăng hơn 3 lần SKU trong năm 2020, chuẩn bị 5 SKU để thâm nhập thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Một điểm đáng chú ý, từng bị nhận xét ít ý tưởng trong kinh doanh, cũng như việc chậm triển khai các dự án mới từng kéo lùi tăng trưởng giai đoạn từ đầu năm 2019 về trước, Vinasoy đang cho thấy sự cải thiện trong vấn đề này. Năm 2020, Vinasoy lên kế hoạch ra mắt khoảng 15 SKU với nhiều lựa chọn khác nhau như bổ sung thêm các loại hạt khác nhau và đa dạng hơn về mẫu mã (so với 4 SKU trong năm 2019) để phục vụ nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng.

Song song, ban lãnh đạo cũng chia sẻ đã chốt giá đậu tương cho hoạt động sản xuất năm 2020 (đối với đậu tương không biết đổi gen, các đơn đặt hàng được chốt trước 9-12 tháng để các nhà cung cấp có thời gian trồng đậu tương). Hiện, khoảng 70% nguồn cung đậu tương của QNS vẫn phải nhập khẩu.

Mảng đường vẫn còn gây thất vọng, đợi chờ cuộc chơi mới 2020

Mặc dù mảng sữa đảo chiều tăng trưởng trở lại, mảng đường của QNS vẫn gây nhiều thất vọng. Chi tiết, doanh thu đường Công ty giảm gần 28% trong 9 tháng đầu năm do sản lượng đường giảm. Theo ban lãnh đạo, sản lượng sản xuất năm 2018/2019 chỉ đạt 140 nghìn tấn, giảm 33% do năng suất mía thấp, cũng như diện tích trồng mía giảm.

Luỹ kế 9 tháng, tổng sản lượng tiêu thụ đường đạt 120 nghìn tấn, giảm 25%. Trong khi đó giá đường trung bình giảm 3% dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp mảng đường giảm xuống chỉ còn 6% so với mức 11,5% (9 tháng đầu năm ngoái).

Kết quả, mảng đường chỉ ghi nhận 19 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với 136 tỷ đồng thu về cùng kỳ năm 2018. Mặc dù vậy, QNS sớm chuẩn bị cho thay đổi chính sách và từ năm 2020 công suất của Công ty sẽ tăng lên đáng kể nhờ đầu tư vào dây chuyền luyện đường RE.

Chi tiết, ngành mía đường Việt Nam dự báo sẽ trải qua những thay đổi lớn từ năm 2020, khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực. Trước ATIGA, hạn ngạch nhập khẩu chỉ ở mức 90 nghìn tấn/năm (trong vụ mùa 2018/2019) với 5% thuế suất, trong khi thuế suất ngoài hạn ngạch rất cao ở mức 80-85%. Từ 1/1/2020, hạn ngạch sẽ được gỡ bỏ đối với đường (cả đường tinh luyện và đường thô) từ các nước ASEAN với mức thuế suất là 5%. Điều này sẽ gây ra nguy cơ lớn đối với ngành mía đường trong nước, đặc biệt do đường Việt Nam thiếu khả năng cạnh tranh do chi phí sản xuất cao. Phía Chính phủ cũng có động thái nào bảo vệ các công ty đường trong nước, đơn cử quy định muốn nhập khẩu thì phải xin giấy phép, hoặc tăng thuế nhập khẩu… Điều đó có nghĩa là Việt Nam chỉ chỉ nhập khẩu khi đường khi sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, ưu ái QNS và các công ty nội địa.

Cùng với đó, theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, nguồn cung đường trong năm 2020 sẽ vào khoảng 1 triệu tấn - giảm đến 20% do diện tích nuôi trồng giảm, trong khi tổng nhu cầu ước tính đạt khoảng 1,5-1,6 triệu tấn. Nguồn cung thiếu hụt còn lại sẽ được nhập khẩu (chủ yếu từ Thái Lan), hoặc các nhà máy trong nước (có dây chuyền tinh luyện riêng) sẽ nhập khẩu đường thô để sản xuất.

Đây là cơ hội cho QNS, chưa kể công suất lớn đồng nghĩa với việc QNS sẽ có lợi thế về giá thành so với các nhà máy nhỏ, SSI cho biết. Tổng cộng, công suất của QNS có thể đạt 500-600 nghìn tấn đường mỗi năm, chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu đường trong nước.

Vinasoy vừa có tín hiệu tốt trở lại, ban lãnh đạo tự tin dốc sức: Tăng hơn 3 lần SKU trong năm 2020, chuẩn bị 5 SKU để thâm nhập thị trường Trung Quốc - Ảnh 2.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên