Chiến tướng VINFAST giải thích cách làm ô tô thương hiệu Việt
Chiến tướng VINFAST giải thích cách làm ô tô thương hiệu Việt
Trong buổi hội thảo mới đây được tổ chức ở TP. HCM, ông Huệ nhận xét về công nghiệp ô tô Việt Nam rằng tỷ lệ nội địa hoá còn thấp và công nghiệp phụ trợ chưa phát triển tương xứng với quy mô. Nguyên nhân mà ông đưa ra là ngành ô tô trong nước mới chỉ dừng ở việc lắp ráp với sản lượng nhỏ cho từng dòng xe.
"Việc sản xuất ra một chiếc ô tô mới cho thấy dự án ở giai đoạn trung nguồn. Còn nếu sản xuất ra từng chi tiết với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao mới là đi lên thượng nguồn", vị lãnh đạo của Vingroup từng làm CEO của hãng phụ kiện đình đám Bosch tại Việt Nam nhấn mạnh.
Chính điều đó đang khiến ông và bản thân VINFAST xác định tầm quan trọng của việc có được một mạng lưới công nghiệp phụ trợ, với mục đích trên hết là tăng tối đa tỷ lệ nội địa hoá. Mục tiêu dài hạn của VINFAST là đạt tỷ lệ nội địa hoá 60% với ô tô và 100% với xe máy điện.
VINFAST đặt ra 3 hướng để gây dựng mạng lưới đầy tham vọng này.
Đầu tiên là phát triển song song 3 lĩnh vực: nghiên cứu, phát triển và đào tạo; sản xuất ô tô; phát triển khu công nghiệp phụ trợ ngay chính trong khu công nghiệp của VINFAST. Đây là tiền đề để chính các nhà sản xuất linh kiện trong nước có thể tự cho ra đời các sản phẩm của riêng mình và làm chủ công nghệ. Họ được VINFAST chào đón xây dựng nhà máy trong chính tổ hợp ở Hải Phòng.
Thứ hai, VINFAST đang có riêng một bộ phận có tên gọi "Nội địa hoá" để đàm phán với các công ty nước ngoài dưới nhiều hình thức: hoặc liên doanh với tỷ lệ góp vốn linh động; hoặc một bên cung cấp công nghệ, một bên cung cấp mặt bằng; hoặc một bên đầu tư vốn một bên đầu tư mặt bằng. Hướng đi này sẽ chiếm khoảng 30% diện tích ở khu tổ hợp mà Vingroup đang đầu tư ở Hải Phòng.
Cuối cùng, theo chia sẻ của ông Huệ, các nhà máy sản xuất linh kiện của VINFAST sẽ thực hiện dập và hàn hàng ngàn chi tiết thân vỏ xe, sản xuất lắp ráp trục truyền động, thanh giằng, giảm chấn… Đến nay, bên cạnh 5 xưởng chính, số nhà máy sản xuất linh kiện đã được Vingroup phê duyệt lên tới con số 8. Trong đó có 2 nhà máy liên doanh, 2 nhà máy 100% vốn của tập đoàn.
Tuy không phải lá cờ đầu trong ngành ô tô nước nhà, VINFAST lại nắm tham vọng lớn, mang tầm cỡ quốc tế, khi bắt đầu gây dựng một thương hiệu xe Việt Nam. Vingroup mạnh tay đầu tư cho dự án VINFAST với nhà máy rộng 335 ha tại Hải Phòng. Tổng vốn có thể lên tới 3,5 tỷ USD.
Trước mắt, VINFAST vẫn đang đàm phán với một số đối tác đến từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Anh, Đài Loan… để tham gia vào khu công nghiệp phụ trợ. Hiện tại, thương hiệu xe Việt đang hợp tác sản xuất, học hỏi công nghệ từ các thương hiệu lớn trên thế giới như Bosch, Siemens, Magna Steyr, BMW, AVL hay cái tên mới đây là EDAG…
Chuỗi cung ứng linh kiện mà VINFAST hướng đến ngoài phục vụ lắp ráp xe trong nước còn tiến tới xuất khẩu đi nước ngoài. Những mẫu xe Việt đầu tiên chọn triển lãm ô tô quốc tế tại Paris (Pháp) làm nơi đặt chân, mang hình ảnh ô tô trong nước ra thế giới.
Bản phác thảo mẫu SUV của VINFAST sẽ ra mắt tại thị trường châu Âu trong năm nay.
Dẫu vậy, là doanh nghiệp mới bước chân vào ngành ô tô nói chung và lĩnh vực linh kiện, phụ tùng nói riêng, VINFAST sẽ phải đối mặt với sự thách thức lớn từ cả doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế. Kinh tế mở cửa, linh kiện ô tô nhập khẩu đang nhận được một số ưu đãi nhất định, mà mới đây nhất là thuế nhập khẩu linh kiện về 0% trong giai đoạn 2018-2022.
Hơn nữa, để cạnh tranh với những tên tuổi đã tuổi đời lâu năm trên thị trường toàn cầu, xe VINFAST cũng phải tạo nên dấu ấn cả về thiết kế lẫn chất lượng. Nội địa hoá để đạt tiêu chuẩn châu Âu cũng là một thách thức không hề nhỏ với thương hiệu ô tô Việt còn non trẻ.
Trí thức trẻ