MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ "tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu"

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo có xu hướng giảm dần theo các quý với tốc độ tăng trưởng của quý 1 cao nhất...

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại báo cáo về kinh tế - xã hội trong phiên họp sáng 14/5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý 1/2018 là hết sức tích cực, Chính phủ cũng nhấn mạnh đây mới là bước đầu, nhiệm vụ đến cuối năm còn hết sức nặng nề.

GDP có xu hướng giảm dần theo quý

Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo có xu hướng giảm dần theo các quý với tốc độ tăng trưởng của quý 1 cao nhất do mức nền tăng trưởng GDP năm 2017 đã ở mức cao.

Chính phủ phân tích, ngành khai khoáng có thể tiếp tục giảm do sản lượng khai thác giảm, đặc biệt là sản lượng dầu thô, dự kiến giảm 2 triệu tấn so với năm 2017. Kết hợp với dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có khả năng gặp khó khăn do đã trải qua đỉnh tăng trưởng của năm 2017. Thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng trong khối ASEAN giảm;...có khả năng tác động giảm tăng trưởng trong năm 2018.

Động lực tăng trưởng chủ yếu, có khả năng tạo bứt phá, là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế, Chính phủ nhìn nhận.

Lạm phát được dự báo chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp thực thi, như: tăng lương tối thiểu vùng (tăng 6,5% so với năm 2017), tăng giá điện bình quân (tăng 100 đồng/kWhtừ 1/12/2017), điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc quỹ bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế và việc tăng giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tác động trực tiếp làm tăng chỉ số giá trong năm 2018, Chính phủ đánh giá.

Vẫn trong mạch dự báo, xuất nhập khẩu được cho là có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực nhờ những cải thiện trong quan hệ hợp tác của Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

Tại báo cáo, Chính phủ cũng nêu nhiều thách thức của nền kinh tế trong năm nay.

Đó không chỉ là những vấn đề nội tại của nền kinh tế thời gian qua như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá...

Mà còn là lộ trình tăng lãi suất của FED năm 2018 cùng xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại một số nền kinh tế chủ chốt sẽ đẩy mặt bằng lãi suất thế giới trong trung và dài hạn lên cao, từ đó gây sức ép đối với điều hành tỷ giá và lãi suất trong nước.

Áp lực về lạm phát, do xu hướng tăng và biến động khó lường của giá hàng hóa cơ bản và giá dầu thế giới sẽ gây áp lực lên mặt bằng lạm phát toàn cầu cũng như kiểm soát lạm phát trong nước, dự kiến điều chỉnh giá khám chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế, dự kiến điều chỉnh chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, lương cơ sở cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh; điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục; giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá. Khó khăn còn ở áp lực về cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ở trong nước do thực hiện giảm thuế, dỡ bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết của các FTA.

Ngoài ra còn áp lực về xuất khẩu khi đối mặt với xu hướng bảo hộ thương mại ở một số nước tiếp tục gia tăng khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ. Thị trường lao động sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang và sẽ tác động.

Không tăng trưởng bằng cách mở rộng tín dụng

Nêu các giải pháp thời gian tới, Chính phủ cho rằng cần lưu tâm thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng hơn, không đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách mở rộng tín dụng, ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất, thay vì tạo áp lực bắt buộc giảm lãi suất đối với hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên phấn đấu giảm lãi suất ở phân khúc một số lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng hợp lý, quản lý chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho bất động sản, chứng khoán và kinh tế hộ gia đình.

Giải pháp tiếp theo được nêu tại báo cáo là tiếp tục củng cố chính sách tài khóa theo hướng cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, giảm nợ xấu, mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế, không đặt nặng vấn đề tăng thuế suất.

Phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm trung hòa ngoại hối, quản lý chặt chẽ lượng tiền ngân sách ở các ngân hàng thương mại, điều hành thị trường vốn theo chủ động hơn, nhất là trong việc phát hành trái phiếu phải gắn với nhu cầu sử dụng thực tiễn.

Chính phủ cũng xác định tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt, chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó hiệu quả đối với các cú sốc lớn trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, tạo dư địa và giảm áp lực cho điều hành tỷ giá, thị trường tiền tệ những năm tiếp theo.

Trong trung và dài hạn, cần tận dụng nền tảng vĩ mô ổn định để đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước cú sốc lớn từ bên ngoài.


Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên