MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ yêu cầu rà soát các điều kiện kinh doanh theo tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật, Tây Âu

Trước tháng 12/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì rà soát và trình lên Chính phủ đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh thị trường.

Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2017. Theo bản Nghị quyết này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì rà soát và trình Chính phủ đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế kinh doanh. Trước tháng 12/2017, Bộ KH&ĐT phải báo cáo Thủ tướng.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh của OECD, đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh thị trường, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 12 năm 2017”- bản Nghị quyết nêu rõ.

Trước đó, cuối tháng 7, xét đề nghị của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gửi các báo cáo rà soát mới đây về điều kiện kinh doanh tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp.

VCCI cho biết, hiện có 5.719 điều kiện kinh doanh (thường gọi là giấy phép con) trong tổng số 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhiều nhất là Bộ Công Thương với 1.220 điều kiện kinh doanh trong 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý. Ít nhất là Bộ Xây dựng với 106 điều kiện kinh doanh trong 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 (diễ ra ngày 03/8), Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận về các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thủ tướng cho rằng việc cấp giấy phép con là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Đồng thời cũng chưa có nhiều bắng chứng cho thấy chi phí cấp giấy phép con đã giảm.

“Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng đã đề nghị đưa vào nội dung Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 nội dung liên quan tới vấn đề này. Bộ KH&ĐT sẽ là đơn vị chủ trì rà soát và trình Chính phủ đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế kinh doanh trước tháng 12/2017. Chuẩn mực được áp dụng là nguyên tắc thị trường cạnh tranh của OECD.

OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Tổ chức này hiện có 35 thành viên đều là những nước kinh tế thị trường phát triển hàng đầu thế giới, như: Hoa Kỳ, Canada, các nước Tây Âu,... Nhật Bản, Hàn Quốc và Israel là 3 thành viên OECD thuộc khu vực châu Á.

PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên