Chính trường Trung Quốc có chuyển biến lớn, công cuộc cải cách nền kinh tế sẽ dừng lại hay bước tiếp?
Quan điểm lạc quan cho rằng sự thay đổi này có thể mang lại những tác động tích cực cho kinh tế Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn.
- 13-03-20188 nước có nguy cơ rơi vào 'bẫy nợ' của Trung Quốc
- 13-03-2018Ông Tập không còn giới hạn nhiệm kỳ, kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao?
- 12-03-2018Trung Quốc cảnh báo chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ là "thảm họa"
- 11-03-2018NÓNG: Gần 100% ĐBQH Trung Quốc bỏ phiếu chính thức xóa giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước
Đến thăm văn phòng của 1 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở thành phố miền Trung Vũ Hán, người viết quan sát thấy 1 điều đặc biệt. Trên giá sách phía sau bàn làm việc của vị quản lý cấp cao là vài quyển luận văn, trong đó có tuyển tập các bài phát biểu tại đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc mới nhất, sự kiện quyết định đưa ‘tư tưởng Tập Cận Bình" vào hiến pháp Trung Quốc. Tuy nhiên bên cạnh những cuốn sách bìa đỏ này lại là nhiều cuốn sách đi theo nhiều chủ đề phong phú: từ sách về công nghệ blockchain đến "cách mạng công nghiệp 4.0" hay 1 cuốn sách chia sẻ bí quyết sống và kinh doanh được viết bởi tỷ phú, ông trùm quỹ đầu cơ người Mỹ Ray Dalio.
Nhưng vị quản lý này không cho rằng chủ đề của những cuốn sách là mâu thuẫn với nhau. Giống như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác, bà có thể trình bày trôi chảy về mô hình kinh doanh của các nhà sản xuất chip bán dẫn nhưng cũng sẽ chẳng gặp khó khăn gì khi nói về đóng góp của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Và trong mấy năm gần đây thì chủ đề thứ hai luôn thu hút được nhiều sự chú ý hơn.
Hôm 11/3, Trung Quốc đã bỏ phiếu chính thức xóa giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước với tỷ lệ tán thành gần 100%. Sự thay đổi lớn trong nền chính trị Trung Quốc có nhiều ý nghĩa đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nói chung cũng như công ty ở Vũ Hán nói riêng, do nó sẽ tác động đến mọi mặt của quá trình làm chính sách, trong đó có chính sách điều hành nền kinh tế.
Quan điểm lạc quan cho rằng sự thay đổi này có thể mang lại những tác động tích cực cho kinh tế Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn. "Chúng tôi sẽ có sự ổn định và đường hướng chính sách rõ ràng", Zhu Ning, nhà kinh tế học đang công tác tại ĐH Thanh Hoa nhận định. Theo đó ông Tập sẽ có đủ quyền lực để đẩy mạnh những cải cách đôi lúc vẫn gặp khó khăn. Ví dụ như quyết tâm đóng cửa hàng loạt mỏ than và nhà máy thép thua lỗ trong hơn 2 năm qua, giúp 2 ngành công nghiệp này được thanh lọc để khỏe mạnh hơn dù phải hi sinh khoảng 2 triệu việc làm.
Sự thật là ông Tập sẽ tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc trong ít nhất là 1 thập kỷ nữa đem đến cho các doanh nghiệp sự tự tin khi lập các kế hoạch dài hạn. Điều này cũng đồng nghĩa khả năng thành công của 2 dự án "con cưng" của ông Tập là sáng kiến Một vành đai một con đường (với những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ trên khắp châu Á) và thành phố mới Xiong’an sẽ tăng lên.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng những nỗi lo. Các chính quyền địa phương có thể sẵn sàng tuân thủ chính sách quốc gia nhiều hơn so với trong quá khứ, nhưng đôi lúc điều có sẽ gây ra tác động tiêu cực, theo nhận định của Yanmei Xie – chuyên gia phân tích tại hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics. Ví dụ, chiến dịch chống ô nhiễm khi về đến tỉnh miền Bắc Hà Bắc đã khiến hàng nghìn hộ dân phải chịu đựng lạnh giá khi mùa đông đến vì các quan chức địa phương quyết tâm cắt giảm nguồn cung than đá để đạt mục tiêu về giảm thiểu ô nhiễm.
Dẫu vậy, Trung Quốc đã truyền đi nhiều tín hiệu tích cực. Hôm 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc báo cáo trước Quốc hội trong đó đề cập Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,5%. Đây là mức giống như năm ngoái nhưng ông Lý đã bỏ qua cụm từ "mong muốn tốc độ tăng trưởng cao hơn nếu có thể". Dù điều này vẫn chưa phải là thứ mà IMF hối thúc Trung Quốc thực hiện là xóa bỏ việc nêu ra con số cụ thể cho mục tiêu tăng trưởng, dẫu sao đây vẫn là tín hiệu cho thấy Trung Quốc không còn muốn tăng trưởng bằng mọi giá mà muốn tăng trưởng ổn định, bền vững hơn. Ông Tập Cận Bình hiện đang đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng, chống đói nghèo và chống rủi ro do vay nợ.
Bên cạnh đó Trung Quốc đã từ bỏ mục tiêu tăng trưởng đầu tư tài sản cố định và giảm mức dự báo thâm hụt ngân sách – tín hiệu cho thấy các lãnh đạo nước này muốn kiểm soát tình trạng dư thừa chi tiêu. Thủ tướng Lý cũng bổ sung thêm 1 mục tiêu mới – tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 5,5%, chứng tỏ Trung Quốc muốn tập trung vào cải thiện hệ thống an sinh xã hội. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ giảm xuống trong khi chi tiêu cho an sinh xã hội, giáo dục và y tế tăng lên.
Có lẽ khi đội ngũ của ông Tập đã được bổ sung hoàn chỉnh, chương trình nghị sự của ông sẽ trở nên tham vọng hơn. Liu He - cố vấn kinh tế mà ông Tập tin cậy nhất – được dự báo sẽ trở thành Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính. Nhân vật này đã cam kết các chương trình cải cách sẽ "vượt quá cả kỳ vọng của cộng đồng quốc tế". Ngày 17/3 tới Quốc hội Trung Quốc sẽ bỏ phiếu về kế hoạch cắt giảm số lượng các cơ quan nhà nước, trong đó sẽ hợp nhất 2 cơ quan giám sát ngành ngân hàng và bảo hiểm.