MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho vay tiêu dùng tại nông thôn - hướng đi mới cho các công ty tài chính

14-07-2017 - 08:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện tại, độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ cho vay tại các vùng nông thôn còn rất thấp. Việc mở rộng thị trường ra khu vực nông thôn có thể là một hướng đi mới, giúp các công ty tài chính gỡ được nút thắt trong chiến lược phát triển lâu dài, tuy nhiên lại đòi hỏi nhiều bước tiến mang tính đột phá và sáng tạo.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây với một loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập giữa ngân hàng và các công ty tài chính. Giá trị tín dụng tiêu dùng ước tính đạt khoảng 6,4% tổng GDP của Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2016 và con số này ước tính đạt tới 10% của tổng GDP tính đến năm 2020, tương ứng khoảng 20 tỷ đô la Mỹ (nguồn: Tapchitaichinh.vn), một con số khá lớn với một nước đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2.200 đô la Mỹ năm 2016 (nguồn: Tổng cục Thống kê).

Mức độ cạnh tranh của thị trường cho vay tiêu dùng cũng ngày càng khốc liệt, một phần là do hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng đều tập trung nguồn lực tại khu vực thành thị hoặc các khu công nghiệp, trong khi đó, dân số tại các khu vực này chỉ chiếm gần 40% tổng dân số cả nước.

Với thực tế cạnh tranh này, mục tiêu mở rộng thị trường, tiếp cận được nhiều khách hàng mới của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ khó thành hiện thực. Trước sức ép này, việc mở rộng thị trường ra khu vực nông thôn có thể là một hướng đi mới, giúp các công ty tài chính gỡ được nút thắt trong chiến lược phát triển lâu dài, tuy nhiên lại đòi hỏi nhiều bước tiến mang tính đột phá và sáng tạo.

Hiện tại, độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ cho vay tại các vùng nông thôn còn rất thấp. Trong Hội nghị thượng đỉnh tài chính toàn diện Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra vào ngày 21-22/03 năm 2017, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc của Ngân hàng cho biết: “…Riêng ở tại Việt Nam, có 60 triệu người dân sống ở vùng nông thôn cần được tập trung hỗ trợ đặc biệt là tài chính toàn diện”. Với sự thiếu hụt các dịch vụ tài chính toàn diện cũng như sự hiện diện của hệ thống các ngân hàng, các công ty tài chính tại các vùng nông thôn, người dân đa phần tìm đến thị trường “tín dụng đen” hoặc thông qua các tiệm cầm đồ để có thể tiếp cận được nguồn vốn vay.

Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam chỉ ra việc dân số tại các vùng nông thôn khó được tiếp cận các dịch vụ tài chính hơn so với khu vực thành thị là do hai yếu tố chính: thu nhập của người dân và đặc điểm địa lý vùng miền. Hầu hết dân cư tại khu vực nông thôn đều có thu nhập thấp, không thường xuyên và khó dự đoán. Theo đó, các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng sẽ rất khó để giải ngân cho vay các đối tượng này do khả năng mất vốn rất cao. Bên cạnh đó, các khu vực nông thôn lại có mật độ dân số thưa thớt, cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển, dẫn đến khó khăn trong việc thiết lập mạng lưới kênh phân phối, cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính tới dân cư.

Bà Nguyễn Thùy Dương nhận định thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong khu vựcnhưng cũng ẩn chứa nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là khả năng mở rộng thị trường ra các khu vực nông thôn. Tuy nhiên, dưới sức ép cạnh tranh ngày càng tăng tại khu vực thành thị, các công ty tài chính tiêu dùng cần thiết phải tìm ra những lối đi riêng cho mình để có thể tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại khu vực nông thôn, nhằm nâng cao thị phần và duy trì tốc độ tăng trưởng. Mặc dù thu hút khách hàng mới là mục tiêu hàng đầu, việc đảm bảo quản lý hiệu quả rủi ro tín dụng vẫn luôn phải được “khắc cốt ghi tâm” nhằm đảm bảo an toàn và tối đa hóa lợi ích cho các công ty về dài hạn.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên