MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chọn nhầm nghề giống như người đang lái xe trên cao tốc và phát hiện mình đi nhầm đường, nếu lập tức quay đầu lại, bạn sẽ "tan xác"

17-10-2018 - 13:46 PM | Sống

Cái cảm giác không hài lòng về công việc mà bạn đang phải chịu đựng, là do một sự cố nhỏ nào đó gây ra, hay là kết quả của vô vàn sự "bằng mặt mà không bằng lòng" đã tích tụ trong lòng bạn suốt thời gian qua?

- 01 -

Bạn sợ những buổi sáng Thứ Hai đầu tuần. Suốt 8 tiếng ở cơ quan, bạn cứ mải nhìn đồng hồ thay vì tập trung vào công việc đến nỗi chẳng làm được bao nhiêu. Rồi bạn thầm mừng như trẩy hội trong lòng khi thấy kim đồng hồ chỉ 5 giờ chiều.

Bạn có cảm thấy không ổn vì tình trạng đó, khi mỗi ngày lên cơ quan là một cực hình – chứ không còn là niềm vui như hồi bạn ngây ngô mới vào?

Rồi bạn có cảm thấy nhàm chán, khi ngày nào cũng như ngày nào, khiến bạn sống chẳng khác nào một cỗ máy vô hồn?

Rồi bạn có tự vấn bản thân, làm thế "quái" nào mà mình lại chọn cái công việc này, vớ cái công ty này, khi mà mỗi ngày trôi qua lại nặng nề đến thế, làm việc thì không hiệu quả, tương lai càng lúc càng mờ mịt?

Tin mừng là bạn không phải trường hợp duy nhất. Hầu hết chúng ta đều sẽ trải qua cảm giác hoang mang về công việc hiện tại ít nhất một lần trong suốt sự nghiệp của mỗi người.

Chọn nhầm nghề giống như người đang lái xe trên cao tốc và phát hiện mình đi nhầm đường, nếu lập tức quay đầu lại, bạn sẽ tan xác - Ảnh 1.

Mỗi ngày lên cơ quan đồng nghĩa với việc bạn tiêu tốn thời gian của bản thân cho công việc – trong khi thời gian là thứ mà bạn không bao giờ có thể lấy lại được một khi đã đánh mất.

Bà Shawnice Meador – giám đốc nhân sự và phát triển kỹ năng lãnh đạo của chương trình MBA online thuộc trường Đại học North Carolina – liệt kê ra 10 dấu hiệu cho thấy bạn đang ở nhầm chỗ - chọn nhầm nghề:

1. Bạn không còn tin tưởng vào tầm nhìn và sứ mệnh mà công ty mình tuyên bố, cũng như không còn tin vào những giá trị mà họ hứa hẹn mang lại cho nhân viên hay cộng đồng; 

2. Công việc hiện tại không giúp bạn phát huy được những năng lực sở trường của bản thân; 

3. Bạn không hiểu được mục đích và ý nghĩa của công việc mình đang làm; 

4. Bạn không học hỏi được kinh nghiệm hay kỹ năng gì mới cho bản thân mình từ công việc đang làm; hoặc nó không còn khiến bạn hào hứng hoặc đam mê như thuở ban đầu; 

5. Bạn không còn cảm thấy vui vẻ hay hãnh diện mỗi khi đạt được thành quả nào đó trong công việc; 

6. Bạn cảm thấy những việc mình làm trong công ty không được tưởng thưởng hoặc đánh giá xứng đáng; 

7. Bạn cảm thấy nơi làm việc hiện tại không có nhiều cơ hội thăng tiến hay phát triển sự nghiệp;

8. Bạn cảm thấy khó chịu và không muốn trả lời mỗi khi có ai đó hỏi thăm về công việc hay nơi làm việc hiện tại của mình;  

9. Bạn cảm thấy cấp trên của mình không còn đáng được tôn trọng; 

10. Bạn cảm thấy lưỡng lự, mệt mỏi hoặc chán nản mỗi khi được giao nhiệm vụ mới, kể cả khi đó là một nhiệm vụ dễ dàng.

Đối chiếu xem, bạn có bao nhiêu dấu hiệu trong số 10 dấu hiệu kể trên. Và khi đã có câu trả lời đích xác rằng bạn thật sự đã ở nhầm chỗ - chọn nhầm nghề. Vậy thì, hãy bình tĩnh nào. Tôi nhớ, một du học sinh Việt tại Anh từng so sánh rất ví von: Hãy tưởng tượng lúc bạn phát hiện ra mình bị nhầm nghề cũng giống như một người đang lái xe trên cao tốc và phát hiện mình đi nhầm đường. Bạn sẽ làm gì? Quay đầu ngay lập tức à? Không phải lúc nào cũng có thể làm thế, bạn sẽ "tan xác" trước khi bạn kịp tìm ra được con đường đúng.

Mọi sự hoảng loạn đều dẫn đến thảm họa, và tình huống này cũng vậy.

Chọn nhầm nghề giống như người đang lái xe trên cao tốc và phát hiện mình đi nhầm đường, nếu lập tức quay đầu lại, bạn sẽ tan xác - Ảnh 2.

- 02 -

Con người lúc nắng lúc mưa, đôi khi chúng ta có vài ngày tồi tệ ở cơ quan chỉ bởi vài cuộc nói chuyện không vui với sếp hay đồng nghiệp; những lúc đó, cảm xúc của chúng ta có thể diễn biến tồi tệ đến mức khiến chúng ta nghĩ ngay đến quyết định đổi nghề hoặc nghỉ việc.

Khi những suy nghĩ tiêu cực này xuất hiện trong đầu bạn, hãy dành thời gian bình tĩnh lại và đánh giá tình huống một cách sáng suốt nhất!

1. Ngồi lại phân tích và đánh giá hoàn cảnh hiện tại của bản thân:

Hãy lấy giấy bút để viết ra và miêu tả công việc hoặc môi trường làm việc lý tưởng mà bạn mong muốn, rồi so sánh nó với môi trường hoặc công việc hiện tại mà bạn đang đối mặt. Cái cảm giác không hài lòng mà bạn đang phải chịu đựng, là do một sự cố nhỏ nào đó gây ra, hay là kết quả của vô vàn sự "bằng mặt mà không bằng lòng" đã tích tụ trong lòng bạn suốt thời gian qua?

Đây là bước đánh giá bản thân mà bạn phải thực hiện một cách trung thực nhất có thể. "Hãy xem xét kỹ những điều mà bạn thực sự cần và muốn ngoài công việc.

Hầu hết chúng ta cần một công việc chính là để nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng công việc không nhất thiết phải là thứ duy nhất mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của bạn. Nếu bạn không muốn bỏ việc nhưng lại không hài lòng với công việc của mình, nghĩ xem bạn có thể tìm thấy niềm vui trong những sở thích hoặc các hoạt động khác của cuộc sống hay không?"

Chọn nhầm nghề giống như người đang lái xe trên cao tốc và phát hiện mình đi nhầm đường, nếu lập tức quay đầu lại, bạn sẽ tan xác - Ảnh 3.
    2. Tìm thấy sự thay đổi ở ngay vị trí mình đang đứng:

Đôi khi điều khiến bạn không hài lòng không phải là công ty nơi bạn công tác, mà chính là những trách nhiệm mà cấp trên giao cho bạn. Thay đổi không nhất thiết cứ phải là đổi việc hay chuyển chỗ làm. Bạn có thể tình nguyện xin nhận những nhiệm vụ mới, những loại công việc hoặc dự án mà mình chưa có nhiều dịp trải nghiệm.

"Sự thay đổi này có thể là một đòn bẩy cực mạnh nâng bổng bạn lên cao, lấy lại khí thế và cảm hứng tràn trề cho công việc. Thực tế, có nhiều ứng viên khăng khăng cho rằng mình không còn lựa chọn nào khác ngoài đổi việc, nhưng một khi được yêu cầu tham gia những nhiệm vụ mới mẻ, họ lại thấy công việc của mình hấp dẫn hơn bao giờ hết và thắp lại được ngọn lửa đam mê.

Bạn cũng nên bình tĩnh trình bày cho sếp nghe những khía cạnh cụ thể của công việc mà khiến bạn cảm thấy không hợp, để rồi cả hai có thể xem xét, đưa ra nhiều ý kiến nhằm chọn lọc ra cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề.

Chọn nhầm nghề giống như người đang lái xe trên cao tốc và phát hiện mình đi nhầm đường, nếu lập tức quay đầu lại, bạn sẽ tan xác - Ảnh 4.

3. Làm chủ vận mệnh của mình

Nếu bạn vẫn cho rằng mình đang phí thời gian ở một nơi không hề phù hợp với mình, hãy bắt đầu tìm kiếm môi trường mới ngay lập tức. Hãy dành thời gian suy xét thật kỹ, rằng môi trường mới bạn muốn đến là một nơi như thế nào. Sau đó, hãy liên lạc với các mối quan hệ bạn có và bắt đầu tìm kiếm.

Cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng, dù bạn có thất bại hay thành công trong sự nghiệp, không nên đổ lỗi cho công ty, cho hoàn cảnh, cho môi trường xung quanh hay bất kỳ ai khác. Bạn chính là người phải chịu trách nhiệm cho mọi thành công và hạnh phúc của chính mình.

"Mỗi khi bạn phải chuyển việc, đừng lấy làm buồn vì điều đó. Mỗi công việc bạn trải qua chính là khoảng thời gian bạn xây dựng và để lại một dấu ấn hay di sản của bản thân mình" – chuyên gia Meador đưa ra lời khuyên.

"Dù bạn quyết định thế nào đi chăng nữa, hãy để lại ấn tượng tốt đẹp dài lâu đối với cấp trên, đồng nghiệp và phòng ban nơi bạn công tác. Bạn sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với chính mình bất kể tình cảnh có không hoàn hảo đi chăng nữa."

Theo H. Chanh (T.H)

Trí thức trẻ

Trở lên trên