Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ được tiếp đón như thế nào khi đến thăm Đài Loan?
Theo các nhà phân tích, trong chuyến thăm Đài Loan, bà Pelosi sẽ nhận được sự tiếp đón chính thức cấp cao, gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và được hưởng quy chế ưu đãi đặc biệt dành riêng cho các chức sắc nước ngoài hàng đầu.
- 22-07-2022Hai nhà sáng lập 3AC dùng tiền công ty mua du thuyền 50 triệu USD trước khi quỹ 10 tỷ USD này sụp đổ
- 30-03-2022Trung Quốc hạ thủy du thuyền chạy điện lớn nhất thế giới, tái khẳng định ngôi vương trong ngành công nghiệp pin
- 19-03-2022Covid hoành hành đến khan hiếm quan tài, giới siêu giàu Hồng Kông gấp rút tháo chạy, các công ty vận chuyển du thuyền, xe sang 'ăn nên làm ra'
Sau khi truyền thông Mỹ chính thức đưa tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ có chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) trong khuôn khổ chuyến công du châu Á, nhiều nhà phân tích cho rằng, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ dành cho bà Nancy Pelosi một sự tiếp đón cấp cao nhưng tránh gây sự chú ý nếu chính khách này thực hiện chuyến thăm không báo trước tới vùng lãnh thổ.
Theo các nhà phân tích, dù chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan diễn ra dưới hình thức nào, bà cũng sẽ nhận được sự tiếp đón chính thức cấp cao, gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và được hưởng quy chế ưu đãi đặc biệt dành riêng cho các chức sắc nước ngoài hàng đầu. Tuy nhiên, Đài Loan có thể hạn chế thu hút sự chú ý đối với chuyến thăm để tránh gây thêm căng thẳng với Trung Quốc bởi Trung Quốc từng cảnh báo quân đội nước này sẽ “không ngồi yên” nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan.
Truyền thông Đài Loan trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết, bà Pelosi có thể đến hòn đảo này vào tối nay (2/8, theo giờ địa phương) và bà sẽ gặp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn vào hôm sau (3/8). Tuy vậy, chính quyền Đài Loan đã từ chối bình luận về thông tin này.
Bà Pelosi cùng với 5 thành viên khác của Quốc hội Mỹ đã bắt đầu chuyến công du châu Á từ ngày 1/8, với điểm dừng chân đầu tiên là Singapore. Tại đây bà đã gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Bộ Ngoại giao Singapore cho biết: “Thủ tướng Lý Hiển Long và phái đoàn của Quốc hội Mỹ đã trao đổi quan điểm về những diễn biến chính của quốc tế và khu vực, trong đó có cuộc xung đột Nga-Ukraine, quan hệ giữa hai nước và biến đổi khí hậu. Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung đối với hòa bình và an ninh của khu vực”.
Giới quan sát cho rằng, nhiều quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương lo ngại có thể bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc và bị buộc phải chọn bên nếu hai bên xảy ra một cuộc xung đột liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và không loại trừ khả năng dùng vũ lực nếu cần thiết. Nước này xem chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là hành động khiêu khích và cam kết sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ đối với cả Mỹ và Đài Loan nếu bà Pelosi đến thăm hòn đảo này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, vì Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là "quan chức số 3 của Chính phủ Mỹ" nên chuyến thăm Đài Loan của bà sẽ "dẫn đến tác động chính trị nghiêm trọng".
Nhiều nhà phân tích đã suy đoán về việc bà Pelosi sẽ đến thăm Đài Loan theo hình thức nào. Ông Drew Thompson, cựu quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng Pelosi có thể đến Đài Loan dưới hình thức “một chuyến thăm không chính thức". Theo ông, một trong số các khả năng là bà Pelosi sẽ “tới Đài Loan như một điểm dừng chân không chính thức sau chuyến thăm Malaysia” và điều này sẽ không gây ra nhiều lo ngại đối với Bắc Kinh.
Các nhà phân tích cho rằng, bà Pelosi nhiều khả năng sẽ không đến Đài Loan (Trung Quốc) dưới hình thức là một chuyến thăm riêng tư, mang tính cá nhân. Wen-Ti Sung, Giảng viên về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, suy đoán: “Bà ấy sẽ đến thăm với tư cách là Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm hoặc với tư cách là thành viên Quốc hội Mỹ”.
Còn ông Kwei-Bo Huang, Giáo sư Ngoại giao tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc, cho rằng, bà Pelosi sẽ đến Đài Loan như một địa điểm quá cảnh mà không phải thăm chính thức hòn đảo này và bà có thể ở đây vài giờ để gặp nhà lãnh đạo Thái Văn Anh. “Nhưng nếu thăm theo hình thức này, bà Pelosi vẫn phải lo lắng về áp lực hoặc mối đe dọa quân sự từ Bắc Kinh”.
Theo nhà phân tích Wen-Ti Sung, chuyến thăm của bà Pelosi nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc tức giận dù diễn ra dưới bất cứ hình thức nào. Nhưng “áp lực từ Trung Quốc có thể khiến Chủ tịch Hạ viện Mỹ cần phải thể hiện thái độ cứng rắn hơn và quyết định đến thăm Đài Loan với tư cách là Chủ tịch Hạ viện Mỹ”, ông Wen-Ti Sung lưu ý.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc cho rằng bà Pelosi có thể sử dụng "lý do khẩn cấp như lỗi máy bay hay tiếp nhiên liệu" để hạ cánh xuống sân bay Đài Loan và điều này sẽ châm ngòi cho căng thẳng ở Eo biển Đài Loan.
Đài Loan được cho là sẽ xử lý các vấn đề liên quan đến chuyến thăm một cách thận trọng, Max Lo, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Đài Loan nhận định.
Đài Loan có thể dành sự tiếp đón chính thức với bà Pelosi và các nhà lập pháp Mỹ, trong đó có việc miễn trừ các biện pháp kiểm dịch Covid-19, nhưng sẽ tránh “khua chiêng gõ trống”, ông Max Lo lưu ý.
Đến thời điểm hiện tại, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chưa lên tiếng trước thông tin bà Pelosi đến thăm hòn đảo này. Người đứng đầu cơ quan hành pháp của Đài Loan Tô Thanh Xương cho biết, vùng lãnh thổ này hoan nghênh các chuyến thăm của các chính khách nước ngoài và sẽ có sự tiếp đón phù hợp.
“Về lịch trình của các chuyến thăm, chúng tôi tôn trọng quyết định và kế hoạch của họ”, ông Tô Thanh Xương nói.
Theo nhà phân tích Wen-Ti Sung, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi có thể khiến quan hệ Mỹ-Trung trở nên xấu hơn trong thời gian ngắn, nhưng sau khi bà rời nhiệm sở vào tháng 11/2022 tới đây và một người khác làm Chủ tịch Hạ viện thay thế, Trung Quốc sẽ có cơ hội thiết lập lại quan hệ.
VOV