MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Quốc hội: Không để phát sinh "giấy phép con" trong thực hiện luật

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, "giấy phép con" trái quy định trong tổ chức thực hiện luật, nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu - Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu - Ảnh: Lâm Hiển

Ngày 7-3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan, tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các địa phương trong cả nước với 1.147 đại biểu tham dự. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận đã có chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết.

Các cơ quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nhất là sức ép về mặt tiến độ, phạm vi, khối lượng công việc để nỗ lực khẩn trương sớm triển khai thi hành luật, nghị quyết.

Dù các kết quả triển khai thi hành luật, nghị quyết nêu trên là rất đáng ghi nhận, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, đây mới chỉ là bước đầu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện là rất lớn, đặc biệt nhiều luật của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 có số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định vừa nhiều, vừa khó, vừa đòi hỏi cao về tiến độ, đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan.

Ông đề nghị Quốc hội, UBTVQH tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: Không để phát sinh

Các đại biểu tham dự hội nghị tại nhà Quốc hội - Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xử nghiêm "lợi ích nhóm" trong thi hành pháp luật

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết; sớm ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành. Tiếp tục ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy định chi tiết bảo đảm tiến độ, chất lượng để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết, có tính khả thi, nhất quán, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết các luật có mối quan hệ mật thiết với nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...

"Không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, "giấy phép con" trái quy định trong tổ chức thực hiện" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu biên soạn, xuất bản sách "Luật Đất đai - Hỏi và Đáp" để đáp ứng yêu cầu phổ biến, tuyên tuyền pháp luật.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong thi hành pháp luật…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm lớn hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa nhằm sớm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống.

TikToker phân tích Luật Đất đai thu hút hàng trăm ngàn lượt xem

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự tham gia của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền thông tin, tuyên truyền các luật, nhất là Luật Đất đai.

"Tôi theo dõi thấy mừng lắm, có những TikToker, blogger phân tích khoản 4 của Luật Đất đai về định nghĩa thế nào là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài gốc Việt Nam... một buổi lên sóng thu hút hàng trăm ngàn lượt xem.

Người ta tham gia phân tích điểm mới của dự án luật này đối với từng đối tượng. Đây là một điểm rất mới, cho thấy vai trò của mạng xã hội tham gia vào tuyên truyền các dự án luật rất nhiều" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong truyền thông, giới thiệu một số tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng. Trong đó, nếu không có hiệu ứng của truyền thông xã hội thì chưa chắc nhiều người biết đến phim "Đào, phở và piano". "Tôi thấy đây là kinh nghiệm mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cần nghiên cứu kỹ hiện tượng này" - ông gợi ý.


Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên