Chủ tịch VCCI: "Bộ ngành dường như bận đi khai trương, động thổ dự án nên chậm trễ nhiệm vụ chính"
Số giấy phép con ban hành trái luật không giảm mà còn tăng mạnh và doanh nghiệp còn phải đối mặt thêm với các nghị định trái luật, luật trái luật.
- 02-05-2016Tấn công trực diện những điều kiện kinh doanh vô lý
- 09-09-20153 công ty kiểm toán bị cảnh báo về điều kiện kinh doanh
- 01-07-2015Bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh: Còn hơn cả... “cởi trói”
- 29-06-2015Chính thức đề nghị bãi bỏ gần 3.300 điều kiện kinh doanh
Đó là nhận định được Luật sư Trương Thanh Đức, Thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Chủ tịch Công ty Luật BASICO - Trọng tài viên VIAC, đưa ra khi bình luận về việc thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Vị Luật sư này khẳng định: Không cần phải chờ đến ngày 01/7/2016, thì tất cả hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các thông tư trong 10 năm qua đều trái luật.
Nguyên nhân là, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 1999, Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Ngay cả quy định mới của Luật Đầu tư năm 2014, điểm khác trong quy định hiện nay là Thủ tướng cũng không còn được phép ban hành điều kiện kinh doanh như trước đây.
Việc rà soát điều kiện kinh doanh theo Luật đầu tư phải được thực hiện từ năm 2015 để sẵn sàng thực hiện vào thời điểm có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Theo đó, Luật quy định chỉ có 267 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhưng hiện tại có tới 5.000 giấy phép con, trong đó có 3.000 giấy phép con được ban hành trái thẩm quyền.
Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Sau 16 năm, số giấy phép con, tức điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn không ngừng tăng vọt với con số lên đến khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh trái luật”.
Đáng chú ý, ngoài cuộc chiến tiếp diễn chống lại điều kiện kinh doanh do các thông tư ban hành trái luật, vị luật sư này cho rằng còn phải đối mặt thêm với các nghị định trái luật và ngay cả luật trái luật.
Dẫn chứng, Luật Đầu tư năm 2014 quy định danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm 267 danh mục. Song đến thời điểm này, đã xuất hiện thêm ít nhất là ngành, nghề kinh doanh thứ 268 “Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn”.
Hoặc trong số 268 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014 không có “Hoạt động dịch vụ của tổ chức hoà giải thương mại”, trong khi lại có ngành, nghề tương tự là “Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại”.
Vì vậy, nếu Chính phủ ban hành Nghị định về hoà giải thương mại trong lúc chưa bổ sung ngành, nghề “Hoạt động dịch vụ của tổ chức hoà giải thương mại”, thì sẽ trái với quy định của Luật Đầu tư năm 2014 theo phân tích của Luật sư Trương Thanh Đức.
Vấn đề giải quyết các điều kiện kinh doanh trái luật đang trở nên cấp bách, thì một thực trạng được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Phó tổ trưởng Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp (DN) chỉ ra rằng: Các Bộ ngành, địa phương vẫn "vô tư" ban hành thêm giấy phép con trong khi tinh thần của Luật đầu tư là không được phát sinh thêm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
"Đây là vấn đề không thể hiểu nổi. Chỉ từ tháng 4/2016, khi Thủ tướng quyết liệt yêu cầu không bàn lùi, các bộ ngành mới "vắt chân lên cổ" rà soát. Điều này cho thấy trách nhiệm của các bộ ngành thế nào. Các bộ ngành dường như còn phải lo nhiều việc khác, bận đi khai trương, động thổ dự án nên chậm trễ nhiệm vụ chính của mình" - ông Lộc nói.
Để kịp tiến độ, Chính phủ cho phép ban hành nghị định về điều kiện kinh doanh theo quy trình rút gọn. Tuy nhiên do thời gian gấp rút, các bộ đang ban hành văn bản theo quy trình 8 không: không đăng dự thảo trên mạng; không gửi lấy ý kiến doanh nghiệp; không tổ chức hội thảo; không đánh giá tác động; không tổng kết thi hành; không kiểm soát thủ tục hành chính; không bản thuyết minh; không bản giải trình, tiếp thu ý kiến.
Hiện tại đã có 50 dự thảo Nghị định kinh doanh được các bộ ngành hoàn thiện, gửi lấy ý kiến Bộ Tư pháp và trong số đó đã có dự thảo trình Chính phủ phê duyệt. Song việc, Bộ Tư pháp lấy đâu ra nguồn nhân lực để thẩm định, là vấn đề khiến cho đại diện của VCCI tỏ ra quan ngại về chất lượng các văn bản này.