Chứng khoán giảm sâu, nhân dân tệ rớt giá, bất ổn bao trùm thị trường tài chính Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực để trấn an thị trường, từ động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ đến những bài báo mang giọng điệu lạc quan trên các tờ báo tài chính. Tuy nhiên hiệu quả thu được là không đáng kể.
- 26-06-2018Chứng khoán Trung Quốc rơi vào thị trường gấu, rủi ro tăng trưởng gia tăng
- 26-06-2018Siêu kế hoạch đầy tham vọng này chính là nguồn cơn khiến ông Trump cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại
- 25-06-2018Lo tăng trưởng yếu đi, Trung Quốc bơm hơn 100 tỷ USD vào nền kinh tế
- 25-06-2018Cuối tuần này Mỹ có thể tung ra "đòn" mới trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Lao dốc 20% chỉ trong 5 tháng, hôm qua chỉ số Shanghai Composite đã chính thức rơi vào "thị trường con gấu". Trong khi đó, đồng nhân dân tệ giao dịch ở Hồng Kông đang trên đường hướng đến chuỗi giảm giá dài kỷ lục. Số vụ vỡ nợ doanh nghiệp thì đang tăng lên.
"Những yếu tố cơ bản đang rất tệ. Áp lực bán là quá lớn", Hao Hong - chiến lược gia trưởng tại Bocom International Holdings nhận định.
Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 20%.
Tình trạng này xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan: chiến dịch giải chấp (deleveraging) mà Trung Quốc đang thực hiện khiến thanh khoản giảm sát, đe dọa đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Không may là điều này lại xảy ra trong thời điểm bất lợi với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hết sức khó đoán và nhà và nhà đầu tư đang có hàng tá lý do để bán ra.
Chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực để trấn an thị trường, từ động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ đến những bài báo mang giọng điệu lạc quan trên các tờ báo tài chính. Tuy nhiên hiệu quả thu được là không đáng kể. Việc chỉ số Shanghai Composite không thể cầm cự mốc 3.000 điểm – ngưỡng vẫn được coi là sẽ khiến Chính phủ phải can thiệp để cứu thị trường – đã làm giảm nhu cầu "săn hàng giảm giá" của nhà đầu tư. Đồ thị kỹ thuật cho thấy chỉ số này đã bị quá bán (oversold) trong suốt 6 phiên gần nhất – chuỗi dài nhất kể từ năm 2013. Tổng cộng 1.800 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi TTCK Trung Quốc kể từ tháng 1 đến nay.
Phiên sáng nay (27/6), Shanghai Composite chưa thể hồi phục và giảm thêm 1,09%. Chỉ số thiên về công nghệ Shenzhen Index đã bước vào thị trường con gấu từ tháng 2. Trong khi đó chỉ số MSCI China Index giảm 14% so với mức đỉnh của năm 2018.
Thị trường đã ở trong trạng thái quá bán 6 phiên liên tiếp.
Cơn bán tháo đang diễn ra là 1 lời cảnh tỉnh khắc nghiệt về chuyện trên thị trường Trung Quốc mọi thứ có thể "quay ngoắt 180 độ" nhanh chóng như thế nào. Chỉ cách đây vài tháng, nhà đầu tư cảm thấy dường như họ đã được đền đáp sau nhiều năm đáng thất vọng. Shanghai Composite đã có khởi đầu năm mới tốt đẹp nhất kể từ 2009 trong khi nhân dân tệ đang tăng giá với tốc độ nhanh nhất kể từ 2007.
Thậm chí giờ đây nhiều người có cảm giác kim đồng hồ đang quay ngược trở lại năm 2015, khi bong bóng cổ phiếu vỡ tung và động thái bất ngờ hạ giá nhân dân tệ của Trung Quốc khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Mặc dù cuối cùng thì Chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc đưa thị trường trở lại tầm kiểm soát, động thái ngăn chặn dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc bằng những mệnh lệnh hành chính khiến nhà đầu tư cảm thấy khó chịu.
"Nhiều nhà đầu tư còn thận trọng lo ngại Chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì các mục tiêu dài hạn là giảm đòn bẩy và các rủi ro trong hệ thống tài chính, dù họ sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho thị trường trong ngắn hạn", Tai Hui – chiến lược gia trưởng tại JPMorgan Asset Management nhận định.
Tổng cộng chỉ số Shanghai Composite đã giảm 8,2% trong tháng 6, hướng đến tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 1/2016 dù trong tháng này thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới đã đón tin tốt là được MSCI bổ sung vào nhóm các thị trường mới nổi. Nhân dân tệ giảm giá tổng cộng 2,9% trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm do Chính phủ Trung Quốc phát hành tăng lên mức gần cao nhất 2 tháng do nhà đầu tư đi tìm nơi trú ẩn an toàn.
Từ tuần trước thị trường này lao dốc mạnh hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ đánh thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sau động thái trả đũa của Bắc Kinh. Mặc dù hôm thứ Hai cố vấn thương mại cao cấp Peter Navarro đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư về chính sách thương mại của Mỹ, vẫn còn đó những lo ngại liệu nền kinh tế Trung Quốc có thể chịu đựng 1 cuộc tấn công lâu dài từ ông Trump hay không khi mà trong nội tại còn nhiều dấu hiệu bất ổn.
Không chỉ Trung Quốc, nỗi lo chiến tranh thương mại cũng bao trùm các thị trường khác với chứng khoán Mỹ cuối cùng cũng phát đi tín hiệu suy yếu trong phiên đầu tuần. Trong tuần kết thúc vào ngày 20/6, tổng cộng các quỹ cổ phiếu trên toàn cầu đã rút ròng 13 tỷ USD khỏi thị trường. Một số nhà quản lý tiền tệ lớn nhất thế giới đang giảm thiểu rủi ro cho danh mục bằng cách tăng lượng tiền mặt nắm giữ.