Chúng ta nên dạy con về bài học thất bại
Ngày nay, những hình ảnh thành công tràn ngập ở chỗ công cộng hay chốn riêng tư. Hiếm có nơi đâu trẻ được dạy, thất bại là một phần và là điều thiết yếu trong cuộc sống.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà hội chứng ái kỷ ngày càng phổ biến và các phương tiện thông tin đại chúng đem lại khả năng tương tác cao trong cuộc sống bởi sự tính toán và chiến thuật của một nhóm các nhà quản trị marketing.
Cách tự "quảng bá” bản thân trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram với hình ảnh gia đình hạnh phúc trong các kỳ nghỉ viên mãn, những đứa con xinh xắn với bảng thành tích học tập xuất sắc đang trở thành "mốt”. Song, đó chỉ là lớp vỏ bọc của một thế giới hiện đại.
Ảnh minh họa.
Ngày nay, những hình ảnh thành công tràn ngập ở chỗ công cộng hay chốn riêng tư. Hiếm có nơi đâu trẻ được dạy, thất bại là một phần và là điều thiết yếu trong cuộc sống.
Năm 2015, nhà giáo và nhà văn Mỹ Jessica Lahey đã giới thiệu cuốn sách có tựa đề The Gift of Failure (Món quà của Sự Thất bại) dựa trên kinh nghiệm khi quan sát cách các phụ huynh "nhảy” vào cuộc sống con để bảo vệ chúng tránh khỏi những thất bại dù nhỏ hay lớn. Có những cha mẹ đã làm bài tập hộ con hay mang đồ ăn con bỏ quên đến trường thay vì để chúng trải nghiệm hậu quả của lỗi lầm và tự tìm ra cách giải quyết.
Theo bà Lahey, có những cha mẹ không chỉ quá bảo vệ mà còn "miễn đi" việc quan sát đời sống thực tiễn của trẻ. Những đứa trẻ này không bao giờ trải nghiệm các hậu quả tự nhiên. Dĩ nhiên, chỉ cho đến khi chúng bị cuộc sống đánh bại trong môi trường người lớn khi cha mẹ không thể ở đó để hỗ trợ can thiệp. Những đứa trẻ này lớn lên với cảm giác lệ thuộc và không đủ năng lực vì chính cha mẹ chúng đã đào tạo chúng thành những con người như vậy.
"Các sinh viên giỏi nhất của tôi - những người hạnh phúc nhất và thành công trong cuộc sống" mà tác giả Lahey mô tả trong một bài báo vào năm 2013 đăng tải trên tờ The Atlantic là người cho phép mình thất bại, chịu trách nhiệm với bước đi sai và phấn đấu để trở thành người tốt nhất có thể khi đối mặt với sai lầm.
Thất bại và hối tiếc dạy chúng ta biết nhìn xa trông rộng, biết cách giải quyết vấn đề và có thể lường tránh điều đó lặp lại. Thất bại còn dạy chúng ta về lòng trắc ẩn và sự thấu cảm vì giúp chúng ta nhún nhường và rũ bỏ sự thiển cận, tự mãn khỏi con người chúng ta.
Hơn hết, thất bại và hối tiếc còn dạy khả năng phục hồi nhanh và đây chắc chắn là ưu điểm tốt nhất mà bất kỳ cha mẹ nào cũng mong muốn con mình có được. Khác với thành công, bài học rút ra từ sự thất bại là những điều quý giá. Và trên thực tế, những câu chuyện về sự thất bại thường hấp dẫn hơn.
Năm 2013, tờ báo The Guardian (Anh) đã công bố danh sách bảy nhà văn viết về chủ đề thất bại. Nữ nhà văn Diane Athill cho hay, đã "nếm mùi" thất bại ở độ tuổi từ 22 đến 39. Margaret Atwoord đặt câu hỏi "Ai nói, chúng ta cần phải thành công bằng mọi giá?". Còn Will Self tuyên bố "một cuộc sống sáng tạo không thể bền vững chỉ bằng sự đồng thuận”. Nhà văn Lionel Shriver quan sát thấy, có vô số sách dạy về làm thế nào để thành công song hiếm có sách nào dạy về cách đối phó với thất bại.
Lời cuối của tác giả Athill đó là "Có thể vươn dậy từ thất bại: để nghiền ngẫm, tận dụng và quên đi”. Đó cũng chính là lý do những bài học về thất bại là điều trẻ em cần được dạy ở trường học và cần được đăng tải trên các mạng xã hội như Facebook.