Chuỗi cà phê nổi tiếng của Thái Lan sắp vào Việt Nam: Một trong hai nhà đầu tư là ông chủ dầu mỏ, tổng vốn rót vào khoảng 3,5 triệu USD
Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển hoạt động kinh doanh các cửa hàng cà phê.
- 08-10-2019Dẹp cà phê đường tàu: Đừng để tiếp tục “bắt cóc bỏ đĩa”
- 01-10-2019Người Thái ưa chuộng phở, mỳ, gia vị, cà phê Việt Nam
- 07-04-2019Nikkei: Gần và rẻ, cà phê Việt Nam đang "tấn công" mạnh mẽ thị trường Nhật Bản
Tờ Bangkokpost gần đây thông tin Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Central Plaza Hotel (Centel) đã công bố hợp tác để cùng vận hành chuỗi Café Amazon (thương hiệu của PTT) tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư vào khoảng 3,5 triệu USD.
Về cơ cấu, PTT thông qua PTTOR (công ty con của PTT chuyên về mảng bán lẻ) chiếm 60% cổ phần, 40% còn lại do Centel nắm giữ thông qua CGR (công ty con chuyên kinh doanh về nhà hàng)
Ronnachit Mahattanapreut, Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách tài chính và quản trị của Centel nói rằng mục tiêu chính khi hợp tác với PTT là điều hành hoạt động của chuỗi Café Amazon ở Việt Nam. Theo ông, điều này phù hợp tầm nhìn của Centel trong việc mở rộng mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống ra thị trường nước ngoài.
Ông Ronnachit cho biết CRG có kế hoạch sử dụng một công ty con mới tại Việt Nam để đầu tư vào liên doanh này. CRG có kế hoạch sử dụng các công ty con mới để đầu tư thêm vào thị trường nước ngoài trong tương lai gần.
Còn ông Chansin Treenuchagron, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của PTT cho biết khoản đầu tư chung này phù hợp với hướng đi của tập đoàn trong việc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh phi dầu mỏ. Từ đó, tiến tới mục tiêu trở thành thương hiệu toàn cầu hàng đầu của Thái Lan.
Ông Wisarn Chawalitanon, Phó chủ tịch điều hành cấp cao của PTTOR nhận định Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển hoạt động kinh doanh các cửa hàng cà phê vì có nền kinh tế tăng trưởng cao. Mặt khác, Việt Nam cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thành lập và tổ chức hoạt động kinh doanh.
"Tiềm năng lớn này còn đến từ nhu cầu tiêu dùng cà phê khổng lồ ở Việt Nam", ông lưu ý.
Một khi liên doanh được thực hiện tại Việt Nam, PTTOR sẽ học hỏi và nghiên cứu những thức uống phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam.
Ông Wisarn cho biết Café Amazon sẽ mở thêm các chi nhánh bằng cách nhượng quyền thương mại cho các doanh nghiệp nội địa. PTTOR sẽ đưa những thiết kế riêng theo lối "ốc đảo yên tĩnh" trong bối cảnh đô thị Việt Nam.
Chuỗi Café Amazon đã mở rộng mạng lưới lên khoảng 3.200 chi nhánh khắp châu Á, bao gồm các cửa hàng ở Oman, Singapore, và Nhật Bản.
Ra mắt từ năm 2001, thương hiệu cà phê này có 2,4 triệu khách mỗi năm tại các chi nhánh.. Năm 2018, theo số liệu của PTTOR, doanh thu từ hoạt động kinh doanh phi dầu mỏ là 10,9 tỷ baht (khoảng 361 triệu USD) so với 5,12 tỷ baht (khoảng 170 triệu USD) hồi 2017. Giai đoạn này, Café Amazon có 2.750 chi nhánh trong và ngoài nước.